Cần phát huy sức mạnh công nghệ trong cứu trợ vùng thiên tai
Hình ảnh máy bay không người lái của nhóm cứu trợ Hà Tĩnh vận chuyển nhu yếu phẩm cho một số vùng sâu bị cô lập bởi ngập lụt ở Yên Bái đã cho thấy công nghệ được phát huy đúng lúc đúng nơi sẽ mang lại hiệu quả vô cùng hữu ích.
Sau khi tập hợp lượng hàng hóa lớn, vận chuyển ngay bằng đường bộ, nhóm tính toán phải mang theo các thiết bị không người lái gồm thiết bị khảo sát để khảo sát địa hình để xem khu vực nào bị sạt lở hay đang bị cách ly, cô lập. Thiết bị tầm nhiệt sẽ hỗ trợ xác định số người trong vùng, hoặc trong đống đổ nát. Thiết bị hỗ trợ duy trì ở những vùng không có nhiệt, không có sóng và cuối cùng là thiết bị mang theo nhu yếu phẩm, kể cả pin xạc dự phòng thả xuống cho đồng bào.
Với cách thức trên, trong 3 ngày ở Yên Bái, nhóm cứu trợ Hà Tĩnh đã phát hơn 200 suất quà đến tận hộ gia đình. Nhóm tiếp tục di chuyển qua Lào Cai để cứu hộ bà con bằng hình thức tương tự.
Rõ ràng, nếu so với 25 năm trước, khi xảy ra cơn lụt lịch sử 1999, cô lập gần như toàn bộ Huế, Quảng Nam, chúng tôi theo đơn vị hàng không quân sự bay đến các làng, xã bị cô lập để thả hàng hóa xuống cho bà con thì hiện nay, với hỗ trợ đắc lực của công nghệ không người lái, việc tiếp cận và cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân vùng lũ lụt hiệu quả hơn, tính an toàn cao hơn.
Song vấn đề đặt ra là cần có một chính sách nhất quán, một cơ quan điều hành tập trung cao nhất trong chỉ đạo chung, tập hợp thông tin đầy đủ, chính xác, cụ thể theo từng vùng, địa điểm; một hệ thống kho bãi tập hợp hàng hóa với phương tiện, lực lượng vận chuyển đi cùng hoạt động điều phối diễn ra liên tục, hợp lý. Tất cả phối hợp đồng bộ thì sẽ khắc phục các bất cập trong chuỗi ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Ngược lại, như những ngày qua, do thiếu thông tin chuẩn, thiếu sự phối hợp nên có nơi, hàng hóa tập hợp về nhiều nhưng không có phương tiện chuyên chở, không có cách thức tiếp cận địa bàn nên các mặt hàng thực phẩm sau mấy ngày ùn ứ, không có chế độ bảo quản đã phải bỏ đi.
Ông Trần Sỹ Pha, Trưởng Ban Quản lý thảm họa, Trung ương Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam đưa ra những khuyến cáo: “Chúng ta nên sử dụng hệ thống vận chuyển hàng hóa thông qua Bưu điện Việt Nam, vận chuyển miễn phí hàng hóa cứu trợ đến 12 tỉnh thành vùng thiên tai. Các hoạt động cứu trợ nên ứng dụng công nghệ để hỗ trợ như chuyển khoản tiền qua các nền tảng gây quỹ để đảm bảo hiệu quả, an toàn”.
Cũng ứng dụng công nghệ vào công tác huy động nguồn lực đóng góp nhằm hỗ trợ đồng bào vùng chịu thiệt hại nặng nề, vừa qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM và TikTok Việt Nam ký kết hợp tác truyền thông nhằm kêu gọi ủng hộ đồng bào cũng như lan tỏa các thông điệp ý nghĩa của thành phố.
Với chương trình hợp tác này, các KOL (người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội), KOC (người tiêu dùng có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường) sẽ đồng hành cùng thành phố lan tỏa chiến dịch kêu gọi ủng hộ đồng bào vùng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi. Điều đáng ghi nhận là thông qua nền tảng này, các hình thức livestream và sử dụng streamer để khai thác donation - một hình thức ủng hộ từ thiện ngay trên phiên trực tiếp lên sóng để gửi đến đồng bào.
Hoặc, cũng tại TP.HCM, ngày 12-9 vừa qua, Ngân hàng thực phẩm Việt Nam (Food Bank Việt Nam) và các đối tác tổ chức buổi ra mắt “Chiến dịch hỗ trợ thực phẩm khẩn cấp S.O.S Food” nhằm hỗ trợ kịp thời các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng bởi bão lũ, thiên tai và người yếu thế tại các địa phương. Dự án "Thực phẩm khẩn cấp - S.O.S Food" là sáng kiến của Mạng lưới Ngân hàng Thực phẩm Việt Nam nhận được sự bảo trợ từ Ủy ban MTTQ TP.HCM tập trung vào việc cung cấp thực phẩm dinh dưỡng và an toàn, nhanh chóng, kịp thời đến những khu vực bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão, lũ, thông qua sự liên kết chặt chẽ với các đối tác là doanh nghiệp sản xuất và phân phối thực phẩm cũng như ứng dụng công nghệ để triển khai các kế hoạch hành động.
Các hoạt động của S.O.S Food cũng thực hiện các hoạt động bền vững gắn với sinh kế sau thiên tai, bão lũ,... khuyến khích sản xuất các loại thực phẩm khẩn cấp và sinh tồn, những loại thực phẩm có thể bảo quản lâu dài và dễ dàng vận chuyển trong điều kiện khó khăn, khắc nghiệt của thiên tai.
Ứng dụng công nghệ để thu thập dữ liệu, phân tích và điều phối các hoạt động, chương trình cứu trợ là nhiệm vụ của Hệ thống ứng phó thiên tai thảm họa ở tầm quốc gia cần sớm hình thành, vận hành. Bởi một khi thiết lập quy trình, có chỉ đạo đi kèm chính sách thì phần còn lại là mạng lưới công nghệ, thiết bị IT là điều không quá khó khăn. Nhờ đó, chúng ta tận dụng sức mạnh công nghệ, giảm lược sức người, đảm bảo cho chiến dịch cứu trợ đồng bào vùng thiên tai - dịch bệnh nhanh chóng, hiệu quả, an toàn như mong muốn.
Quốc Học
FILI
|