Thứ Tư, 23/10/2024 08:41

Chặn sai phạm trong kiểm toán độc lập để bảo vệ nhà đầu tư

Sau những vi phạm của đơn vị kiểm toán độc lập tại một số vụ việc, Bộ Tài chính đã đề xuất tăng nặng hình thức xử phạt với những cá nhân, tổ chức vi phạm trong tờ trình sửa đổi Luật Kiểm toán độc lập. Giới phân tích đánh giá đây là biện pháp nghiêm khắc nhằm đưa hoạt động kiểm toán độc lập vào nề nếp và chuyên nghiệp hơn.

Thấy gì từ những sự việc trong quá khứ

Các sai phạm được đưa ra ánh sáng trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, FLC... đều cho thấy những tồn tại trong hoạt động kiểm toán độc lập. Chẳng tại, trong vụ án Vạn Thịnh Phát, ba đơn vị kiểm toán cho ngân hàng SCB trong vòng 10 năm đều thuộc nhóm Big 4 (lớn nhất).

Tuy nhiên, các kiểm toán viên thuộc ba đơn vị dường như không phát hiện vấn đề bất thường. Nội dung kết luận của kiểm toán viên tại các kỳ báo cáo phần lớn đều là “không thấy có vấn đề gì”, “phản ánh trung thực”, phù hợp với chuẩn mực kế toán...

Các thông tin về SCB đã không được cung cấp đầy đủ và minh bạch từ cơ quan giám sát đến các công ty kiểm toán độc lập. Ảnh: LÊ VŨ

Thậm chí, tại vụ án ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch FLC thao túng thị trường chứng khoán, một số lãnh đạo, nhân viên thuộc các đơn vị kiểm toán bị cơ quan điều tra xác định là đã cố ý làm sai báo cáo tài chính cho Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros, một đơn vị thuộc “hệ sinh thái FLC” do đây là khách hàng lớn và thường xuyên của đơn vị.

Nhìn lại những vụ việc trên, TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng, với những sai phạm theo kiểu “con voi chui lọt lỗ kim” thì kiểm toán không thể vô can.

Chẳng hạn, việc khai khống tài khoản tiền mặt hoặc khai khống các giá trị tài sản góp vào công ty để tăng vốn ảo rất dễ bị phát hiện, khi có đơn vị kiểm toán vào cuộc. Thế nhưng, hầu hết các sự việc lại không bị phát hiện trong thời gian dài, cho thấy trách nhiệm khá lớn từ công ty kiểm toán các doanh nghiệp niêm yết.

“Kiểm toán làm việc trên hồ sơ, bằng chứng do doanh nghiệp cung cấp nhưng bằng nghiệp vụ, kinh nghiệm, họ chắc chắn có thể phát hiện một số bất thường, chứng từ có rủi ro, nghi ngờ. Nhiệm vụ kiểm toán là thu thập, đánh giá, xác thực các bằng chứng, việc ‘bỏ lọt’ bất thường gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư, Nhà nước”, ông Huân nói và cho rằng, qua các đã vụ việc xảy ra, cần đặt trách nhiệm của công ty kiểm toán trước pháp luật ở mức cao hơn, xem xét xử lý nếu thiếu trách nhiệm gây hiệu quả nghiêm trọng.

“Cần xem xét trách nhiệm của công ty kiểm toán tới đâu, liệu có liên đới. Như vụ án Vạn Thịnh Phát, Hội đồng xét xử kiến nghị cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm các công ty kiểm toán cho SCB hơn 10 năm”, ông nói.

Theo TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho biết, trong vụ án Vạn Thịnh Phát và Tân Hoàng Minh, các doanh nghiệp đều có báo cáo tài chính được kiểm toán đầy đủ và đều là công ty có tên tuổi. Tuy nhiên, khi cơ quan điều tra vào cuộc thì phát hiện nhiều thông tin bị làm giả, không đúng thực tế.

“Sau các vụ việc này, cần nâng cao đạo đức của cán bộ kiểm toán và xử phạt nghiêm khắc hơn với các cán bộ tiếp tay cho doanh nghiệp làm đẹp báo cáo, che mắt cơ quan quản lý và nhà đầu tư để trục lợi cá nhân, nếu chỉ xử phạt nhẹ thì kiểm toán viên sẽ không sợ", ông Thịnh nói.

Cần thêm cơ chế kiểm soát ngoài luật

Để hạn chế rủi ro trong hoạt động kiểm toán độc lập, trong tờ trình dự thảo 1 luật sửa đổi 7 luật, Bộ Tài chính đề xuất nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán độc lập theo hướng bổ sung các hình thức xử phạt như: đình chỉ kinh doanh dịch vụ kiểm toán, không tiếp tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, không tiếp tục cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán.

Ngoài ra, thời hiệu xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập dự kiến nâng lên 10 năm, thay vì 1 năm như quy định hiện hành. Với riêng phạt tiền, dự thảo nâng mức phạt tiền tối đa từ 100 triệu đồng lên 3 tỉ đồng với tổ chức, từ 50 triệu đồng lên 1,5 tỉ đồng với cá nhân vi phạm.

Nhà đầu tư cá nhân lại là đối tượng chịu nhiều rủi ro, thiệt hại, đặc biệt là rủi ro từ các hành vi vi phạm của các thành viên khác trên thị trường. Ảnh: Dũng Minh

Tuy nhiên, để giảm thiểu tối đa rủi ro cho nhà đầu tư, TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng cơ quan quản lý có thể bổ sung một quy định với hoạt động kiểm toán độc lập, như kiểm toán chéo, có đơn vị Nhà nước kiểm toán tiếp. Lý do là trong thực tế, có những vụ việc như SCB, quy trình kiểm toán có sự tham gia của các công ty kiểm toán độc lập hàng đầu thế giới, thanh tra Ngân hàng Nhà nước… là khá chặt chẽ nhưng vẫn phát sinh tiêu cực do vấn đề con người, tham ô, hối lộ.

Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Tiến Lập, thành viên Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự cho rằng, bên cạnh kiểm toán độc lập, cần củng cố và tăng hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế kiểm tra, giám sát khác về hoạt động tài chính của các cơ quan chức năng của Nhà nước với nhóm doanh nghiệp đặc thù, có sở hữu và lợi ích công, bao gồm các ngân hàng thương mại và các công ty cổ phần đại chúng, doanh nghiệp ghi danh trên sàn chứng khoán.

Theo ông Lập, hiện nhiều cơ quan chức năng đang đẩy mạnh thanh - kiểm tra, bổ sung các quy định quản lý. Nhưng điều cần làm thay đổi nhận thức của chính những nhà quản trị doanh nghiệp.

Cụ thể, tiêu chí đánh giá doanh nghiệp thông qua quản trị ở Việt Nam chưa được coi trọng. Các nhà điều hành doanh nghiệp ở Việt Nam, chủ sở hữu doanh nghiệp cũng chưa coi trọng quản trị.

“Có những doanh nghiệp rất lớn ở Việt Nam, có đầy đủ ban bệ với hàng trăm, hàng ngàn nhân viên. Nhưng trợ lý lãnh đạo bảo rằng sếp tôi chỉ có một nhóm gồm vài người, đi theo sếp suốt ngày, có vấn đề gì là ra quyết định ngay thôi, không cần đi theo quy trình nội bộ là các phòng ban, chức năng. Như vậy, những ông chủ lớn ở các tập đoàn lớn cũng tự vô hiệu hóa bộ máy quản trị của mình”, ông Lập nói và cho biết chất lượng quản trị doanh nghiệp chưa tăng thì rất khó tăng tính minh bạch.

Bên cạnh những yếu tố trên, các chuyên gia cho rằng  truyền thông độc lập và chuyên ngành cũng có vai trò quan trọng trong việc chia sẻ thông tin, phân tích và đưa ra cảnh báo với thị trường, cơ quan quản lý và nhà đầu tư.

Vân Phong

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Pre-funding: Đâu đâu cũng nghe, nhưng nhiều người chưa chắc biết (22/10/2024)

>   KSB: Đính chính Quy chế CBTT (18/10/2024)

>   Mô hình CCP: Lời giải cuối cho giao dịch non-prefunding (01/11/2024)

>   Nút thắt pre-funding được tháo gỡ, vui mừng nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro (29/10/2024)

>   KSH: CBTT Quy chế Công bố thông tin Công ty CP Damac GLS (17/10/2024)

>   Luật Chứng khoán sửa đổi cần có chế tài xử lý nghiêm đối với những hành vi thao túng TTCK (10/10/2024)

>   Để Luật Chứng khoán sửa đổi không ‘làm khó’ nhà đầu tư chuyên nghiệp (03/10/2024)

>   BMG: Ban hành quy chế công bố thông tin (01/10/2024)

>   UMC: Quy chế Công bố thông tin (28/09/2024)

>   VNC: Ban hành Quy chế Công bố thông tin của Công ty CP Tập đoàn Vinacontrol (27/09/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật