Bầu cử Tổng thống Mỹ: Tác động đến kinh tế Việt Nam
Bà Harris có lập trường mềm mỏng hơn trong các vấn đề thương mại, nếu bà thắng cử sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Mỹ hơn so với ông Trump, qua đó hỗ trợ cho sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam nhiều hơn.
Ông Trump với lập trường cứng rắn
Lập trường tranh cử của hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ là bà Kamala Harris (ứng cử viên của Đảng Dân chủ) và ông Donald Trump (ứng cử viên của Đảng Cộng hòa) có sự khác biệt lớn. Tuy nhiên, bài viết này chỉ tập trung vào các yếu tố tác động đến kinh tế Việt Nam.
Theo đó, lập trường của ông Trump tập trung vào việc phục hồi kinh tế Mỹ và giảm thâm hụt thương mại. Cụ thể, ông Trump muốn mở rộng sản xuất, thu hút thêm vốn đầu tư cho hoạt động sản xuất trong nước bằng nhiều chính sách hỗ trợ. Như vậy sẽ tác động đến quyết định đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Mỹ, qua đó làm suy giảm dòng vốn đầu tư toàn cầu. Hiện Việt Nam có mối quan hệ hợp tác chiến lược với Mỹ và các doanh nghiệp Mỹ đang cân nhắc mở rộng hợp tác với Việt Nam. Với chính sách này, nhiều doanh nghiệp Mỹ sẽ cân nhắc lại việc hợp tác này.
Bên cạnh đó, để tài trợ cho các hoạt động này, Ông Trump sẽ sử dụng một mức thuế chung cho tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, đồng thời đánh mức thuế cao hơn với một số hàng hóa từ Trung Quốc. Dĩ nhiên sẽ ảnh hưởng đến hoạt động thương mại toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.
Giá trị xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ của Việt Nam
Nguồn: Hải Quan Việt Nam
|
Với kinh tế Việt Nam, hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ sẽ kém cạnh tranh hơn khi chịu mức thuế quan chung này. Một cách trực tiếp, hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ từ Việt Nam sẽ có sự suy giảm hoặc tăng trưởng kém hơn kỳ vọng. Bên cạnh đó, do chịu mức thuế xuất khẩu vào Mỹ, hàng hóa từ Trung Quốc sẽ chuyển hướng sang các thị trường khác có mức thuế thấp hơn hoặc không có thuế nhập khẩu như các nước Đông Á hoặc Đông Nam Á. Đây là động thái sẽ tạo áp lực cạnh tranh không nhỏ lên các nhà sản xuất từ Việt Nam.
Bà Harris ủng hộ thương mại quốc tế
Bà Harris thể hiện lập trường mềm mỏng hơn trong vấn đề kinh tế và thương mại. Cụ thể, bà Harris từ chối áp đặt một mức thuế chung với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Thay vào đó, thuế quan nên tập trung vào một số mặt hàng và quốc gia nhất định, chủ yếu là các hàng hóa từ Trung Quốc. Chính sách này, hiện đang được chính quyền Biden thực hiện, đây là điều giúp hoạt động xuất khẩu từ doanh nghiệp Việt Nam vẫn diễn ra bình thường. Trong một số trường hợp, hoạt động xuất khẩu từ Việt Nam sẽ được hưởng lợi nếu thuế nhập khẩu tăng với hàng hóa Trung Quốc.
Giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ theo tháng
Nguồn: Hải Quan Việt Nam
|
Một điểm quan trọng trong cách tiếp cận của bà Harris đối với các vấn đề thương mại là bà muốn thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện với Việt Nam (đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại) và hợp tác với các doanh nghiệp Mỹ. Chính sách này giúp dòng vốn quốc tế chảy vào Việt Nam, đặc biệt là dòng vốn từ Mỹ.
Như vậy, các chính sách về thương mại của bà Harris hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu ở Việt Nam và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế hơn so với các chính sách từ ông Trump.
Thách thức với kinh tế Việt Nam
Bất kể kết quả bầu cử của Mỹ như thế nào, tình hình căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Một điểm sáng là Việt Nam có thể gia tăng thị phần xuất khẩu sang Mỹ, nhờ lợi thế về các mặt hàng mà Mỹ đã áp thuế với Trung Quốc, đây cũng là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng chịu áp lực từ sự phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu và đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ chính sách thúc đẩy xuất khẩu của Trung Quốc nhằm xử lý vấn đề hàng tồn kho của nước này. Bên cạnh đó, các mối lo ngại về suy giảm tiêu dùng ở Trung Quốc cũng khiến cho việc xuất khẩu của Việt Nam sang quốc gia này gặp khó khăn, cùng với sự cảnh giác cao độ về việc Trung Quốc có thể lách luật thuế bằng cách dán nhãn “sản xuất tại Việt Nam”.
Trần Trương Mạnh Hiếu
FILI
|