Nút thắt pre-funding được tháo gỡ, vui mừng nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro
Thông tư gỡ vướng pre-funding có hiệu lực ngay từ ngày 2/11/2024, giúp thị trường chứng khoán Việt Nam tiến thêm một bước đến mục tiêu nâng hạng, nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ.
“Công cụ” giúp tiến gần đến giấc mơ nâng hạng
Với Thông tư 68/2024, ban hành ngày 18/9, Bộ Tài chính cho phép các công ty chứng khoán (CTCK) cung cấp dịch vụ cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài (NĐTTCNN) đặt lệnh chứng khoán mà không cần đủ tiền, hay còn được gọi là Non Pre-funding Solution (NPS). Thông tư có hiệu lực vào ngày 2/11/2024.
Theo đó, CTCK được linh hoạt trong việc xác định mức ký quỹ đối với NĐTTCNN. Mức ký quỹ sẽ được quyết định dựa trên đánh giá rủi ro thanh toán của từng nhà đầu tư và được thỏa thuận giữa CTCK và nhà đầu tư.
Trường hợp NĐTTCNN không thanh toán đủ tiền cho giao dịch mua cổ phiếu, trách nhiệm thanh toán phần còn lại sẽ được chuyển cho CTCK nơi nhà đầu tư đặt lệnh. CTCK có quyền công bố thông tin khi nhà đầu tư không đủ tiền thanh toán, vì vậy sẽ hạn chế được rủi ro không thanh toán đủ tiền.
Ngoài ra, CTCK có quyền bán thỏa thuận hoặc chuyển quyền sở hữu cổ phiếu đã mua cho nhà đầu tư thiếu nợ để đảm bảo quyền lợi của mình. Tuy nhiên, việc này phải tuân thủ các quy định về hạn mức sở hữu của NĐTTCNN.
Về hạn mức nhận lệnh giao dịch mua cổ phiếu là các khoản có khả năng chuyển đổi thành tiền của CTCK nhưng không vượt quá hiệu số của 2 lần giá trị vốn chủ sở hữu của CTCK và dư nợ giao dịch ký quỹ chứng khoán.
Về thời gian, NĐTTCNN mua cổ phiếu vào thời điểm T+0 và được cấp vốn vào thời điểm T+1 đến T+2. Điều này sẽ giải quyết yêu cầu nâng hạng từ FTSE Russell, bao gồm việc chuyển giao đối ứng thanh toán (chuyển giao cổ phiếu tại thời điểm thanh toán tiền) và việc xử lý khi gặp các giao dịch thất bại (failed trade).
Đây là bước tiến rất quan trọng để đáp ứng các tiêu chuẩn nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) từ Cận biên (Frontier Market) lên Mới nổi thứ cấp (Secondary Emerging Market) theo tiêu chí của FTSE Russell.
Trước đó, NPS được nhắc đến như 1 trong 2 nhóm vấn đề trọng yếu cần tập trung cải thiện và tháo gỡ nhằm tạo điều kiện cho các NĐTTCNN tham gia vào TTCK Việt Nam, bên cạnh giới hạn sở hữu nước ngoài.
Theo Chứng khoán VNDIRECT, có 3 tác động tiềm năng từ việc triển khai Thông tư 68, bao gồm: Thu hút thêm các NĐTTCNN khi các quy định của Việt Nam tiến gần hơn với tiêu chuẩn quốc tế; Kỳ vọng gia tăng về dòng vốn nước ngoài đổ vào TTCK Việt Nam; Cải thiện tính thanh khoản của thị trường.
Từ VietstockFinance, trong những năm qua, cùng với xu hướng tăng vốn của nhiều CTCK, vốn chủ sở hữu toàn thị trường đã tăng lên đáng kể, tạo thêm nhiều dư địa để thực hiện các nghiệp vụ cho vay.
Dư địa cho vay của các CTCK tăng mạnh kể từ quý 2/2022 và liên tục duy trì mức cao trong giai đoạn sau đó.
Xét quy mô giao dịch mua của khối ngoại bình quân theo từng quý từ năm 2020 tới nay, giá trị khối ngoại mua vào không vượt 2% tổng vốn chủ sở hữu của CTCK, phần nào cho thấy, các CTCK có dư địa để đáp ứng kịch bản khối ngoại tăng mạnh quy mô mua vào, sau khi NPS chính thức áp dụng.
Áp lực nào cần vượt qua khi chính thức áp dụng NPS?
Việc gì cũng có hai mặt và NPS cũng được đánh giá có thể mang đến một số rủi ro.
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Kim Phụng - Trưởng Phòng phân tích CTCP Chứng khoán BETA cho rằng, tương tự như hoạt động cho vay ký quỹ, CTCK cần chuẩn bị nguồn vốn đối ứng để cung cấp hạn mức cho từng khách hàng đối với sản phẩm mới này, với tổng hạn mức cho vay ký quỹ và sản phẩm hỗ trợ thanh toán không quá 2 lần vốn chủ sở hữu. Điều này đặt áp lực lên các công ty có lượng lớn khách hàng là NĐTTCNN.
Thống kê các CTCK có lượng lớn NĐTTCNN so với thị trường, tính đến quý 2/2024, như Chứng khoán SSI, Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS), Chứng khoán VNDIRECT, Chứng khoán TPHCM (HSC), Chứng khoán Vietcap… nhìn chung áp lực là không quá lớn, nhưng không hẳn sẽ không có rủi ro về việc không thể đáp ứng nhu cầu trong tình huống quy mô lệnh mua của khối ngoại tăng cao. Điều này làm tăng áp lực buộc các CTCK phải tăng vốn chủ sở hữu.
Thông tư này cũng có thể tạo ra rủi ro hệ thống khi nhà đầu tư không thanh toán đúng hạn. Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, các CTCK cần tăng cường quản lý rủi ro liên quan đến khách hàng, tỷ lệ ký quỹ, điều kiện thị trường và tỷ lệ cho vay phù hợp. Áp lực cạnh tranh có thể làm tăng những rủi ro này theo thời gian là không thể phủ nhận.
Đồng quan điểm, ông Phụng nhấn mạnh về việc thị trường có thể đối mặt với các giao dịch thất bại, trong trường hợp người mua không đủ tiền để đáp ứng nghĩa vụ thanh toán. Quy chế xử lý tạm thời là CTCK lấy phần cổ phiếu đó chuyển về danh mục tự doanh và xử lý sau bằng thỏa thuận hoặc bán giải chấp như hoạt động cho vay ký quỹ truyền thống.
CTCK bán lượng lớn cổ phiếu ra để thu hồi vốn có thể dẫn tới việc cổ phiếu giảm mạnh trong một vài phiên.
Ngoài ra, CTCK sau khi đưa ra sản phẩm cũng cần thời gian thực tế vận hành và sửa chữa cũng như cần đánh giá lại hiệu quả.
Huy Khải
FILI
|