Người lớn… diễn xuất ở mái ấm Hoa Hồng!
“Tôi có ước mơ xây dựng một mái ấm thật tiện nghi, hiện đại cho các bé. Tôi hay nói rằng sẽ biến khách sạn này thành mái ấm 5 sao. Các phòng trong khách sạn đã đầy đủ tiện nghi. Tuy nhiên, để biến nó trở thành phòng nuôi trẻ còn phải đầu tư thêm. Hiện, tôi đã lên kế hoạch và đang thực hiện để các bé được nuôi dưỡng, chăm sóc trong môi trường, điều kiện tốt nhất”. (trích trong bài báo “Nữ đại gia từng “ngày nhặt ve chai, đêm ngủ nghĩa địa” xây khách sạn, nuôi trăm trẻ nghèo”).
Và đây là những hình ảnh, cũng do báo chí phanh phui, những đứa trẻ chỉ mới 1-2 tuổi, có cả sơ sinh bị 3 bảo mẫu thay nhau đánh, đá, tát, dùng cây đánh vào lòng bàn chân, ghì người, bóp mũi đổ thuốc, chửi rủa, văng tục… Cứ tưởng như đó là hình ảnh, câu chuyện của hai thế giới khác nhau. Kỳ thực, chúng đều diễn ra dưới mái ấm Hoa hồng, một bên là lời phát biểu của chủ nhân mái ấm trên báo, một bên là thực tế diễn ra nhiều ngày bên trong mái ấm.
Thật lòng, cho đến giờ tôi vẫn tin vào lòng nhân ái, hướng thiện đã từng dậy lên ở cô gái 16 tuổi Giáp Thị S.H. từ Đồng Nai lên TPHCM mưu sinh. Bởi cô đã làm công việc thiện nguyện ấy gần 30 năm qua trong những hoàn cảnh có lúc khó khăn, khốn khổ. Thế nhưng, vì sao chính cô lại để xảy ra, tồn tại ngay trong cái “mái ấm 5 sao” ấy tấn trò đời bất nhẫn với những đứa trẻ mà cô thương yêu, đùm bọc?
Theo như cô trình bày tại cơ quan chức năng, việc các cháu bé bị ngược đãi là hành động bộc phát của các bảo mẫu trong lúc chăm sóc nuôi dạy các cháu, cô khai mình không biết chuyện bảo mẫu ngược đãi các cháu bé và mái ấm của cô không có chủ trương với hành vi này. Nhưng, so với giấy phép quy định “số lượng không quá 39 trẻ” thì cơ sở này nuôi đến 85 trẻ. Với con số vượt quá mức cho phép như thế cộng với quá trình tuyển dụng bảo mẫu, người chủ - với tư cách “mẹ H.” phải nắm rõ tâm - tính của từng bảo mẫu để có sự giám sát, theo dõi, nhắc nhở trong suốt quá trình nuôi, giữ trẻ. Đằng này, cho dù biện minh với bất kỳ lý do nào, là hành vi bộc phát; là do nóng tính, chủ quan; là do trẻ đông, quấy khóc cùng lúc nên các cô mất kiểm soát… thì hành vi quăng quật các cháu, đánh thẳng tay, rủa xả trẻ như thực tế, lại diễn ra nhiều lần, nhiều ngày, không có công cụ giám sát là không thể dung thứ được.
Cần biết điều này, khi sự việc bị phanh phui, những người lớn sống quanh mái ấm nói với báo chí rằng họ thường nghe thấy tiếng trẻ khóc la, tiếng bảo mẫu quát tháo, đánh trẻ, họ tìm cách tiếp cận bên trong nhưng không được, chỉ những Mạnh Thường Quân mới có thể vào.
Vậy bà chủ - “mẹ H.” có thường xuyên đến thăm các con, nếu đến vì sao không nghe, không thấy vấn nạn bạo hành? Ngay cả khi mấy “ác mẫu” toàn đánh đập trẻ vào những khung giờ tối, khuya, sáng sớm để tránh tai mắt thì nếu yêu thương, quan tâm con trẻ sẽ nhận ra phản xạ bất thường của trẻ hay những hậu quả để lại trên thân thể, tâm tính của các con.
Đó là chưa kể, cách đây 2 tháng, đoàn công tác của Ủy ban MTTQ Việt Nam Q.12 và các phòng ban đã giám sát Mái ấm Hoa Hồng, cơ sở này đáp ứng về điều kiện hoạt động, hồ sơ pháp lý, số lượng trẻ cũng ít hơn. Hay các loại giấy phép mà cơ sở này đang sở hữu đầy đủ cùng hình ảnh, câu chuyện “truyền cảm hứng” của chủ nhân mái ấm đã rải “hoa hồng” lên thế giới của những đứa trẻ bất hạnh. Mà không hề hay cuộc sống của chúng toàn bị “gai nhọn” đâm phải qua mỗi ngày.
Giờ thì những đứa trẻ ấy đã được giải cứu. Giờ thì những người lớn đang cho thấy họ trách nhiệm như thế nào sau khi đã kéo dài sự… vô trách nhiệm với trẻ? Trong đó có việc Sở LĐTB-XH sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát tại 16 cơ sở xã hội công lập, 63 cơ sở xã hội ngoài công lập, không để có vụ việc đáng tiếc xảy ra như vụ trẻ bị ngược đãi tại mái ấm Hoa Hồng.
Nhưng, như cũng đã từng có đoàn kiểm tra và xác nhận “đảm bảo” mái ấm Hoa Hồng đủ các điều kiện hoạt động ngay trong khi những đứa trẻ bị hành hạ vào mỗi đêm khuya, sáng sớm…
Quốc Học
FILI
|