Indonesia ghi nhận tình trạng giảm phát tồi tệ nhất trong 25 năm
Có ý kiến cho rằng giảm phát xảy ra do điều kiện kinh tế không tốt và do nhu cầu yếu. Đây là điều bất thường và đáng lo ngại khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Indonesia vẫn ở mức trên 5%.
Người dân mua sắm tại một cửa hàng ở Surakarta, Trung Java, Indonesia. (Ảnh: THX/TTXVN)
Phóng viên TTXVN tại Jakarta dẫn nguồn Cơ quan Thống kê Trung ương (BPS) cho biết Indonesia đã trải qua 5 tháng giảm phát liên tiếp (từ tháng Năm đến tháng Chín).
Tình trạng này được cho là tồi tệ nhất kể từ đợt giảm phát liên tiếp trong 7 tháng của năm 1999, thời điểm nước này chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.
Trong đại dịch COVID-19, Indonesia cũng xảy ra giảm phát liên tục 3 tháng (tháng 7-9/2020).
Có nhiều ý kiến khác nhau về nguyên nhân gây ra tình trạng giảm phát tồi tệ này.
Các nhà kinh tế cho rằng 5 tháng giảm phát liên tiếp là do sức mua của người dân suy yếu hoặc áp lực từ nguồn cầu.
Tuy nhiên, BPS nhận định xu hướng giảm phát gần đây xảy ra do chi phí sản xuất lương thực, thực phẩm giảm và các yếu tố từ phía cung.
Giám đốc điều hành Trung tâm Cải cách Kinh tế (Core) Indonesia, Mohammad Faisal, giải thích giảm phát xảy ra do điều kiện kinh tế không tốt và do nhu cầu yếu. Đây là điều bất thường và đáng lo ngại khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Indonesia vẫn ở mức trên 5%.
Theo ông Faisal, trong bối cảnh Indonesia gần đây, thu nhập của người dân ngày càng yếu đi và thấp hơn trước đại dịch.
Ngoài ra, nhiều người vẫn chưa thể trở lại làm việc sau khi bị sa thải trong thời đại dịch COVID-19. Điều này ảnh hưởng đến mức chi tiêu, đặc biệt là đối với tầng lớp trung lưu và thấp hơn.
Trong khi đó, tầng lớp trung lưu là động lực chính của tăng trưởng kinh tế Indonesia, đặc biệt vì đây là nhóm dân cư đóng góp tiêu dùng lớn nhất. Tiêu dùng hộ gia đình là nguồn đóng góp lớn nhất vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia.
Vì vậy, nếu tiêu dùng của tầng lớp trung lưu suy yếu, kinh tế sẽ không chuyển động cũng như dẫn đến sự suy yếu của ngành sản xuất và dịch vụ.
Các nhà kinh tế kêu gọi chính phủ hành động nhanh chóng để khắc phục sức mua đang suy yếu.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho rằng sức mua của người dân không suy yếu khi lạm phát cơ bản được duy trì, nguyên nhân gây giảm phát trong 5 tháng qua là giá cả do chính phủ điều tiết và giá cả biến động chứ không phải do lạm phát cơ bản.
Đỗ Quyên
Vietnamplus
|