Thứ Ba, 17/09/2024 16:49

Ông lớn năng lượng Na Uy Scatec bán dự án điện gió, rút khỏi Việt Nam

Theo thông tin công bố ngày 16/09, Scatec ASA - nhà sản xuất năng lượng từ Na Uy – đang chuẩn bị rút khỏi Việt Nam bằng thương vụ bán dự án điện gió Đầm Nại (quy mô 39MW) ở Ninh Thuận.

Đơn vị nhận chuyển nhượng là Sunstainable Asia Renewable Assets (SARA) – một thành viên mảng phát triển năng lượng tái tạo thuộc Quỹ chuyển đổi năng lượng châu Á của SUSI Partners (quỹ đầu tư chuyên nghiệp từ Thụy Sĩ chuyên đầu tư vào cơ sở hạ tầng chuyển đổi năng lượng).

Asian Power dẫn thông báo từ Scatec cho biết ông lớn năng lượng Na Uy này sẽ nhận trước 27 triệu USD để chuyển nhượng 100% cổ phần sau khi hoàn tất, và khả năng nhận thêm 13 triệu USD nữa nếu một số điều kiện đảm bảo được hoàn tất trước tháng 5/2026.

“Chúng tôi quyết định rời khỏi Việt Nam sau khi vận hành nhà máy điện gió Đầm Nại kể từ năm 2021, sau khi tiếp nhận từ SN Power. Chúng tôi hài lòng với mức giá thỏa thuận, và thương vụ nằm trong chiến lược tối ưu danh mục đầu tư để tập trung vào các thị trường có cơ hội tăng trưởng cao hơn” – trích lời CEO Scatec, ông Terje Pilskog.

Hiện tại, dự án điện gió Đầm Nại đang có dư nợ ròng khoảng 28 triệu USD ở thời điểm cuối quý 2/2024, với tổng giá trị các giao dịch khoảng 68 triệu USD, theo thông tin từ Asian Power. Dự án đã mang lại cho Scatec khoảng 14 triệu USD tiền mặt kể từ khi sáp nhập SN Power vào năm 2021.

Thương vụ bán lại Đầm Nại dự kiến sẽ hoàn tất vào đầu năm 2025, tùy theo các phê duyệt. Scatec ước tính chi phí thoái vốn – bao gồm cả chi phí tăng trưởng vốn hóa – rơi vào khoảng 4.5 triệu USD, sẽ được ghi nhận vào quý 3/2024.

Được biết, Đầm Nại là dự án điện gió thuộc sở hữu nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1.5 ngàn tỷ đồng, đi vào hoạt động từ năm 2018, gồm 15 turbine cho tổng công suất hơn 39MW.

Dự án điện gió Đầm Nại

CTCP Điện gió Đầm Nại – đơn vị vận hành dự án được thành lập từ tháng 08/2016, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phong điện, với người đại diện pháp luật là Chủ tịch HĐQT Jean Francois Pierre Peron (quốc tịch Pháp). Vốn điều lệ ban đầu gần 22.9 tỷ đồng, với 64.4% là vốn nước ngoài, và 35.6% là vốn tư nhân. Doanh nghiệp có 3 cổ đông sáng lập, gồm Công ty TNHH Vòng tròn Xanh Việt Nam (trụ sở tại Đa Kao, Quận 1, TP.HCM, do ông Paron đại diện phần vốn), nắm giữ 81.2% vốn điều lệ; và 2 doanh nghiệp từ Singapore do cá nhân Olivier Michel Rene Duguet đại diện phần vốn, gồm Mekong Wind Pte. Ltd., nắm 15.4%, và The Blue Circle Pte. Ltd., nắm phần còn lại.

Tuy nhiên vào 21/06/2017, các cổ đông sáng lập vẫn giữ nguyên, nhưng toàn bộ phần vốn góp đều do Mekong sở hữu. Tháng 08/2017, vốn điều lệ của Đầm Nại tăng lên hơn 193.5 tỷ đồng, toàn bộ vẫn do Mekong sở hữu.

