Lại “nóng” chuyện hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ
UBND tỉnh Khánh Hòa mới đây có công văn về việc rà soát hoạt động kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng.
Theo đó ngày 11/10, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đề nghị tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo về một số rủi ro có thể phát sinh liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng theo công văn của UBND tỉnh ngày 23/09 và công văn của Bộ Công thương ngày 18/07.
Được biết, công văn của Bộ Công thương gửi Thủ tướng Chính phủ về phản ánh khiếu nại liên quan đến kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng (DVND) tại tỉnh Khánh Hòa. Bộ Công thương cho biết, thời gian qua, hoạt động kinh doanh DVND tại Việt Nam nổi lên một số vấn đề phức tạp liên quan đến dịch vụ nghỉ dưỡng dài hạn. DVND xuất hiện dưới tên gọi “hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ” và gây ra nhiều phản ánh, khiếu nại của người dân tại tỉnh Khánh Hòa liên quan đến Công ty TNHH Khu Du lịch Vịnh Thiên Đường trong thời gian qua được UBND tỉnh xác định là “cho thuê phòng lưu trú”, được Bộ Công an xác định là loại hình kinh doanh có điều kiện, quản lý theo quy định của Luật Du lịch 2017 và văn bản pháp luật liên quan khác.
Hợp đồng kinh doanh DVND dài hạn còn được một số doanh nghiệp khác trên thị trường xác lập với khách hàng dưới một số tên gọi khác như hợp đồng nghỉ dưỡng, hợp đồng dịch vụ tuần nghỉ hạnh phúc, hợp đồng nghỉ gia đình, hợp đồng mua bán thẻ du lịch… (sau đây được gọi chung là “hợp đồng nghỉ dưỡng dài hạn”) của một số doanh nghiệp như Công ty TNHH Oh Vacation, CTCP Du lịch và Khách sạn Mandala, CTCP Du lịch Crystal Holdings, Công ty TNHH Resort International VietNam, CTCP Vacation Paradise, CTCP Câu lạc bộ Kỳ nghỉ Việt Nam, Công ty TNHH Holidays Việt Nam…
3 loại hình nghỉ dưỡng dài hạn tại Việt Nam
Bộ Công thương cho biết, có 3 loại hình nghỉ dưỡng dài hạn tại Việt Nam gồm: tuần nghỉ cố định, tuần nghỉ không cố định hay tuần thả nổi, và thẻ kỳ nghỉ hay thẻ tích lũy điểm trừ dần.
Doanh nghiệp bán kỳ nghỉ có thể sở hữu hoặc không sở hữu khu nghỉ dưỡng. Trường hợp có sở hữu khu nghỉ dưỡng, sở hữu kỳ nghỉ có thể được bán dưới dạng “hình thành trong tương lai” như một hình thức huy động vốn để chủ sở hữu sử dụng tiền thu được vào việc xây dựng khu nghỉ dưỡng. Những dự án nghỉ dưỡng cung cấp mô hình dịch vụ nghỉ dưỡng dài hạn tại Việt Nam hiện nay như: The Manna tại Vịnh Cam Ranh – Khánh Hòa, Hồ Tràm Sanctuary, Furama Resort, The Nam Hai, Tản Viên Reosrt – Hà Nội, FLC Holiday, khu du lịch vịnh Thiên Đường (Khánh Hòa)…
Hình thức tiếp cận, chào mời khách hàng tham gia mô hình này phổ biến tại các doanh nghiệp là tổ chức sự kiện để tặng quà, tặng kỳ nghỉ miễn phí và khảo sát nhu cầu du lịch của người dân. Tại đây, theo phản ánh của nhiều người, các công ty sử dụng nhiều chiến lược khai thác tâm lý của người tham gia sự kiện, hội thảo để người dân đặt cọc hoặc ký kết hợp đồng một cách vội vàng khi chưa có sự tìm hiểu kỹ lưỡng về bên bán, bản chất dịch vụ, các điều kiện và nội dung của giao dịch.
Không ít các quảng cáo, giới thiệu hấp dẫn về quyền lợi của khách hàng (khách kghỉ dưỡng) khi tham gia mô hình này như:
Giá trị hợp đồng hấp dẫn: chi phí mỗi đêm nghỉ dưỡng của khách nghỉ dưỡng thấp hơn nhiều lần so với khách vãng lai;
Dịch vụ nghỉ dưỡng đẳng cấp: tiêu chuẩn 5 sao, tiêu chuẩn quốc tế, hàng đầu Việt Nam;
Kênh đầu tư sinh lời lý tưởng: khách nghỉ dưỡng có thể dễ dàng chuyển nhượng toàn bộ hợp đồng hoặc từng tuần nghỉ với lợi nhuận cao;
Địa điểm nghỉ dưỡng phong phú: khách nghỉ dưỡng có thể nghỉ dưỡng tại dự án của công ty hoặc các địa điểm khác trong và ngoài nước (có thể trên toàn thế giới) của các đối tác trong mạng lưới liên kết với công ty;
Đơn vị cung cấp dịch vụ là các công ty có uy tín, có tiềm lực kinh tế và kinh doanh lâu năm trên thị trường...
Đặc điểm chung của các hợp đồng nghỉ dưỡng dài hạn
Đặc điểm chung của các hợp đồng nghỉ dưỡng dài hạn này là cung cấp dịch vụ cho thuê phòng lưu trú với thời hạn hợp đồng dài (vài năm đến vài chục năm); khách được lưu trú tại các khu nghỉ dưỡng (thuộc sở hữu gốc của bên bán hoặc bên bán liên kết với chủ sở hữu gốc) và sử dụng dịch vụ kèm theo trong một khoảng thời gian nhất định hàng năm cho bản thân hoặc người thân; khách hàng phải thanh toán toàn bộ giá trị hợp đồng trước khi dịch vụ được cung cấp; ngoài khoản giá trị hợp đồng phải đóng ban đầu (vài trăm triệu đồng), khách hàng có thể phải trả thêm phí thường niên và các phí khác trong quá trình sử dụng… và thường là bên mua không được hủy ngang hợp đồng.
Bộ Công thương cho biết giai đoạn 2020-2023, Bộ nhận được 779 đơn, thư của khách hàng chủ yếu đề nghị được hủy bỏ/chấm dứt hợp đồng nghỉ dưỡng dài hạn đã ký và được bên bán hoàn trả lại giá trị hợp đồng đã thanh toán.
Các hành vi người dân phản ánh liên quan tới hoạt động cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng dài hạn của bên bán như: có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lừa dối khách hàng; vi phạm pháp luật về du lịch; vi phạm điều cấm của pháp luật; không thực hiện đúng hợp đồng đã giao kết; thực tế giao dịch không đúng với thông tin quảng cáo; cung cấp thông tin gian dối; áp đặt điều khoản bất lợi cho người tiêu dùng; tăng phí thường niên quá cao; việc đặt phòng nghỉ dưỡng và chuyển nhượng hợp đồng/cho thuê lại kỳ nghỉ không thuận lợi; có dấu hiệu trốn thuế, không minh bạch về kiểm toán...
Theo Bộ Công thương, về bản chất, các giao dịch kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng dài hạn là giao dịch dân sự, chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau và thuộc thẩm quyền quản lý, xử lý của nhiều cơ quan quản lý nhà nước theo phạm vi thẩm quyền được giao. Cụ thể: Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xem xét ý kiến, phản ánh của người tiêu dùng từ khía cạnh pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và pháp luật về cạnh tranh; các Bộ, ngành khác và địa phương thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo thẩm quyền.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2020-2023, trên địa bàn tỉnh nhận được trên 1,000 đơn của các khách hàng mua “Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ” tại dự án Alma của Công ty TNHH Khu Du lịch Vịnh Thiên Đường, cùng với một số nội dung khiếu nại, phản ánh việc Công ty này có một số sai phạm trong quảng cáo, chào mời, ký kết và thực hiện hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ tại dự án Alma thuộc khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Cụ thể như: có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách hàng; quảng cáo không đúng sự thật, cung cấp thông tin gian dối; vi phạm pháp luật du lịch về chất lượng của khu nghỉ dưỡng, tăng phí thường niên quá cao; có dấu hiệu sai phạm về hoạt động kinh doanh, tài chính và công tác kế toán, kiểm toán…
Dự án Alma thuộc khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa
|
Một số nội dung cần lưu ý trong loại hình hợp đồng nghỉ dưỡng dài hạn
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tổng hợp một số nội dung thiếu rõ ràng cần lưu ý trong loại hình hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ để người dân nghiên cứu kỹ trước khi quyết định tham gia giao dịch, cụ thể như sau:
Nghĩa vụ tài chính của khách nghỉ dưỡng: Bên cạnh khoản tiền phải thanh toán một lần tại thời điểm ký kết hợp đồng (khoảng vài trăm triệu đồng), khách nghỉ dưỡng có thể phải thanh toán chi phí hàng năm (từ vài triệu đến vài chục triệu đồng) để sử dụng quyền nghỉ dưỡng trên thực tế. Tuy nhiên, trong hợp đồng có thể không quy định cụ thể, rõ ràng về khoản chi phí này và các vấn đề có liên quan, ví dụ: không quy định mức phí cụ thể; không quy định về nguyên tắc thu, thay đổi phí tại thời điểm giao kết Hợp đồng và trong suốt thời hạn Hợp đồng; thiếu quy định về tiêu chuẩn, chất lượng các dịch vụ nghỉ dưỡng được cung cấp … Thậm chí, các điều khoản trong hợp đồng có thể trao cho bên cung cấp dịch vụ quyền xác định mức chi phí hàng năm và các vấn đề có liên quan.
Chất lượng dịch vụ nghỉ dưỡng: Mặc dù được quảng cáo vô cùng hấp dẫn với các tiện nghi, chất lượng nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế, 5*, tuy nhiên danh mục dịch vụ và chất lượng dịch vụ cung cấp tới khách nghỉ dưỡng có thể không được cụ thể hóa trong hợp đồng. Điều này khiến khách nghỉ dưỡng thiếu cơ sở pháp lý để khiếu nại bên cung cấp dịch vụ trong trường hợp họ cho rằng chất lượng dịch vụ không đảm bảo, không tương xứng với số chi phí thường niên/ phí duy trì phải chi trả hoặc không đúng với kỳ vọng về một địa điểm nghỉ dưỡng lý tưởng - mục đích xác lập hợp đồng ban đầu của bên mua.
Khả năng đầu tư sinh lời: Theo phản ánh của một bộ phận người mua, họ tham gia hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ như một kênh đầu tư sinh lợi do được giới thiệu, hứa hẹn (nhưng không quy định trong hợp đồng) có thể dễ dàng chuyển nhượng một phần/ toàn bộ hợp đồng hoặc quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng cho bên thứ ba. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng này có thể gắn với điều kiện trả phí và phải được bên cung cấp dịch vụ đồng ý trước bằng văn bản. Mức phí chuyển nhượng và điều kiện chuyển nhượng cụ thể có thể không được quy định tại thời điểm ký kết Hợp đồng mà thuộc quyền quyết định của bên cung cấp dịch vụ tại từng thời điểm.
Địa điểm nghỉ dưỡng: Bên cạnh khả năng sinh lời, địa điểm nghỉ dưỡng phong phú cũng là một trong các lợi ích thu hút bên mua. Theo thông tin quảng cáo, giới thiệu, khách nghỉ dưỡng có thể được nghỉ dưỡng tại dự án của Doanh nghiệp hoặc các địa điểm khác trong và ngoài nước (có thể trên toàn thế giới) của các đối tác trong mạng lưới liên kết với Doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong hợp đồng, có thể khách nghỉ dưỡng không được cung cấp thông tin về danh sách các công ty liên kết cụ thể, đồng thời bên cung cấp dịch vụ không được cam kết về các tiêu chí lựa chọn đối tác liên kết. Theo đó, không có cơ sở ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp khi doanh nghiệp lựa chọn đối tác liên kết thiếu năng lực/ không đáp ứng được kỳ vọng của Khách Nghỉ dưỡng.
Chế tài xử lý vi phạm: Thông thường, các hợp đồng sẽ quy định quyền chấm dứt Hợp đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, hợp đồng có thể quy định không rõ ràng hoặc không quy định các trường hợp cụ thể khách nghỉ dưỡng được quyền chấm dứt hoặc hủy bỏ hợp đồng và chế tài xử ý vi phạm tương ứng đối với vi phạm của bên cung cấp dịch vụ. Trong khi đó, hợp đồng có thể trao cho bên cung cấp dịch vụ quyền chấm dứt hợp đồng đối với mọi vi phạm của khách nghỉ dưỡng, từ vi phạm về nghĩa vụ thanh toán đến vi phạm quy định tại nội quy/ quy chế và các nhóm vi phạm khác. Như vậy, khách nghỉ dưỡng đứng trước rủi ro lớn trong việc bị bên cung cấp dịch vụ chấm dứt Hợp đồng và mất khoản tiền đã thanh toán mặc dù thời hạn hợp đồng có thể còn dài.
Khuyến cáo của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia
Từ một số rủi ro tiềm ẩn được người dân phản ánh trên đây, để tránh tình huống không mong muốn xẩy ra, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến cáo người tiêu dùng:
Trước hết, trước khi quyết định tham gia sự kiện giới thiệu sản phẩm, cần tìm hiểu thông tin về loại hình sản phẩm, dịch vụ được giới thiệu tại sự kiện cũng như bên cung cấp thông qua phương tiện truyền thông hoặc qua bạn bè, người thân đã tham gia sự kiện hoặc sử dụng sản phẩm; xác định trước những vấn đề cần quan tâm về lợi ích và rủi ro để chủ động yêu cầu được giải đáp thêm.
Đồng thời, trước khi quyết định, cần yêu cầu cung cấp đầy đủ bộ hợp đồng và nghiên cứu kỹ, đặc biệt ở những vấn đề sau:
- Xác định rõ nhu cầu của bản thân, gia đình trong một thời gian dài.
- So sánh các thông tin được quảng cáo, chào bán hoặc “cam kết miệng” của doanh nghiệp với các điều khoản quy định chính thức tại dự thảo hợp đồng. Đặc biệt khi có sự không thống nhất giữa thông tin chào bán và hợp đồng hoặc có các quy định, điều khoản trong hợp đồng chưa rõ ràng thì người tiêu dùng cần đề nghị doanh nghiệp giải thích, làm rõ và sửa đổi, bổ sung. Ví dụ: mô tả dịch vụ được cung cấp, các điều khoản về quyền và nghĩa vụ của khách hàng, của doanh nghiệp; điều khoản về giá trị hợp đồng và các loại chi phí; điều khoản về chấm dứt hợp đồng; điều khoản về xử lý vi phạm…;
- Xác định rõ toàn bộ các chi phí phải đóng trong thời hạn hợp đồng. Hầu hết các hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ hiện nay đều là hợp đồng có thời hạn dài và bên cạnh khoản phí cố định ngay từ đầu, người tiêu dùng sẽ còn phải đóng thêm nhiều khoản phí khác phát sinh trong quá trình thực hiện như phí duy trì/ phí thường niên/ phí quản lý/ phí vận hành/ phí thực hiện quyền trao đổi các địa điểm nghỉ dưỡng... Các khoản chi phí này có thể chỉ được quy định trong hợp đồng ( không có trong thông tin quảng cáo, chào bán) và có thể không được quy định một cách rõ ràng, đầy đủ;
- Các điều kiện, hạn chế đối với bên mua trong việc hưởng, chuyển nhượng quyền nghỉ dưỡng, ví dụ như: thời điểm bắt đầu được thực hiện quyền nghỉ dưỡng, dịch vụ này có được chuyển nhượng cho người khác không, nếu có thì sau khi ký hợp đồng hay sử dụng dịch vụ bao nhiêu lâu, có đi kèm điều kiện gì không…;
- Các điều khoản bất lợi trong hợp đồng, ví dụ như: hạn chế quyền khiếu nại, khởi kiện của người mua; không cho người tiêu dùng hủy ngang hợp đồng; chế tài xử lý vi phạm không công bằng giữa hai bên; các trường hợp bên cung cấp dịch vụ được miễn trừ trách nhiệm ví dụ như không được cơ quan nhà nước cấp phép xây dựng (đối với loại hình có dự án/khách sạn) hoặc bên thứ ba không tiếp tục hợp tác (đối với loại hình không có dự án/khách sạn)...
Thu Minh
FILI
|