Đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo chí
So với quy định hiện hành, dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đã bổ sung quy định áp dụng thuế suất ưu đãi 15% đối với thu nhập của các cơ quan báo chí từ các hoạt động báo chí khác ngoài báo in.
Ngày 23-9, tại phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Dự thảo luật đã có sửa đổi, bổ sung quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên 37 vào ngày 23-9
|
Trình bày tờ trình tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết dự thảo Luật đã bổ sung quy định áp dụng thuế suất ưu đãi 15% đối với thu nhập của các cơ quan báo chí từ các hoạt động báo chí khác ngoài báo in (giảm 5% so với hiện hành - PV). Riêng báo in tiếp tục áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% như quy định hiện hành.
Trước đó, lý giải về nội dung sửa đổi này, Bộ Tài chính dẫn kiến nghị của các cơ quan báo chí cũng như Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cho rằng bên cạnh hoạt động báo in, các cơ quan báo chí hiện có nhiều loại hình báo chí khác cũng phục vụ nhiệm vụ chính trị, cung cấp thông tin thiết yếu như báo nói, báo hình, báo điện tử.
Trong khi đó, cùng với sự phát triển bùng nổ của công nghệ, mạng xã hội, nguồn thu từ quảng cáo của các cơ quan báo chí sụt giảm rất lớn. Việc hạch toán riêng các nguồn thu để khai, nộp thuế cũng ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan báo chí. Do đó, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về áp dụng chính sách ưu đãi thuế TNDN cho tất cả loại hình báo chí để tạo điều kiện hỗ trợ báo chí.
Trở lại với dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết bổ sung quy định áp dụng mức thuế suất ưu đãi 17% trong 10 năm đối với: Dự án đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; dự án đầu tư tại khu kinh tế nhưng không nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi đối với một số trường hợp cho phù hợp với thực tiễn, bao gồm doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, dự án ứng dụng công nghệ cao... để khắc phục các bất cập, vướng mắc từ thực tiễn.
Tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nêu rõ, dự thảo Luật được sửa đổi theo hướng mở rộng diện các khoản thu nhập được miễn thuế so với quy định hiện hành.
Thường trực Ủy ban cho rằng cần rà soát kỹ lưỡng các nội dung liên quan đến thu nhập được miễn thuế, chỉ đề xuất bổ sung vào diện thu nhập miễn thuế đối với các trường hợp thực sự cần thiết, hạn chế tối đa việc mở rộng diện thu nhập được miễn thuế. Đồng thời, cần quy định chặt chẽ để tránh các trường hợp lợi dụng quy định để kê khai làm giảm nghĩa vụ thuế phải nộp, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước.
Về thuế suất đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng dự thảo Luật quy định theo hướng chỉ áp dụng chính sách ưu đãi thuế suất không giới hạn về thời gian đối với các doanh nghiệp có tổng mức doanh thu năm không quá 50 tỉ đồng, không áp dụng ưu đãi đối với tất cả các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Do đó, đề nghị Chính phủ làm rõ cơ sở đề xuất các nội dung sửa đổi thể hiện trong dự thảo Luật, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Đồng thời, đề nghị làm rõ căn cứ để xác định các mức ngưỡng doanh thu để xác định phạm vi các doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng thuế suất ưu đãi.
Minh Chiến
Người lao động
|