TẬP SAN IR AWARDS 2024
PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Trở thành doanh nghiệp số - Điểm khác biệt trong chiến lược kinh doanh của MB
Khởi đầu hành trình chuyển đổi số từ năm 2017, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB, HOSE: MBB) đã mạnh mẽ chuyển đổi để trở thành một trong những ngân hàng năng động, hiệu quả và có tỷ lệ số hóa hàng đầu.
Nhận thức sớm về cơ hội của chuyển đổi số, MB đã xác định rõ đây là mục tiêu chiến lược trong vòng 5 năm qua. Ngoài đầu tư vào hạ tầng công nghệ hiện đại, MB còn tập trung đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.
Với đội ngũ 2,000 nhân sự công nghệ thông tin, chiếm 10% tổng nhân sự, số lượng dự án tự động hóa của MB năm 2023 gấp 1.5 lần so với năm 2022. Công nghệ AI, Machine Learning, Deep Learning được tích hợp trong hoạt động chăm sóc khách hàng và vận hành nội bộ. Nền tảng công nghệ thông tin giúp MB định hình chính sách, thúc đẩy kinh doanh và phát hiện rủi ro sớm. Ứng dụng mô hình tăng nhận diện sớm và cảnh báo rủi ro giúp kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp - chỉ khoảng 1.6%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình ngành ngân hàng.
Hướng tới trải nghiệm khách hàng tối ưu và hiệu quả hệ thống, MB liên tục áp dụng sáng kiến cải tiến, bắt đầu với những "phép thử" nhỏ và chi tiết, tránh đầu tư lớn mà không có kiểm nghiệm kỹ lưỡng.
"Sau mỗi phép thử là giai đoạn kiểm nghiệm. Nếu có kết quả mong muốn, mới chuyển sang đầu tư lớn hơn", ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch HĐQT MB từng chia sẻ tại Diễn đàn Kinh doanh 2023.
Nền tảng công nghệ thông tin được đầu tư tiêu chuẩn cùng chiến lược hấp dẫn khách hàng trên hệ sinh thái số đa dạng, MB đã duy trì đà tăng trưởng khách hàng bền vững qua từng năm. Theo cập nhật của Chủ tịch Lưu Trung Thái tại Hội nghị Nhà đầu tư vừa tổ chức mới đây, đến ngày 04/08/2024, MB đã chính thức đạt con số 28 triệu khách hàng, đến gần hơn với mục tiêu đạt 30 triệu khách hàng trước thềm sinh nhật 30 tuổi (4/11/1994 - 4/11/2024).
Bên cạnh đó, chuyển dịch số toàn diện đáp ứng gần 1.6 tỷ giao dịch tài chính trên kênh số (gấp 1.7 lần cùng kỳ năm 2023), tỷ lệ chuyển đổi số đạt 99%; quy mô giao dịch chuyển tiền của MB qua NAPAS đứng đầu hệ thống trong 3 năm liên tiếp (2021-2023).
Đáng chú ý, MB tiếp tục duy trì tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) dẫn đầu thị trường với mức gần 39%, nhờ nền tảng khách hàng lớn và giao dịch qua kênh số. Lợi thế này giúp MB tiết kiệm chi phí vốn đầu vào và tăng hiệu quả kinh doanh đáng kể. Tỷ lệ CIR riêng Ngân hàng ở mức xấp xỉ 27.4%, quản trị chi phí hiệu quả; tiết kiệm chi phí huy động vốn COF gần 3.22%, tính đến hết tháng 6/2024. Tăng trưởng doanh thu bình quân 18-20%/năm và lợi nhuận có năm tăng đến 35% trong 5 năm qua.
Nguồn: VietstockFinance
Sẽ là thiếu sót khi không nhắc đến App MBBank trong hành trình chuyển đổi số tại MB khi lọt vào top những ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên App Store Việt Nam trong vòng 3 năm liên tiếp.
MB đã không chỉ giới thiệu một ứng dụng "tất cả trong một" độc đáo cho khách hàng, mà còn xây dựng một hệ sinh thái với hơn 200 Mini App được tích hợp trên ứng dụng, đồng thời cá nhân hóa hiển thị theo nhu cầu và thói quen cụ thể của từng khách hàng.
Chợ ứng dụng Mini App (MB Market Place) được xây dựng và phát triển với mục tiêu góp phần chuyển đổi App MBBank thành một nền tảng siêu ứng dụng, tích hợp nhiều dịch vụ non-bank (phi ngân hàng) trên một nền tảng để phục vụ các nhu cầu khác nhau hàng ngày của hơn 20 triệu người dùng.
Không chỉ mang đến nhiều tiện ích cho người dùng, chợ ứng dụng Mini App còn được đánh giá là mô hình thân thiện với các doanh nghiệp và đối tác công nghệ. Chỉ trong 8 tháng đầu ra mắt, chợ ứng dụng Mini App đã nhận được sự tham gia của hơn 50 doanh nghiệp, trong đó có những thương hiệu lớn như Viettel, Medlatec, Sendo… Nói cách khác, MB đã kết nối thành công dịch vụ kinh doanh của hơn 50 doanh nghiệp khác nhau đến 20 triệu khách hàng của MB thông qua nền tảng số.
“Chợ ứng dụng Mini App đặt trên App MBBank là một bước đột phá về mặt công nghệ cũng như mô hình, biến app ngân hàng trở thành một siêu ứng dụng”, đại diện MB cho hay.
Không những thế, quá trình số hóa của MB có bước tiến quan trọng khi xây dựng trung tâm BAAS (Banking as a Service), chính thức triển khai năm 2022. Thời điểm này, MB có 112 khách hàng trước khi đạt 12,688 khách hàng tính đến hết năm 2023. Số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ BAAS của MB hiện đứng đầu thị trường, dự kiến đến hết năm 2024 đạt 150,000 khách hàng. Bên cạnh đó, doanh số giao dịch qua BAAS giữ vị trí số 1 thị trường, dự kiến đạt 500,000 tỷ đồng đến hết năm nay.
Theo ông Lưu Trung Thái, BAAS là dịch vụ đặc biệt phù hợp với các doanh nghiệp chuỗi khi giúp quá trình bán hàng tự động hóa nhanh chóng. “Đây là hướng đi mới và rất có triển vọng”, ông chia sẻ
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Tổng Giám đốc Phạm Như Ánh cho biết, mục tiêu của MB trong giai đoạn từ nay đến năm 2026 sẽ tập trung vào việc tăng tốc chuyển đổi số, không chỉ trở thành một ngân hàng số mà còn hướng tới trở thành một doanh nghiệp số.
“Điều này là đặc điểm nổi bật của MB trên thị trường. Mục tiêu của MB là đạt được 50-70% doanh thu từ kênh số trong tương lai”, ông Ánh chia sẻ.
Sự phát triển của doanh nghiệp số sẽ tiếp tục tập trung vào 2 nền tảng chính là ứng dụng App MBBank (dành cho khách hàng cá nhân) và BIZ MBBank (dành cho khách hàng doanh nghiệp). MB sẽ đưa ra thị trường những sản phẩm cá nhân hóa phục vụ tốt nhất cho từng khách hàng.
Cũng tại sự kiện Hội nghị Nhà đầu tư, để tạo nên sự khác biệt, Chủ tịch Lưu Trung Thái cho biết, ngoài việc kiên định với các mục tiêu đã đề ra, Ngân hàng tập trung vào 3 điểm cốt yếu: (1) Chú trọng phát triển khách hàng và quy mô giao dịch; (2) Tập trung cao vào bán lẻ, tạo ra các sản phẩm mới và tăng quy mô bán lẻ; (3) Đầu tư cho nền tảng và kinh doanh nền tảng số.
Gắn liền với các điểm cốt yếu là 2 vấn đề xương sống: (1) Quản trị rủi ro thông minh vượt trội và (2) Xây dựng văn hóa doanh nghiệp có bản sắc, phát triển bền vững và có khả năng học tập, sáng tạo cao.
Song song với chiến lược phát triển kinh doanh, năm nay, MB cũng sẽ triển khai xây dựng chiến lược ESG toàn diện. Đến nay, MB đã triển khai nhiều sáng kiến thúc đẩy phát triển bền vững trong và ngoài MB.
Điển hình là MB đã xây dựng Chiến lược Phát triển bền vững tập đoàn tích hợp chiến lược kinh doanh, với tầm nhìn và sứ mệnh hướng tới 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc và Chính phủ, định hướng hoạt động tích hợp tiêu chuẩn quốc tế về môi trường - xã hội - quản trị trong mọi hoạt động vận hành và dịch vụ của Ngân hàng.
MB chú trọng xây dựng chính sách cho các sản phẩm xanh đa dạng, phù hợp tiêu chí 12 nhóm ngành xanh quốc gia và dễ dàng tiếp cận cho doanh nghiệp. Tỷ trọng tín dụng xanh trên quy mô tín dụng của toàn Ngân hàng ở mức cao, khoảng 11% trong năm 2023. Tính đến hết ngày 30/6/2024, tín dụng xanh trên toàn MB đạt 63,633 tỷ đồng, chiếm khoảng 9.5% quy mô tín dụng; tập trung vào lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và nông - lâm nghiệp bền vững.
Bên cạnh đó, MB cũng sử dụng các nền tảng số nhằm đẩy mạnh hiệu quả vận hành và giảm thiểu tác động đến môi trường. Hiện, hơn 90% các hoạt động vận hành nội bộ đã được thực hiện kênh số, 100% khu vực văn phòng được tích hợp các không gian xanh, thân thiện với môi trường, tạo động lực và nâng cao năng suất lao động cho mỗi cán bộ nhân viên.
Hãy bình chọn Doanh nghiệp niêm yết có hoạt động IR tốt nhất năm 2024 cho MBB từ ngày 01/08/2024 đến 14/08/2024 tại website của Chương trình IR Awards 2024 (ir.viestock.vn).
|
Cát Lam
Thiết kế: Tuấn Trần
FILI
|