Thủ tướng yêu cầu triển khai gói tín dụng ưu đãi 30,000 tỷ cho vay mua, xây dựng nhà ở
Thủ tướng giao Bộ Xây dựng hoàn thành trong tháng 10/2024 việc nghiên cứu gói tín dụng ưu đãi 30,000 tỷ đồng cho vay mua, xây dựng, sửa chữa nhà ở để thực hiện chính sách xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội
|
Theo thông báo kết luận của Văn phòng Chính phủ về Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoàn thành trong tháng 10/2024 việc nghiên cứu, xây dựng, triển khai gói tín dụng ưu đãi khoảng 30,000 tỷ đồng để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay mua, thuê mua, xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở để thực hiện chính sách xã hội.
Trong đó 15,000 tỷ đồng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu Chính phủ và 15,000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho vay.
Lưu ý, vốn của gói 30,000 tỷ đồng từ Ngân sách Nhà nước, khác với nguồn lực gói 120,000 tỷ đồng do các ngân hàng thương mại tham gia hỗ trợ.
Trước đó, cuối tháng 5, Bộ Xây dựng từng đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu gói vay ưu đãi mới cho người mua nhà xã hội, với lãi suất thấp hơn 3-5% lãi vay thương mại, kỳ hạn 10-15 năm. Mức lãi đề xuất này mềm hơn gói tín dụng ưu đãi 120,000 tỷ đồng đang thực hiện (thấp hơn 1.5-3% lãi vay thương mại).
Theo Bộ Xây dựng, gói ưu đãi này sẽ tạo thêm động lực cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp vay tiền mua nhà.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, sau hơn một năm triển khai, giải ngân gói 120,000 tỷ đồng vẫn rất thấp, gần 1% tức khoảng 1,344 tỷ đồng, trong đó có 1,295 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 12 dự án, còn lại là người mua nhà.
Cấp đủ vốn điều lệ, cấp bù lãi suất
Theo thông báo kết luận, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng, trình ban hành các Nghị định về tổ chức, hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội (hoàn thành trong tháng 10/2024); rà soát, hoàn thiện các quy định về hoạt động tín dụng chính sách nhằm tập trung nguồn lực, cải thiện cơ cấu nguồn vốn theo hướng ổn định, bền vững.
Thủ tướng cũng yêu cầu cấp đủ vốn điều lệ, cấp bù lãi suất, phí quản lý, bảo đảm nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm; nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét cho phép tăng hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh…
Ngân hàng Chính sách xã hội tập trung ưu tiên nguồn vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.
Thủ tướng cũng lưu ý làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực dự báo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực quản trị chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp để xây dựng đội ngũ cán bộ có uy tín, tận tâm, tận tụy, gần dân, phục vụ người dân.
Tùng Phong
FILI
|