Chủ Nhật, 11/08/2024 20:07

1 năm thực hiện Nghị quyết 98 và phát biểu của Bí thư Nên

Ngày 10/08, tại buổi làm việc của đoàn công tác Thủ tướng Phạm Minh Chính và TP.HCM về kinh tế - xã hội và Nghị quyết 98, trong phần nêu những hạn chế lớn khiến việc triển khai nghị quyết này chưa được như mong đợi, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên - phó ban thường trực Ban chỉ đạo thực hiện nghị quyết 98 - đã thẳng thắn nói: thứ nhất việc phân cấp ủy quyền cho TP.HCM với tinh thần "phân cấp tối đa" nhưng thực tế triển khai còn nhiều vướng mắc, chưa đồng bộ, nội dung này cần tiếp tục thực hiện phân cấp mạnh mẽ, bài bản hơn.

Thứ hai, cơ chế Thủ tướng trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98 là cơ chế mới nhất, nói lên tinh thần trách nhiệm, sự quyết liệt của Chính phủ. "Tuy nhiên, thay vì khi Thủ tướng chỉ đạo, các bộ ngành và TP phải nhanh chóng thực hiện thủ tục pháp lý đảm bảo thực hiện thì chúng ta cứ luẩn quẩn đi đối chiếu với pháp luật hiện hành để đảm bảo tính an toàn cho số cơ quan, số bộ ngành”.

Người đứng đầu Đảng bộ thành phố đề nghị cần làm tốt hơn nữa công tác phối hợp hành động và phát huy cơ chế trưởng Ban chