Nền kinh tế toàn cầu bước vào giai đoạn “nguy hiểm”?
Nền kinh tế toàn cầu đang bước vào "giai đoạn nguy hiểm" chưa từng có khi căng thẳng ở Trung Đông vẫn còn ở mức cao, theo nhận định của Phó Chủ tịch S&P Global Daniel Yergin.
Kể từ khi xung đột Israel-Hamas bùng nổ vào tháng 10 năm ngoái, thị trường dầu mỏ đã trải qua những biến động nhẹ. Giá dầu vẫn chịu áp lực do sản lượng của Mỹ tăng và nhu cầu từ Trung Quốc yếu. Tuy nhiên, bức tranh này đang dần thay đổi. Tuần trước, giá dầu đã tăng vọt do lo ngại Israel có thể nhắm mục tiêu vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran để trả đũa cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Tehran. Các nhà phân tích trong ngành đã nâng mức cảnh báo về một mối đe dọa thực sự đối với nguồn cung dầu mỏ toàn cầu.
"Người Israel vẫn chưa quyết định họ sẽ làm gì về một cuộc tấn công - điều đó đang được thảo luận," Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng tuần trước. Ông tiết lộ rằng Israel vẫn đang cân nhắc phương án trả đũa và cho biết mình đã khuyên Israel không nên tấn công các cơ sở dầu mỏ của Iran.
Trong tuần giao dịch vừa qua, cả hai chỉ số dầu mỏ chuẩn đều đã chứng kiến mức tăng lớn nhất kể từ tháng 3/2023. Tuy nhiên, đến phiên giao dịch châu Á trong ngày 08/10, giá dầu Brent toàn cầu đã giảm 1.77% xuống 79,50 USD/thùng, trong khi dầu WTI của Mỹ giảm 1.83% xuống 75.77 USD/thùng.
Phó Chủ tịch S&P Global Daniel Yergin
|
Yergin chia sẻ với chương trình "Squawk Box Asia" của CNBC rằng ông kỳ vọng phản ứng của Israel sẽ không chỉ là một sự lặp lại của tháng 4 năm ngoái, mà là điều gì đó "mạnh mẽ hơn nhiều".
Vào tháng 4, Iran và Israel đã xảy ra xung đột nhưng cuối cùng tránh được một cuộc chiến tranh quy mô lớn. Iran đã bắn hàng trăm tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái vào Israel để trả đũa cho một cuộc tấn công vào một cơ sở ngoại giao Iran ở Syria.
Khi được hỏi liệu nền kinh tế toàn cầu có đang ở bờ vực của một cú sốc cung khác do căng thẳng ở Trung Đông hay không, Yergin nói rằng đây là một thời điểm bấp bênh cho các thị trường. "Tôi nghĩ đây là một thời điểm rất nguy hiểm, một thời điểm mà chúng ta chưa từng thấy," ông chia sẻ, đồng thời so sánh thời điểm này với cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.
Eo biển Hormuz
Pavel Molchanov, Giám đốc điều hành của công ty dịch vụ đầu tư Raymond James, cũng đưa ra quan điểm của mình. Ông cho rằng Israel lo ngại nhiều hơn về các cơ sở hạt nhân của Iran so với ngành công nghiệp dầu mỏ. Theo ước tính của Iran Watch, một tổ chức theo dõi chương trình hạt nhân Iran, nước này có thể làm giàu đủ uranium cho năm vũ khí phân hạch chỉ trong vòng một tuần.
Tuy nhiên, Molchanov cũng cảnh báo về một kịch bản tồi tệ khác: Việc Iran phong tỏa eo biển Hormuz. Đây là một tuyến đường thủy chiến lược, nơi khoảng 20% sản lượng dầu toàn cầu chảy qua hàng ngày.
Việc gián đoạn lưu thông qua eo biển này, dù chỉ là tạm thời, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Nó có thể làm tăng chi phí vận chuyển, dẫn đến sự chậm trễ đáng kể trong cung ứng và đẩy giá năng lượng toàn cầu lên cao. Trong kịch bản xấu nhất, một số chuyên gia dự đoán giá dầu có thể vượt mốc 100 USD một thùng.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|