Chủ chuỗi TokyoLife bị truy thu thuế hơn 7 tỷ đồng: Thu ngàn tỷ, lãi nhỏ giọt
Ngày 16/10/2024, Cục Thuế TP. Hà Nội có kết luận thanh tra thuế tại CTCP Intellife – chủ chuỗi hàng tiêu dùng từ Nhật Bản TokyoLife, với tổng cộng số tiền bị phạt và truy thu lên tới gần 7.2 tỷ đồng.
Theo kết luận thanh tra thuế, Intellife dù có chấp hành các quy định về kê khai thuế, nộp thuế, nhưng còn tồn tại nhiều vi phạm.
Cụ thể, về thuế giá trị gia tăng (VAT), Doanh nghiệp khuyến mại hàng hóa dịch vụ thực hiện chưa đúng quy định về thương mại, hạch toán thuế VAT của hàng lỗi, hàng hỏng, không đủ hồ sơ, hạch toán chi phí bán hàng không phục vụ sản xuất kinh doanh. Đồng thời, chưa phân bổ VAT đầu vào với hàng hóa dịch vụ không chịu thuế.
Về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Công ty đã kê khai chi phí lãi vay vượt mức khống chế theo quy định về giao dịch liên kết. Đồng thời, hạch toán chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp không đúng quy định, không phục vụ sản xuất kinh doanh.
Đối với giao dịch liên kết, Doanh nghiệp chưa kê khai phụ lục giao dịch liên kết theo quy định. Bên cạnh đó, Doanh nghiệp chưa trích nộp kinh phí công đoàn, dù đã trích nộp bảo hiểm xã hội.
Số tiền thuế tăng lên sau thanh tra cần phải truy thu là hơn 5.5 tỷ đồng, toàn bộ là thuế TNDN.
Đồng thời, Doanh nghiệp cũng bị phạt 1.1 tỷ đồng do có hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số thuê phải nộp; phạt hơn 24 triệu đồn vì chưa kê khai giao dịch liên kết theo mẫu quy định; phạt gần 114 triệu đồng vì kê khai sai không dẫn đến thiếu thuế VAT phải nộp từ tháng 09/2022 – 12/2023; Phạt chậm nộp thuế 431 triệu đồng; và phải điều chỉnh giảm thuế VAT còn được khấu trừ chuyển kỳ sau, số tiền gần 5 tỷ đồng.
Tổng cộng, số tiền Doanh nghiệp bị phạt và truy thu sau đợt thanh tra thuế là gần 7.18 tỷ đồng.
Chủ chuỗi hàng tiêu dùng 200 cửa hàng, thu ngàn tỷ nhưng lãi 1%
Theo thông tin từ Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Intellife thành lập vào tháng 01/2018, có trụ sở tại Chùa Bộc, Đống Đa, Hà Nội, sau chuyển về Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội vào năm 2020; hoạt động chính trong mảng may trang phục (trừ trang phục từ da lông thú).
Thời điểm mới thành lập, Intellife có vốn điều lệ 4.8 tỷ đồng, với 3 cổ đông sáng lập. Trong đó, 2 cá nhân Nguyễn Thanh Sơn và Vũ Ánh Hồng chiếm phần lớn vốn góp, lần lượt 50.9% và 49%. Còn lại (0.1%) thuộc về cá nhân Trần Trung Hiếu. Ông Hiếu là Giám đốc kiêm đại diện pháp luật của Doanh nghiệp.
Năm 2020, Intellife tăng vốn điều lệ lên 60 tỷ đồng, đến tháng 10/2021 tăng lên 95 tỷ đồng. Đại diện pháp luật được chuyển sang ông Nguyễn Văn Tiến - Giám đốc.
Intellife là chủ chuỗi hàng tiên dùng Nhật Bản Tokyo Life
|
Đáng chú ý, ông Nguyễn Thanh Sơn và Vũ Ánh Hồng cũng là 2 cổ đông sáng lập của CTCP Staaar – đơn vị đứng sau TokyoLife – chuỗi hàng tiêu dùng Nhật Bản nổi tiếng. TokyoLife hiện đang có 200 cửa hàng, trải dài 3 miền Bắc – Trung – Nam, chuyên bán các sản phẩm đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm, phụ kiệ, thời trang… từ Nhật bản. Người đại diện pháp luật của Staaar là bà Hoàng Thị Vân Anh, kiêm chức danh Giám đốc. Cập nhật gần nhất, vốn điều lệ của Staaar vào tháng 7/2024 được nâng từ 90 tỷ lên 200 tỷ đồng.
Sở hữu chuỗi hàng tiêu dùng hàng trăm cửa hàng, nhưng câu chuyện kinh doanh của Intellife có lắm chuyện để bàn. Trải qua 7 năm hoạt động, Intellife duy trì sự tăng trưởng ấn tượng về doanh thu. Từ mức thu về 108 tỷ đồng trong năm đầu tiên hoạt động (2018), doanh thu của Intellife liên tục bứt phá khi lên tới 533 tỷ đồng vào 2019, rồi lên gần 700 tỷ đồng vào 2020. Đà tăng tiếp tục được duy trì, đến 2023 đạt gần 1.4 ngàn tỷ đồng doanh thu.
Tuy nhiên, điều đáng nói là trong khi thu tới hàng trăm, hàng ngàn tỷ, lợi nhuận của Intellife rất mỏng dù vẫn có tăng trưởng. Năm 2018, Doanh nghiệp lỗ sau thuế hơn 540 triệu đồng, sau đó có lời 130 triệu đồng vào năm 2019. Lợi nhuận các năm sau có tăng lên, dao động từ vài trăm triệu đến hơn 1 tỷ đồng. Riêng năm 2023 đạt hơn 14 tỷ đồng, nhưng so với doanh thu thì chỉ chiếm vỏn vẹn 1%.
Nhìn vào bảng cân đối kế toán, thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản của Intellife đạt gần 1.04 ngàn tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm. Hầu hết là tài sản ngắn hạn với hơn 1.02 ngàn tỷ đồng, tăng 14%. Lượng tiền nắm giữ đạt gần 54 tỷ đồng, gấp 11 lần đầu năm. Tồn kho đạt hơn 649 tỷ đồng, giảm 14%.
Bên nguồn vốn, toàn bộ nợ phải trả là nợ ngắn hạn, ghi nhận 929 tỷ đồng, hơn đầu năm 14%. Hệ số thanh toán hiện hành lớn hơn 1 lần, nhưng thanh toán nhanh chỉ là 0.4 lần, cho thấy có rủi ro trong việc đáp ứng toàn bộ các khoản nợ tới hạn.
Doanh nghiệp có nợ vay ngắn hạn giảm 45%, còn 104 tỷ đồng.
Châu An
FILI
|