Thứ Ba, 15/10/2024 11:02

Bộ TN&MT họp bàn thống nhất với các địa phương về điều chỉnh bảng giá đất

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã họp với 21 tỉnh, thành phố về triển khai điều chỉnh Bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024 theo quy định tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024.

Thứ trưởng Lê Minh Ngân phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được báo cáo của một số địa phương về tiến độ xây dựng các văn bản theo thẩm quyền được giao và khó khăn, lúng túng trong việc triển khai điều chỉnh Bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024 theo quy định tại khoản 1, Điều 257 Luật Đất đai 2024.

Để có phương án xử lý giải quyết một số khó khăn, vướng mắc theo báo cáo của các địa phương, Bộ TN&MT tổ chức cuộc họp để thống nhất việc thực hiện đúng quy định tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh, Sở TN&MT các địa phương đã trao đổi về những vấn đề lúng túng, khó khăn cụ thể trong việc điều chỉnh bảng giá đất theo quy định tại khoản 1, Điều 257 Luật Đất đai 2024, việc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá sản phẩm về lĩnh vực đất đai để áp dụng trên địa bàn, xác định giá đất để đấu giá… và đã được Thứ trưởng Lê Minh Ngân và lãnh đạo Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất trao đổi, trả lời.

Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, thời gian qua, Bộ TN&MT, các Bộ ngành liên quan và các địa phương đã chủ động, phối hợp chặt chẽ trong quá trình xây dựng Luật Đất đai 2024 và các Văn bản quy định chi tiết thi hành Luật từ Trung ương tới địa phương.

Tuy nhiên tiến độ ban hành Văn bản của địa phương còn chậm do Luật Đất đai đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương nên số lượng các nội dung giao cho địa phương quy định nhiều, trong khi các địa phương đều hạn chế về nguồn nhân lực, thời gian, kinh nghiệm…

Do đó Thứ trưởng đề nghị lãnh đạo các địa phương cần tập trung chỉ đạo các cơ quan tham mưu xây dựng và ban hành các Văn bản theo thẩm quyền theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Về khó khăn, lúng túng trong việc triển khai điều chỉnh Bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024 theo quy định tại khoản 1, Điều 257 Luật Đất đai 2024, Thứ trưởng Lê Minh Ngân khẳng định, đây là quy định chuyển tiếp để xử lý cho các địa phương trong quá trình từ khi Luật có hiệu lực tới ngày 1/1/2026 (ngày Bảng giá đất mới theo Luật Đất đai 2024 có hiệu lực).

Để các địa phương chủ động trong việc này, khoản 1, Điều 257 quy định: “Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành theo quy định của Luật Đất đai 2013 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025; trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật này cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương”.

Thứ trưởng cho rằng, việc điều chỉnh Bảng giá đất thuộc thẩm quyền của UBND, do đó, nếu các địa phương thấy bảng giá trên địa bàn đang ổn định, áp dụng tốt, không ảnh hưởng tới phát triển KT- XH… thì có thể giữ nguyên; nếu thấy cần thiết phải điều chỉnh giá đất tại một số vị trí, đối tượng, loại đất, hoặc điều chỉnh tổng thể Bảng giá đất thì điều chỉnh nhưng phải đảm bảo trình tự, thủ tục của Nghị định 71 và quy định của Luật Đất đai 2024.

Lãnh đạo UBND, Sở TN&MT, Sở Tài Chính 21 tỉnh, thành phố tham dự cuộc họp gồm: Hà Giang, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Sơn La, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hậu Giang, An Giang, Quảng Trị, Quảng Nam.

Về định mức kinh tế - kỹ thuật để lập dự toán ngân sách nhà nước phục vụ công tác định giá đất, Thứ trưởng cho biết, việc này thuộc thẩm quyền ban hành văn bản của các địa phương theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

Về xác định giá khởi điểm đất đấu giá, Luật Đất đai quy định đối với khu vực đã được đầu tư xây dựng hạ tầng thì áp dụng bảng giá đất để xác định giá đất khởi điểm, nhưng khi địa phương xây dựng hạ tầng khu đấu giá thấy vị trí khu vực trong bảng giá còn đất thấp, không phù hợp, thì có thể điều chỉnh cục bộ.

Nếu không điều chỉnh bảng giá đất sẽ dẫn tới hiện tượng lợi dụng như: đầu cơ, thao túng giá thông qua việc đẩy giá cao, thổi giá và bán lại ngay để thu lợi hoặc tạo mặt bằng giá ảo đối với các khu vực xung quanh, thậm chí sau khi đấu giá một số đối tượng chưa nộp tiền sử dụng đất đúng thời hạn theo quy chế đấu giá, bỏ cọc … Do đó, các địa phương phải cẩn thận khi xây dựng phương án đấu giá đất.

Thứ trưởng cho rằng, các địa phương có thể quy định rút ngắn thời gian thu tiền sử dụng đất, hoặc quy định đối tượng tham gia đấu giá như thế nào, quy định phương thức nộp tiền, đặt cọc… theo các quy định pháp luật để hạn chế bỏ cọc trong đấu giá đất…

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   TPHCM sẽ ban hành bảng giá đất chậm nhất ngày 20/10 (15/10/2024)

>   Bộ Tài chính đề xuất giảm 30% tiền thuê đất năm 2024 (15/10/2024)

>   Thủ tướng yêu cầu tập trung triển khai thi hành Luật Đất đai, phê bình 13 địa phương chưa ban hành văn bản nào (11/10/2024)

>   Không dùng giá đất ở để tính thuế đất thương mại (11/10/2024)

>   Từ 7/10, loạt thửa đất ở Hà Nội không đủ điều kiện tồn tại, xoá nhà ‘siêu mỏng’ (07/10/2024)

>   Chuyển đất trồng lúa sang đất ở trái phép bị phạt đến 400 triệu đồng (07/10/2024)

>   Thủ tướng yêu cầu triển khai gói tín dụng ưu đãi 30,000 tỷ cho vay mua, xây dựng nhà ở (04/10/2024)

>   Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất (03/10/2024)

>   Ngăn bỏ cọc đấu giá đất: Cần tăng mức ký quỹ gắn với bồi thường khi bỏ cọc (03/10/2024)

>   Đánh thuế bất động sản thứ 2 trở lên có giúp giảm giá nhà? (03/10/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật