Fed đứng trước ngã ba đường: Cắt giảm lãi suất 0.25 điểm phần trăm liệu có đủ?
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp khởi động quá trình nới lỏng chính sách tiền tệ trong tháng này khi lạm phát hạ nhiệt và thị trường lao động chậm lại. Câu hỏi lớn đặt ra lúc này là liệu một đợt cắt giảm lãi suất nhỏ có đủ để giữ cho nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng hay không.
Báo cáo việc làm mới nhất đã vẽ nên một bức tranh không mấy lạc quan. Tốc độ tuyển dụng tại Mỹ trong ba tháng qua đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ thời điểm đại dịch bùng phát năm 2020. Điều này đã đặt ra một thách thức lớn cho Fed: Họ nên cắt giảm lãi suất mạnh tay hay thận trọng từng bước nhỏ?
Báo cáo này cũng châm ngòi một cuộc tranh luận gay gắt trong nội bộ Fed. Trong khi Chủ tịch Fed Jerome Powell cởi mở với việc cắt giảm lớn hơn để đảm bảo NHTW không bị tụt lại phía sau, thì các quan chức khác "vẫn đang do dự về mức 0.25 điểm phần trăm", theo Diane Swonk, Chuyên gia kinh tế trưởng tại KPMG.
Tình hình hiện tại đang rất căng thẳng. Dưới thời Powell, Fed đã mắc sai lầm khi hành động quá muộn để dập tắt đợt lạm phát tồi tệ nhất kể từ đầu những năm 1980, làm suy yếu sức mua của các hộ gia đình Mỹ. Nếu họ lại chậm chân lần này, Fed có thể làm tăng tỷ lệ thất nghiệp và đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
"Powell hẳn đang nghĩ về di sản của mình lúc này, và ông ấy thực sự phải tạo ra cú hạ cánh mềm (soft landing - tức kéo giảm lạm phát mà không gây ra suy thoái)", Swonk nói.
Lựa chọn mà các quan chức Fed đang đối mặt - bắt đầu nới lỏng dần dần hay mạnh tay cắt giảm lãi suất ngay từ đầu - chắc chắn sẽ gây tranh cãi, như thường xảy ra trong các thời điểm chuyển hướng của chính sách tiền tệ.
Khi hầu hết các chỉ số hoạt động kinh tế hiện đều hạ nhiệt rõ rệt, một số nhà kinh tế cho rằng việc áp dụng cách tiếp cận thận trọng có nhiều rủi ro hơn là hành động quyết liệt. Tỷ lệ thất nghiệp tăng có thể nhanh chóng trở thành một vòng luẩn quẩn khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, từ đó khiến nhiều công ty phải sa thải nhân viên. Hiện tại, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng gần 1 điểm phần trăm so với mức đáy của năm ngoái, kích hoạt một chỉ báo suy thoái phổ biến được gọi là "quy tắc Sahm".
"Điều này đặt ra một số câu hỏi nghiêm túc, không chỉ về cuộc họp này, mà còn trong vài tháng tới rằng làm thế nào để mọi thứ không trở nên tồi tệ hơn”, Chủ tịch Fed Chicago Austan Goolsbee nói trên CNBC trong ngày 06/09.
Một báo cáo khác của Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố ngày 04/09 cho thấy số lượng cơ hội việc làm trong tháng 7 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021. Tỷ lệ cơ hội việc làm trên số người thất nghiệp - từng tăng vọt lên mức 2:1 (tức một người có hai cơ hội) tại đỉnh điểm của tình trạng thiếu hụt lao động thời kỳ đại dịch - giờ đã trở lại mức khoảng 1:1.
Rung lắc mạnh sau báo cáo việc làm
Trước đó, tại hội nghị thường niên của Fed ở Jackson Hole, Chủ tịch Powell cho biết ông và các đồng nghiệp "không hoan nghênh thị trường lao động tiếp tục hạ nhiệt".
Tim Duy, Chuyên gia kinh tế trưởng Mỹ tại SGH Macro Advisors, nhận định: "Powell đang cố gắng kéo Fed theo hướng ôn hòa hơn. Nếu nền kinh tế bất ngờ chậm lại, lãi suất cao sẽ khiến việc điều chỉnh trở nên khó khăn hơn".
Chủ tịch Fed Jerome Powell
|
Thị trường tài chính đã biến động mạnh trong phiên 06/09 vì báo cáo việc làm tháng 8/2024 và các bình luận của quan chức Fed.
Lúc đầu, báo cáo việc làm tháng 8 khiến thị trường tăng đặt cược vào khả năng Fed cắt giảm 0.5 điểm phần trăm, nhưng sau đó giảm trở lại khi Thống đốc Fed Christopher Waller gợi ý rằng việc cắt giảm 0.5 điểm phần trăm khó có thể xảy ra và cần có thêm các số liệu trong những tháng tới.
Chính phủ sẽ công bố thêm hai báo cáo việc làm cho tới cuộc họp tháng 11/2024. Các nhà đầu tư hiện đang đặt cược có hơn 50% xác suất Fed giảm 0.5 điểm phần trăm tại các cuộc họp tháng 11 và tháng 12.
"Fed thường có xu hướng từ từ", Stephen Juneau, Chuyên gia kinh tế tại Bank of America nói. "Họ không muốn gửi tín hiệu sai lầm cho thị trường nếu hoạt động kinh tế vẫn đang ổn định, và nhìn chung, nền kinh tế Mỹ vẫn có vẻ đang hoạt động tốt”.
Việc cắt giảm 0.25 điểm phần trăm trong tháng này và hai lần cắt giảm 0.5 điểm phần trăm vào tháng 11 và tháng 12 sẽ đưa phạm vi mục tiêu cho lãi suất chuẩn của ngân hàng trung ương xuống 4%-4.25% - một mức vẫn cao hơn nhiều so với mức mà hầu hết các quan chức Fed coi là "trung lập" (neutral rate), tiếp tục gây áp lực lên hoạt động kinh tế.
Rủi ro lạm phát
Một số quan chức Fed gần đây vẫn lo ngại về rủi ro tăng lạm phát nếu NHTW cắt giảm lãi suất quá nhanh và kích thích hoạt động kinh tế. Chỉ số lạm phát ưa thích của Fed ở mức 2.5%, vẫn cao hơn một chút so với mục tiêu 2% của họ.
Những nhà hoạch định chính sách này cũng có thể chỉ ra xu hướng sa thải vẫn ở mức thấp dù tốc độ tuyển dụng đã chậm lại.
"Lịch sử nói với chúng ta rằng việc nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm là một canh bạc nguy hiểm, vì có thể khơi dậy lạm phát và khiến nó ăn sâu vào nền kinh tế trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm", Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic viết trong một bài luận được công bố ngày 04/09.
Đối với Powell, sự chậm lại của thị trường lao động có nguy cơ đảo ngược thành tích của Fed. Trong năm 2022 và 2023, họ đã bắt đầu chu kỳ thắt chặt quyết liệt nhất trong 4 thập kỷ nhằm kiềm chế lạm phát. Việc đưa lạm phát “trở lại mặt đất” mà không gây ra suy thoái sẽ là một thành tựu hiếm có. Và điều này có thể phụ thuộc vào một vài quyết định lãi suất tiếp theo.
"Bạn nên hành động ngay bây giờ khi sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp còn tương đối lành mạnh hơn là chờ đợi cho đến khi nó trở nên quá rõ ràng đến mức bạn đã quá muộn", Neil Dutta, trưởng bộ phận kinh tế tại Renaissance Macro Research nói.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|