'Siêu dự án' đường bộ 136.000 tỷ ở TPHCM sắp trình Quốc hội có quy mô thế nào?
TPHCM và các tỉnh cơ bản hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tổng thể Vành đai 4 với kinh phí hơn 136.000 tỷ đồng để sớm trình Quốc hội trong tháng 10.
UBND TPHCM vừa có văn bản khẩn báo cáo Bộ Kế hoạch - Đầu tư xem xét, phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải sớm báo cáo, tham mưu Thủ tướng về hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4.
Đây là dự án đường bộ lớn nhất khu vực Đông Nam Bộ từ trước đến nay, có tầm quan trọng đặc biệt trong việc kết nối giao thông và phát triển kinh tế.
TPHCM đã phối hợp với UBND các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức rà soát, cơ bản hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tổng thể và các dự án thành phần.
Tổng chiều dài toàn tuyến Vành đai 4 TPHCM khoảng 206,72km (qua Bà Rịa - Vũng Tàu: 18,23km; Đồng Nai 45,54km; Bình Dương 47,95km; TPHCM 16,7km; Long An 78,3km). Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 136.593 tỷ đồng.
Dự kiến một đoạn Vành đai 4 TPHCM đi qua địa bàn tỉnh Long An. Ảnh: MĐ
|
Trong giai đoạn 1, dự án sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch được duyệt. Đồng thời đầu tư xây dựng 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh kèm làn dừng khẩn cấp rộng 3m trên toàn tuyến.
Trên tuyến sẽ xây dựng 21 nút giao thông liên thông bao gồm 2 nút tại Bà Rịa - Vũng Tàu; Đồng Nai có 5 nút giao; Bình Dương có 4 nút giao (chung với Đồng Nai 1 nút giao ở cầu Thủ Biên); TPHCM có 4 nút giao và Long An có 7 nút giao.
Cùng với đó, tuyến đường song hành và đường dân sinh hai bên tuyến sẽ được đầu tư tùy theo nhu cầu giao thông tại từng đoạn, khu vực, đặc biệt ở những nơi có khu đô thị, khu dân cư.
Dự án thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Trong đó nguồn vốn ngân sách trung ương dự kiến gần 42.554 tỷ đồng, còn vốn ngân sách địa phương khoảng trên 33.584 tỷ.
Về dự kiến kế hoạch phân bổ vốn ngân sách, giai đoạn 2021-2025 cần khoảng 16.026 tỷ đồng. Giai đoạn 2026-2030 dự án cần khoảng 59.582 tỷ.
Hệ thống đường vành đai, cao tốc kết nối TPHCM với các tỉnh. Ảnh: Sở GTVT TPHCM
|
Hồi tháng 4, Bộ GTVT và UBND các tỉnh thống nhất đề nghị UBND TPHCM đảm nhận vai trò là cơ quan đầu mối để tổng hợp quá trình triển khai thực hiện; chủ trì, thống nhất với các địa phương lựa chọn một đơn vị tư vấn tổng thể; nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho toàn bộ tuyến.
Sau đó, UBND TPHCM đã báo cáo, kiến nghị Thủ tướng về đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng chung cho toàn bộ tuyến Vành đai 4.
Tiếp đó, cuối tháng 8, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND TPHCM và 4 tỉnh liên quan về tình hình triển khai đầu tư xây dựng dự án.
Trong buổi làm việc, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đề nghị UBND TPHCM chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh liên quan hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 tổng thể cho toàn tuyến với tổng chiều dài hơn 206km.
Hồ sơ sẽ được trình cấp thẩm quyền thẩm định, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 10. Trong đó, chủ trương đầu tư sẽ xác định các dự án thành phần đi qua địa phận TPHCM và các tỉnh (Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu) và giao cho địa phương tổ chức thực hiện, tương tự như dự án Vành đai 3 TPHCM.
Vành đai 4 TPHCM sau khi hoàn thành là tuyến đường bao quanh đường Vành đai 3, có nhiệm vụ tiếp nhận, hạn chế ùn tắc giao thông trên các tuyến đường nội đô TPHCM.
Tuyến Vành đai này được kỳ vọng tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối vùng Tây Nam - Đông Nam với khu cảng Hiệp Phước, cảng Long An, giúp thúc đẩy lưu chuyển hàng hóa và tạo điều kiện phát triển dịch vụ cảng.
|
Tuấn Kiệt
VietNamNet
|