Tạo ‘cơ chế’ cho dự án điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương được biếu 1,5 tỷ đồng
Ông Hoàng Quốc Vượng bị kết luận vì động cơ vụ lợi, tạo cơ chế cho dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam được hưởng giá điện ưu đãi. Đổi lại, phía doanh nghiệp 'biếu' ông 1,5 tỷ đồng.
Vụ lợi, giúp doanh nghiệp gây thiệt hại ngân sách
Cơ quan ANĐT Bộ Công an vừa ra kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công thương, cùng một số tỉnh, thành liên quan, đồng thời đề nghị truy tố ông Hoàng Quốc Vượng (cựu Chủ tịch EVN, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương); ông Phương Hoàng Kim (cựu Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo); ông Nguyễn Danh Sơn (cựu Giám đốc Công ty Mua bán điện) cùng 9 đồng phạm khác về hai tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Vụ án xuất phát từ tháng 2/2023, khi Thanh tra Chính phủ có công văn kiến nghị Cơ quan ANĐT Bộ Công an điều tra, xử lý với 8 nhóm hành vi có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng các công trình điện.
Vào cuộc điều tra, Cơ quan an ninh xác định, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, được giao phụ trách Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, trực tiếp chỉ đạo tham mưu xây dựng dự thảo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg.
Quá trình thực hiện, ông biết rõ chủ trương, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận “các dự án điện mặt trời nối lưới và hạ tầng đấu nối công suất 2.000 MW được chấp thuận triển khai". Tuy nhiên, ông Vượng đã chỉ đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo dự thảo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg theo hướng "mở rộng diện đối tượng được hưởng giá điện ưu đãi" thành "các dự án được phê duyệt bổ sung sẽ được hưởng giá điện ưu đãi".
Theo cơ quan điều tra, chỉ đạo trên của ông Vượng là trái với Nghị quyết số 115/NQ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đáng chú ý, ngoài phạm trong xây dựng dự thảo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, cựu Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng còn bị cáo buộc "có động cơ vụ lợi", tạo cơ chế cho dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam.
Cụ thể, ông Vượng lợi dụng chức vụ quyền hạn đã thống nhất chủ trương đề xuất cho dự án được phê duyệt bổ sung quy hoạch; đồng thời, “cố ý” xin cơ chế giá 9,35 UScents/kWh cho dự án vượt phạm vi Thủ tướng Chính phủ cho phép... Sự "cố ý" của ông Vượng tạo điều kiện cho nhà máy Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam được vào diện được hưởng giá điện ưu đãi.
Dù sau đó, Thủ tướng chỉ đạo yêu cầu Bộ Công Thương phải thực hiện nghiêm theo đúng nghị quyết nhưng ông Vượng "ngó lơ", dẫn đến thiệt hại 774 tỷ đồng cho EVN.
Khi bị điều tra, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương khai nhận của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam 1,5 tỷ đồng.
Bị can Hoàng Quốc Vượng.
|
Cựu Giám đốc Công ty Mua bán điện gây thiệt hại 209 tỷ đồng
Tương tự như ông Vượng, bị can Phương Hoàng Kim (cựu Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương) được giao làm Tổ trưởng tổ soạn thảo, trực tiếp xây dựng dự thảo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg.
Cũng vì động cơ vụ lợi, bị can tạo điều kiện "không chính đáng" cho Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam.
Bên điều tra đánh giá, sai phạm của ông Kim là nguyên nhân chính khiến Bộ Công Thương tham mưu, đề xuất Phó Thủ tướng ký ban hành Quyết định số 13/QĐ-TTg trái với Nghị quyết số 115/NQ-CP...; góp phần gây thiệt hại cho EVN.
Một sai phạm khác được Cơ quan ANĐT kết luận gây thiệt hại ngân sách liên quan đến bị can Nguyễn Danh Sơn (cựu Giám đốc Công ty Mua bán điện, Bộ Công thương). Theo đó, quá trình tổ chức thực hiện hợp đồng mua bán điện với Công ty Cổ phần năng lượng Lộc Ninh 3, bị can Sơn biết thực tế doanh nghiệp xây dựng không đúng nhà máy điện mặt trời quy định trong hợp đồng mua bán điện; không đủ điều kiện cấp COD (ngày vận hành thương mại).
Vì muốn tạo lợi ích cho Công ty CP Lộc năng lượng Lộc Ninh 3, Sơn ký văn bản của Công ty Mua bán điện công nhận COD cho nhà máy để doanh nghiệp đủ điều kiện cung cấp điện năng, nhận thanh toán tiền bán điện.
"Hành vi của Sơn là trái với hợp đồng mua bán điện, gây thiệt hại thêm 209 tỷ đồng cho EVN", kết luận nêu.
Các bị can khác thuộc Công ty Mua bán điện, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, cũng bị kết luận vì muốn "tạo lợi ích" cho các nhà máy điện mặt trời, họ đã dự thảo, trình các văn bản để doanh nghiệp được cung cấp điện năng, được thanh toán... Trong nhóm có bị can nhận "quà" với số tiền vài chục triệu đồng.
Hoàng Cư - Minh Đức
Tiền phong
|