Trung Quốc: Thương mại và đầu tư thay đổi ra sao khi tăng trưởng chậm lại?
Trong ngắn hạn, các chú ý dồn vào việc nền kinh tế Trung Quốc có thể về đích ở mức tăng trưởng 5% hay không. Còn trong trung và dài hạn, sự quan tâm của các nền kinh tế bên ngoài tập trung vào việc các chính sách thương mại và đầu tư của Trung Quốc sẽ như thế nào. Bởi đây là hai kênh lan tỏa trực tiếp nhất...
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) vừa thông qua một loạt chính sách hỗ trợ kinh tế quan trọng. Ảnh: asiatimes.com
|
Kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm và tạo ra những lo lắng về việc liệu nền kinh tế có thể cán đích cuối năm nay ở mức mục tiêu tăng trưởng 5% như đã đề ra đầu năm hay không. Tình hình ảm đạm trên thị trường bất động sản, làn sóng thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi 16-24 gia tăng, cộng thêm các căng thẳng khó lường về địa - chính trị trên phạm vi toàn cầu càng làm tăng thêm lo ngại của thị trường. Nhưng lo ngại lớn nhất chính là “bóng ma” giảm phát khi làn sóng giảm giá đối với rổ hàng hóa cơ bản đã kéo dài sang tháng thứ 5 liên tiếp - đợt suy giảm dài nhất kể từ năm 1999.
Vì vậy, tuần trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã thông qua một loạt chính sách hỗ trợ kinh tế quan trọng. Chúng được đánh giá là “những chính sách mạnh mẽ nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ”. Các biện pháp chính bao gồm: hạ 50 điểm cơ bản về tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng, giải phóng khoảng 1.000 tỉ nhân dân tệ (khoảng 142 tỉ đô la Mỹ) để tăng nguồn thanh khoản. PBoC cũng cắt giảm lãi suất mua lại đảo ngược bảy ngày từ 1,7% xuống 1,5%; giảm lãi suất thế chấp và yêu cầu thanh toán trước đối với các khoản thế chấp mới mua căn nhà thứ hai. Động thái này diễn ra sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất, tạo điều kiện cho Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ mà không gây áp lực mất giá lên nhân dân tệ.
Với quy mô này, gói kích thích của PBoC bị đánh giá là quá nhỏ để tạo ra một nỗ lực đủ lớn giải cứu nền kinh tế. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều lời kêu gọi chính phủ dùng đến biện pháp kích thích tài khóa để thúc đẩy tiêu dùng trong nước và đảo ngược đà tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế. Chẳng hạn, chính phủ có thể phát hành sớm với số lượng lớn trái phiếu chính phủ đặc biệt - loại trái phiếu vốn vẫn được phát hành để huy động tài chính cho chính quyền địa phương - để đổ vào lĩnh vực nhà ở xã hội. Song điều này cũng đối diện với một khó khăn là tỷ lệ thâm hụt ngân sách của Trung Quốc đã tăng suốt từ năm 2020. Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết thu tài chính tám tháng đầu năm 2024 đã giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước, trong khi chi tiêu tài chính đã tăng 1,5%.
Trong ngắn hạn, các chú ý dồn vào việc nền kinh tế Trung Quốc có thể về đích ở mức tăng trưởng 5% hay không. Còn trong trung và dài hạn, sự quan tâm của các nền kinh tế bên ngoài tập trung vào việc các chính sách thương mại và đầu tư của Trung Quốc sẽ như thế nào. Bởi đây là hai kênh lan tỏa trực tiếp nhất.
Từ góc độ thương mại, PBoC đã nêu rõ rằng động thái kích thích nêu trên nhằm thúc đẩy đầu tư vào công nghiệp, khoa học công nghệ, đồng thời hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn. Nhưng nếu không có mức tiêu dùng hộ gia đình mạnh hơn, thì sự kích thích về phía cung sẽ khó thúc đẩy sự mở rộng công nghiệp và có khả năng dẫn đến xuất khẩu cao hơn và/hoặc nhập khẩu ít hơn - cả hai đều là tin xấu đối với các đối tác thương mại của Trung Quốc. Tỷ lệ tiết kiệm cao của quốc gia này cho thấy các hộ gia đình quan tâm nhiều đến tình trạng yếu kém của nền kinh tế hơn là gánh nặng phải trả lãi suất thế chấp. Có một ấn tượng rằng mỗi khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc, quốc gia này đều sẽ tăng cường các chính sách xuất khẩu và giảm nhập khẩu.
Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc báo cáo rằng hoạt động nhập khẩu của họ từ các thị trường khác bị chững lại hoặc dừng lại do các ngân hàng không hỗ trợ cung cấp ngoại tệ. Nhìn vào số liệu thương mại có thể thấy những thời điểm kinh tế trong nước rơi vào khó khăn như các năm 2009, 2015, 2020-2023 thì thặng dư thương mại Trung Quốc đều tăng vọt. Năm 2023, thặng dư của nước này đạt 893 tỉ đô la Mỹ (tăng 45,6% so với năm 2022) và phần lớn đến từ việc tăng xuất khẩu, giảm nhập khẩu.
Tám tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tăng 6,9% trong khi nhập khẩu chỉ tăng 4,7%, điều này góp phần giúp thặng dư thương mại của Trung Quốc đạt 608,5 tỉ đô la Mỹ (tăng 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái). Đối với các đối tác thương mại lớn như Việt Nam, số liệu cũng phản ánh khuynh hướng tương tự khi tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc tám tháng đầu năm nay chỉ đạt 2,8% trong khi nhập khẩu tăng tới 33,9% khiến nhập siêu lên hơn 54 tỉ đô la Mỹ.
Bên cạnh tăng xuất siêu, chiến lược mới của Trung Quốc về thương mại là thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu chủ lực từ “bộ ba cũ” (gồm đồ gia dụng, đồ điện gia dụng, may mặc) sang “bộ ba mới” (gồm xe điện (EV), pin lithium, tấm pin/tế bào pin năng lượng mặt trời) bằng các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ. Kết quả là, tỷ trọng xuất khẩu “bộ ba mới” đã tăng từ 0,86% tổng xuất khẩu (tương đương 20 tỉ đô la Mỹ) năm 2017 lên 4,5% tổng xuất khẩu năm 2023 (khoảng 150 tỉ đô la Mỹ) - tức là tăng 650%. Trong khi đó, tỷ trọng trong xuất khẩu “bộ ba cũ” giảm từ 14% xuống dưới 9,5% tổng xuất khẩu trong cùng thời kỳ. Điều đáng nói là trong số “bộ ba mới” thì ASEAN là thị trường quan trọng bậc nhất về xuất khẩu cũng như đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc (ASEAN nhập khẩu 20 GW tấm pin năng lượng mặt trời, gấp 5,5 lần Trung Á).
Cùng với việc kể từ tháng 5-2024, các mặt hàng pin lithium, pin mặt trời xuất từ Trung Quốc bị Mỹ áp thuế 25% (tăng từ mức 7,5% trước đó), hoạt động điều tra của Bộ Thương mại Mỹ đối với việc xuất khẩu hàng hóa này của các nước ASEAN cũng gia tăng. Thống kê của hải quan Mỹ, kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam năm ngoái là 4,2 tỉ đô la Mỹ, chiếm tỷ trọng 26% trong tổng nhập khẩu pin năng lượng mặt trời của Mỹ (cao nhất trong những nước bị cáo buộc trợ giá gồm Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam). Điều này đặt ra những áp lực không cần thiết cho các nền kinh tế - chẳng hạn Việt Nam - bởi lẽ 99% xuất khẩu các hàng hóa này do doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện, và do đó, lợi ích không phải rơi vào các doanh nghiệp bản địa.
