"Cần có chính sách tập trung vào phân khúc đất, nhà ở từ 2.5 tỷ trở xuống"
Trong phiên họp Quốc hội sáng 28/10, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị Chính phủ cần tập trung vào phân khúc đất, nhà ở từ 2.5 tỷ đồng trở xuống, tránh đầu tư dàn trải, tuy nhiên cần lưu ý tránh tình trạng “rừng thủ tục” khi triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội.
Cần tập trung phân khúc đất, nhà ở từ 2.5 tỷ đồng trở xuống, tránh đầu tư dàn trải
Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng, nhìn nhận từ góc độ thị trường, giá bất động sản dĩ nhiên sẽ có chu kỳ lên xuống, việc cần làm là duy trì nhịp độ, giữ tính quy luật, hạn chế những tăng giảm đột ngột, bất thường. Trong đó, trách nhiệm của Nhà nước là tạo ra sân chơi, môi trường bình đẳng cho thị trường bất động sản.
Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai phát biểu tại phiên họp
|
Theo đại biểu, nếu nhìn nhận giá đất theo biến động thị trường, không hẳn giá đất cao là không tốt, giá đất thấp là tốt, mà còn tùy vào mức độ cao thấp với từng phân khúc để phân tích, có phản ứng chính sách phù hợp giúp tăng thu ngân sách, đầu tư một cách tập trung và hợp lý. Đại biểu nêu quan điểm, cần quan tâm và có chính sách tập trung vào phân khúc đất, nhà ở từ 2.5 tỷ đồng trở xuống, tránh đầu tư dàn trải.
Cùng với đó, cần đảm bảo công khai, minh bạch trong thị trường, tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt với tất cả giao dịch bất động sản. Về mặt thuế, có đại biểu đã đề xuất nhiều lần về việc thiết lập thuế đối với cá nhân sở hữu nhiều nhà, nhiều tài sản, giờ đây là thời điểm chín muồi để áp dụng loại thuế này. Về việc nguồn cung thấp, giá thành cao, đại biểu cho rằng cần phân tích, đánh giá cụ thể nguyên nhân từ việc ách tắc liên quan đến thủ tục pháp lý, đồng thời bày tỏ hy vọng các luật có liên quan đến đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản cùng các văn bản pháp quy liên quan sẽ góp phần cải thiện tình trạng này.
Tránh tình trạng “rừng thủ tục” khi triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang nhận thấy, thủ tục thực hiện các dự án nhà ở xã hội rất phức tạp và có nhiều loại thủ tục hơn so với các dự án nhà ở thương mại. Mặt khác, nguồn cung cấp nhà ở xã hội hiện nay còn nhiều hạn chế; tình trạng dư thừa quỹ đất nhà ở thương mại nhưng lại thiếu quỹ đất ở và nhà ở xã hội còn chậm được khắc phục…
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang phát biểu tại phiên họp
|
Vì vậy, đại biểu cho rằng, để tạo điều kiện cho người dân dễ tiếp cận với nhà ở xã hội cần hoàn thiện hành lang pháp lý và nhà ở xã hội. Theo đó sớm nghiên cứu ban hành các văn bản quy định riêng về đấu thầu, lựa chọn nhà thầu; đẩy nhanh việc thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp. Bảo đảm bố trí đủ nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội, trong đó có chương trình hỗ trợ nhà ở xã hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại đô thị; cải cách chính sách xét duyệt cho vay, tránh tình trạng chính sách rất hay nhưng lại phải trải qua “rừng thủ tục”.
Cùng với đó, Ngân hàng chỉ đạo ngân hàng chính sách xã hội nghiên cứu xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua nhà ở xã hội với thời hạn 10-20 năm, lãi suất ưu đãi từ 3-5%.
Ngoài ra, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đảm bảo việc thực thi chính sách nhà ở xã hội đúng quy định của pháp luật; có giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa, xử lý nghiêm các sai phạm cố tình trục lợi chính sách…
Thượng Ngọc
FILI
|