Đến tháng 07/2018, đại diện pháp luật của Đầm Nại bổ sung thêm ông Edward Thomas Douglas (quốc tịch Anh) - Chủ tịch HĐQT, còn ông Peron lúc này là Tổng Giám đốc. Sau đó vào tháng 09/2018, vốn điều lệ tiếp tục tăng lên hơn 304.5 tỷ đồng, với cơ cấu cổ đông giữ nguyên. Đến ngày 08/10 cùng năm, ông Đỗ Văn Điện thay thế vai trò đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc của ông Peron, đồng hành cùng ông Douglas.

Năm 2020, vị trí này tiếp tục có sự thay đổi. Ông Andrew Mark Affleck (quốc tịch Anh) cùng ông Nguyễn Lê Anh Bình lần lượt trở thành Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc, kiêm đại diện pháp luật.

Nhưng vào đầu năm 2021, dự án đổi chủ với việc SN Power Vietnam Renewable S.B.V sở hữu 100% vốn cổ phần. Quá trình đổi chủ cũng khiến dàn lãnh đạo của Đầm Nại biến động khá mạnh. Vị trí đại diện pháp luật được chuyển sang Chủ tịch HĐQT Torbjorn Elliot Kirkeby (Na Uy), và Tổng Giám đốc Huỳnh Đình Hiệp. Đến tháng 4/2021, ông Hiệp rời đi, người thay thế là Tổng Giám đốc Trần Việt Ngọc Trang. Nhưng chỉ sau đó 1 tháng, vào cuối tháng 5/2021, vị trí Tổng Giám đốc được chuyển sang cho bà Nguyễn Thị Mỹ Linh. Bà Linh cũng là đại diện pháp luật thời điểm này, bên cạnh ông Kirkeby.

SN Power nắm 100% vốn vào năm 2021, ở thời điểm sáp nhập cùng Scatec
Nguồn: Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp

Đến tháng 1/2023, ông Mark Chandran Ravunni (người Malaysia) thay ông Kirkeby làm Chủ tịch HĐQT, kiêm vai trò đại diện pháp luật cùng bà Linh.

Bà Mỹ Linh cũng là Giám đốc kiêm đại diện pháp luật cho dự án nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp tại thôn Hội Vân, xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát, do CTCP Năng lượng Công nghệ cao TTP Bình Định làm chủ đầu tư. Nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp do 2 cổ đông chính là Công ty Quadran International (Pháp) và Tập đoàn Trường Thành Việt Nam góp vốn, với tổng vốn hơn 1,030 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích hơn 60ha. Nhà máy có công suất 49.5MWp, được lắp 150 nghìn tấm pin mặt trời và đường dây truyền tải điện 110 kV mạch kép đấu nối về trạm biến áp 110 kV Phù Cát, dài 5.5km. Nhà máy đi vào vận hành thương mại, hàng năm cung cấp lên lưới điện quốc gia bình quân khoảng 78 triệu kWh.

Hải Âu

FILI

Các tin tức khác

>   Thủ tướng chủ trì phiên họp về 40 dự án GTVT trọng điểm, quan trọng quốc gia (17/09/2024)

>   Nguồn cung mặt bằng thiếu, giá thuê tăng cao là thách thức lớn cho ngành bán lẻ cao cấp (17/09/2024)

>   Trại heo giống gần 1.9 ngàn tỷ của Thagrico Bình Định được tăng diện tích, giãn tiến độ (17/09/2024)

>   Cước vận tải biển lao dốc khi xuất khẩu Trung Quốc chững lại (17/09/2024)

>   TPHCM: Rau xanh tăng giá, thủy hải sản 'đứt' hàng (17/09/2024)

>   Sắp có nhà máy cà phê hơn 2,000 tỷ đồng tại Bình Định, đi vào hoạt động từ tháng 1/2028 (16/09/2024)

>   Thêm tin vui cho gạo Việt Nam (16/09/2024)

>   McDonald’s đóng cửa chi nhánh Bến Thành sau 10 năm hoạt động (16/09/2024)

>   Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về phát triển bền vững kinh tế biển (16/09/2024)

>   Đại gia bán lẻ Takashimaya đặt tầm ngắm tới giới thượng lưu Việt Nam (16/09/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật