Thị trường IB Việt Nam dưới góc nhìn của chuyên gia Chứng khoán Stanley Brothers
Dịch vụ ngân hàng đầu tư (Investment Banking – IB) đang trở thành mắt xích quan trọng trong quá trình phát triển bền vững của thị trường chứng khoán (TTCK) và thị trường tài chính Việt Nam.
Dịch vụ IB phát triển là điều tất yếu
Đại diện CTCP Chứng khoán Stanley Brothers (SBSI) đánh giá thị TTCK Việt Nam dù còn non trẻ nhưng đã bắt đầu trở thành kênh huy động vốn hữu ích cho các doanh nghiệp trong khoảng 10 năm trở lại đây. Song hành với sự phát triển của TTCK cơ sở, hoạt động IB đang phát triển mạnh mẽ về quy mô, số lượng thương vụ cũng như giá trị thương vụ thành công.
Bằng chứng dễ thấy là nhu cầu của doanh nghiệp và các nhà đầu tư ngày một tăng, dịch vụ IB tại các CTCK theo đó bắt buộc phải liên tục phát triển. Điều này cũng đã và đang diễn ra ở những quốc gia có nền tài chính phát triển như châu Âu và Mỹ.
Nhìn lại quá khứ, 2008 và những năm sau đó có thể nói là giai đoạn phát triển mạnh về nhu cầu về niêm yết, xuất phát từ làn sóng cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và từ các công ty tư nhân đầu ngành. Vì vậy, dịch vụ IB thời điểm này chỉ tập trung tư vấn hồ sơ cổ phần hóa, đại chúng hóa và quy trình niêm yết các công ty đại chúng.
Hơn 10 năm sau (2019-2022), TTCK Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng đột phá. Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp đăng ký đại chúng hóa/niêm yết có tăng trưởng nhưng không đáng kể, thay vào đó là liên tục các đợt phát hành cổ phiếu thông qua nhiều hình thức cho các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức.
Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) cũng bùng nổ từ đây. TPDN bắt đầu được quan tâm khoảng từ năm 2015 nhưng đa phần là các đợt phát hành riêng lẻ cho ngân hàng/quỹ đầu tư và quy mô giá trị không lớn. 2020-2022 là giai đoạn bùng nổ của TPDN khi tăng mạnh cả về khối lượng phát hành và quy mô giá trị phát hành. TPDN cũng bắt đầu được chào bán ra công chúng để tiếp cận tới các nhà đầu tư cá nhân.
Thống kê trên cho thấy một điều rất rõ ràng rằng các doanh nghiệp đã bắt đầu nhận thức được TTCK (cổ phiếu, trái phiếu) là một kênh huy động vốn hiệu quả và dài hạn, bên cạnh kênh huy động vốn truyền thống là ngân hàng.
“Vì lẽ đó, hoạt động IB trên thị trường cũng chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ để đáp ứng được nhu cầu vốn của các doanh nghiệp. Dịch vụ IB tại các CTCK cũng có thêm nhiều sản phẩm hơn như tư vấn M&A, tư vấn phát hành và huy động vốn trái phiếu”, đại diện SBSI nói.
Chiếc cầu nối với dòng vốn quốc tế
Dịch vụ IB được xem là chiếc cầu nối quan trọng với dòng vốn quốc tế. Nguồn: bulbapp.io
|
Hiện tại, các quy định về niêm yết, phát hành cổ phiếu, trái phiếu đã được liên tục sửa đổi, nâng cấp để bám sát với thị trường, nhằm mục tiêu quản lý giám sát và điều hướng tạo tiền đề cho TTCK phát triển minh bạch và lành mạnh.
Trong tương lai, hoạt động niêm yết và phát hành của doanh nghiệp sẽ ngày càng được kiểm soát chặt chẽ hơn, nên vai trò của hoạt động IB sẽ càng quan trọng, đòi hỏi các CTCK cung cấp dịch vụ này cần chuẩn bị kỹ càng về nhân sự, nguồn lực và liên tục đào tạo chuyên môn để đáp ứng được các nhu cầu của doanh nghiệp.
Việc nâng hạng thị trường đang là mục tiêu lớn đối với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) nói riêng và thị trường tài chính đầu tư nói chung. Ý nghĩa của việc này rất to lớn, trong đó rõ ràng nhất là việc TTCK Việt Nam sẽ thu hút được thêm dòng vốn đầu tư từ những tổ chức quốc tế.
Theo dự báo của World Bank, nếu Việt Nam được nâng hạng thị trường vào năm 2025 thì đến năm 2030, TTCK Việt Nam có thể “hút” được khoảng 25 tỷ USD vốn quốc tế. Và chắc chắn rằng, hoạt động IB sẽ là một trong những cầu nối quan trọng.
Cần thêm doanh nghiệp lớn được niêm yết mới?
Theo SBSI, quy mô vốn hóa của TTCK Việt Nam hiện nay đã tăng trưởng mạnh mẽ trong 10 năm gần đây nhưng mức độ phân hóa khá rõ rệt, trong đó lớn nhất là nhóm 30 doanh nghiệp niêm yết nằm trong chỉ số VN30 chiếm khoảng 80% giá trị vốn hóa của cả thị trường. Tổng giá trị vốn hóa của nhóm VN30 là khoảng 140 tỷ USD.
Đồng thời, các quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại một số ngành nghề và các doanh nghiệp có giới hạn và cũng được kiểm soát chặt chẽ, nhiều doanh nghiệp lớn cũng đã có tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài khá cao như BIDV (KEB Hana Bank chiếm 15%), CTG (Tokyo Mitsubishi Bank chiếm 20%), VNM (F&N Dairy Investment chiếm 18%, Platinum Victory chiếm 10%) và nhiều doanh nghiệp khác.
Đại diện SBSI cho rằng, để chuẩn bị cho việc nâng hạng và thu hút thêm mạnh mẽ các dòng vốn quốc tế, thị trường chứng khoán Việt Nam cần thêm những doanh nghiệp lớn niêm yết mới (chẳng hạn thương vụ niêm yết BSR lên HOSE) cũng như các doanh nghiệp niêm yết hiện tại sẽ có nhu cầu phát hành thêm cổ phiếu, trái phiếu để huy động vốn từ tổ chức quốc tế. “Đó chính là cơ hội lớn cho mảng dịch vụ IB tại các CTCK”.
Cần thêm những thương vụ là các doanh nghiệp lớn được niêm yết mới. Nguồn: istockphoto.com
|
Tử Kính
FILI
|