TP.HCM với thông điệp phát triển kinh tế của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm
Ngày 03/08, sau khi được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Tổng Bí thư, tại buổi họp báo trong nước, quốc tế, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định sẽ phát huy cao nhất tinh thần "tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc". Cùng với đó là phương châm: Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần, bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên…
10 ngày sau đó, hôm 13/08, tại cuộc họp của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng Tiểu ban đã cho ý kiến vào bản dự thảo, trong đó ông nhấn mạnh văn kiện phải tập trung các nội dung như: Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững đất nước, củng cố tiềm lực quốc gia…, mở rộng không gian phát triển, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh thông qua tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế phát triển…
Và mới nhất, ngày 14/08, tại phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thông điệp mà người đứng đầu Đảng, Nhà nước đưa ra là: “Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không vì đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế, xã hội”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm - Ảnh: VGP
|
Có thể thấy, trong bối cảnh nhiều xung đột, mâu thuẫn, biến động phức tạp, khó lường của thế giới, Việt Nam không tránh khỏi; kể cả những hệ lụy tất yếu của hoàn cảnh nội tại thì thông điệp xuyên suốt, nhất quán và mạnh mẽ trong việc tập trung tháo gỡ khó khăn để phục hồi, phát triển kinh tế của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là hết sức đúng đắn, cần thiết, hữu ích. Hiện thực hóa thông điệp ấy trong thời gian còn lại của năm bản lề 2024 này sẽ góp phần quan trọng tạo đà cho năm 2025 - năm có nhiều cột mốc lịch sử, chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
TP.HCM với trọng trách đầu tàu kinh tế của cả nước đã cho thấy trách nhiệm tự thân rất lớn khi chỉ trong nửa đầu tháng 8, nhân sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 98 về phát triển TP.HCM theo cơ chế đặc thù đã “nhìn thẳng vào sự thật” để tiếp tục kiến nghị tháo gỡ vướng mắc từ phía Bộ, ngành, nhằm thúc đẩy các dự án, chương trình được áp dụng cơ chế mới.
Về phía thành phố, ngày 12/08, UBND TP.HCM ban hành Chỉ thị 12 về các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố đến năm 2025. Với 7 nhóm giải pháp hành động đi cùng 6 mục tiêu cụ thể, về cơ bản nó không hẳn là để “làm mới” nhưng lại có tính phân lập cao, kết nối rõ ràng, quy đổi trách nhiệm thực thi theo từng đầu việc, có giám sát, báo cáo, nghiệm thu thì tính khả thi sẽ phải cao hơn.
Trong đó, nhóm giải pháp trọng tâm nhằm giải quyết cho bằng được nhiệm vụ khó khăn nhất là giải ngân đầu tư công, hấp thụ vốn cho kinh tế thành phố khơi nguồn, phát triển. Để thực hiện được, tất nhiên các đầu mối để cung ứng vốn là Ngân hàng Nhà nước với các chính sách về tín dụng, lãi suất, dịch vụ và đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng nhà ở xã hội; là các Ban quản lý khu công nghiệp, khu công nghệ và các đơn vị quản lý xây dựng công trình hạ tầng giao thông đô thị đều đòi hỏi tinh thần nhập cuộc mạnh mẽ, quyết liệt. Đặc biệt, để thông suốt thì phải có trợ lực chính của nhóm giải pháp thứ 5 là tháo gỡ vướng mắc, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện đồng bộ hiệu quả các biện pháp cải cách hành chính.
Thành phố cũng đặt ra trong mục tiêu thứ 3 phấn đấu đạt nhóm top 10 chỉ số PCI, Par - Index cuối năm 2025.
Bên cạnh đó, khi tình hình thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, rủi ro thì giải pháp gia tăng nội lực là một lựa chọn khôn ngoan. Do đó, thành phố đã tận dụng ưu thế “mãi lực tự nhiên” của thị trường thành phố để vừa tạo giải pháp độc lập vừa kết nối giải pháp liên lập là nhóm giải pháp thúc đẩy chi tiêu công hiệu quả, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng và bình ổn thị trường và nhóm giải pháp thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Từ đây đến cuối năm, chắc chắn thành phố sẽ tận dụng mùa lễ tết, các kỳ nghỉ dài để triển khai các sự kiện, lễ hội nhằm thu hút khách du lịch, kích hoạt sức mua, tiêu dùng, dịch vụ… Kết hợp các xu hướng mới để gia tăng tiếp cận khách hàng, mời gọi, lôi kéo được thói quen mua sắm, tiêu dùng mới ở số đông người tiêu dùng trẻ, tiêu dùng theo nhóm, gia đình… Đơn cử như chương trình “Trăm doanh nghiệp, Vạn đơn hàng, Triệu tài khoản” sẽ là một trong nhiều điểm nhấn hay từ những thử nghiệm thành công ban đầu với 2 kỳ tổ chức “Cuộc thi Thách thức Net Zero 2024” và tuần lễ triển lãm quốc tế “Net zero TP.HCM” sẽ hướng tới đề xuất hình thành trung tâm Net Zero thành phố (Net Zero Hub HCMC)…
Đương nhiên, các công trình hạ tầng, giao thông đô thị đang trên đường về đích hoặc đang được triển khai theo cơ chế mới sẽ góp phần quan trọng cho thành phố phát triển theo triết lý “lộ thông tài thông”. Mà điển hình là chiều 10/08 vừa qua, hầm chui tại giao lộ Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện đã chính thức thông xe sau hơn 1 năm thi công. Hạng mục quan trọng này thuộc dự án đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa kết nối trực tiếp đến nhà ga T3 của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, khi hoàn thành toàn tuyến sẽ giảm tải cho đường Cộng Hòa, Trường Chinh, góp phần hạn chế ùn tắc ở cửa ngõ sân bay.
Những khó khăn đang dần được tháo gỡ, những tồn đọng cũ đang từng bước được dọn dẹp, sắp xếp và những thí điểm đang vận hành để cụ thể hóa thành sản phẩm, công trình phục vụ người dân. Với những bước đi khá cẩn trọng và chắc chắn, thành phố này tích tụ đủ nội lực để một khi nhận được “trợ lực” từ trung ương sẽ tăng tốc để kịp về đích 2024 với con số 7.5% tăng trưởng GRDP, tạo đà cho 8-8.5% GRDP trong năm 2025.
Quốc Học
FILI
|