Lần đầu tiên trong 87 năm, hãng xe Volkswagen cân nhắc đóng cửa 3 nhà máy tại Đức
Volkswagen - nhà tuyển dụng lớn nhất của Đức - đang cân nhắc đóng cửa ba nhà máy và sa thải hàng chục ngàn công nhân.
Đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử 87 năm của hãng xe này phải thực hiện một quyết định đau đớn như vậy và là một đòn giáng mạnh không chỉ đối với công ty mà còn cả nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Daniela Cavallo, người đứng đầu hội đồng đại diện cho người lao động của công ty tại Đức, nói với một cuộc họp công nhân tại nhà máy chính của Volkswagen ở Wolfsburg rằng kế hoạch đóng cửa này là một phần trong phương án mà các nhà quản lý đã trình bày với hội đồng nhân viên.
"Công ty muốn đóng cửa ít nhất ba nhà máy VW, thu nhỏ quy mô tất cả các nhà máy còn lại, thoái vốn khỏi các lĩnh vực cốt lõi và, trên hết là thực hiện cắt giảm lương nặng nề đối với số nhân viên còn lại", Daniela Cavallo tiết lộ.
Không dừng lại ở đó, Volkswagen cũng công ty còn dự định cắt giảm sâu hơn nữa tại các cơ sở còn lại. "Cụ thể, điều này có nghĩa là cắt giảm thêm sản phẩm, sản lượng, ca làm việc và toàn bộ dây chuyền lắp ráp vượt xa những gì chúng tôi đã làm", bà Cavallo chia sẻ.
Daniela Cavallo, người đứng đầu hội đồng đại diện cho người lao động của công ty tại Đức
|
Volkswagen là thương hiệu chủ lực của Tập đoàn Volkswagen, tập đoàn cũng sở hữu Audi và Porsche. Không công ty nào ở Đức có tầm ảnh hưởng như Volkswagen. Lịch sử của nó gắn liền với sức mạnh kinh tế và công nghiệp của đất nước trong thời kỳ hậu Thế chiến II, và nền kinh tế địa phương của toàn bộ các vùng trên khắp đất nước phụ thuộc vào Volkswagen và đội ngũ công nhân được trả lương cao của họ.
Đối với nền kinh tế Đức, việc công ty có sức ảnh hưởng lớn như Volkswagen đóng cửa nhà máy là một đòn giáng mạnh trong thời điểm hết sức nhạy cảm. Là quốc gia duy nhất trong nhóm G7 được IMF dự báo không tăng trưởng trong năm nay, Đức đang phải đối mặt với viễn cảnh GDP giảm 0.2% trong năm 2024, thay vì tăng 0.3% như dự báo trước đó. Với đóng góp 564 tỷ Euro (tương đương 610 tỷ USD) vào nền kinh tế, ngành công nghiệp ô tô đóng vai trò then chốt trong sự thịnh vượng của quốc gia này.
Volkswagen đang phải vật lộn với nhiều thách thức chưa từng có. Tại châu Âu, nhu cầu ô tô đã giảm 500,000 chiếc kể từ sau đại dịch - một con số mà theo Giám đốc tài chính Arno Antlitz là tương đương sản lượng của hai nhà máy. "Đây là thực trạng của chúng tôi, và chúng tôi phải xem xét nó", ông thừa nhận.
Trong khi đó, tại thị trường Trung Quốc - nơi các hãng xe Đức từng bán được 4.3 triệu xe trong năm 2021, cạnh tranh đang rất gay gắt với sự trỗi dậy của các hãng xe nội. Sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng này đã và đang tạo ra áp lực lớn lên các nhà sản xuất ô tô truyền thống.
"Không có các biện pháp toàn diện để lấy lại khả năng cạnh tranh, chúng tôi sẽ không thể đủ khả năng đầu tư đáng kể cho tương lai", Gunnar Kilian, thành viên ban quản lý Volkswagen, giải thích trong một tuyên bố.
Trong khi đó, Wolfgang Büchner, Phát ngôn viên của Thủ tướng Olaf Scholz, lại cho rằng "những quyết định quản lý sai lầm" mới là nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, và người lao động không nên phải gánh chịu hậu quả. "Mục tiêu hiện nay là duy trì và đảm bảo việc làm", ông nhấn mạnh trong một cuộc họp thường kỳ của các quan chức Chính phủ.
Căng thẳng có thể sẽ còn leo thang khi Volkswagen đang trong quá trình đàm phán với công đoàn IG Metall về việc tăng lương 7%. Hai bên đã phải bắt đầu đàm phán sớm hơn vài tháng do kế hoạch tái cơ cấu, với vòng đàm phán tiếp theo được lên lịch vào ngày 30/10.
"Các đồng nghiệp và tôi, chúng tôi lo lắng về công việc của mình", Britta John, một nhân viên Volkswagen và người phát ngôn của IG Metall tại Braunschweig, chia sẻ với đài NDR. "Tình hình thực sự đáng lo ngại".
Vũ Hạo (Theo NYTimes)
FILI
|