Khi Trung Quốc tăng cường xuất khẩu “bộ ba mới” thì hoạt động sản xuất ngành này tại các nước khác sẽ gặp phải thách thức khổng lồ về cạnh tranh bằng giá cả. Mỹ và châu Âu không còn có thể cạnh tranh với Trung Quốc sau khi chi phí sản xuất mô đun năng lượng mặt trời của nước này giảm 42% vào năm 2023 xuống còn 0,15 đô la Mỹ mỗi watt trong khi ở châu Âu là 0,22 đô la Mỹ. Giá tấm pin mặt trời trên một watt cũng đã giảm 30% trong một năm qua do lượng cung quá lớn từ thị trường Trung Quốc.
Cùng với lo ngại về ngành pin năng lượng mặt trời, các lo ngại về việc nhập khẩu xe điện từ Trung Quốc cũng tăng khi mặt hàng này đã bị Mỹ áp thuế tới 100% (nếu xuất khẩu từ Trung Quốc) và đang bị Liên minh châu Âu (EU) xem xét áp thuế mới. Hiện mỗi năm Trung Quốc sản xuất khoảng 6 triệu xe điện, trong đó tỷ lệ tiêu thụ nội địa là 74,5%, tương đương dư 1,5 triệu xe điện. Hoạt động xuất khẩu của nước này có thể làm giảm sự phát triển ngành xe điện ở các nước khác.
Ở góc độ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), có một hiện tượng đáng lo ngại với kinh tế Trung Quốc là luồng vốn FDI vào đang giảm dần và luồng vốn FDI đầu tư ra bên ngoài đang tăng. Năm 2023 ghi nhận luồng FDI vào ròng (net inflows) chỉ đạt 35 tỉ đô la Mỹ, giảm tới 90% so với năm 2021. Năm 2023 cũng đánh dấu lần đầu tiên vốn FDI vào Trung Quốc ít hơn vào nhóm ASEAN 6 (gồm Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Philippines và Singapore).
Trước các chính sách giảm rủi ro (de-risking) mà các doanh nghiệp phương Tây tiến hành, Trung Quốc đã sử dụng nhiều chính sách và công cụ để “giữ chuỗi cung ứng ở lại”, bao gồm: (i) kiểm soát xuất khẩu đối với các công nghệ lưỡng dụng (Luật Kiểm soát xuất khẩu); (ii) kiểm soát xuất khẩu công nghệ dân dụng (Luật Thương mại nước ngoài và Quy định xuất nhập khẩu công nghệ); (iii) các công cụ khác (danh sách đen, bản địa hóa dữ liệu, thông tin kỹ thuật và sở hữu trí tuệ, hạn chế di chuyển nhân tài, thương mại và đầu tư được quản lý).
Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất tìm cách quản lý quyền tiếp cận của nước ngoài đối với công nghệ “nhạy cảm” và các chuỗi giá trị liên quan. Điều làm cho Trung Quốc trở nên độc đáo là phạm vi rộng lớn của các công cụ mà nước này sử dụng, cũng như sự thiếu minh bạch và thiếu khả năng dự đoán xung quanh việc áp dụng chúng.
Sự suy giảm tăng trưởng kinh tế, các biện pháp bảo hộ thị trường và điều chỉnh chính sách ngành của Trung Quốc có cả tác động tích cực và tiêu cực đối với bên ngoài. Tác động tích cực là nó có thể làm tăng vốn FDI vào các thị trường khác cũng như làm tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa chất lượng cao, hàm lượng công nghệ cao hơn từ các nước xung quanh. Tuy nhiên, cần lưu ý các tác động dài hạn của việc phải cạnh tranh với hàng công nghệ cao, giá thành rẻ của Trung Quốc. Điều này đòi hỏi một sự điều chỉnh dài hạn và mang tính chiến lược để các nước có thể giúp doanh nghiệp bản địa thích nghi với áp lực mới này.
TS. Phạm Sỹ Thành
TBKTSG
|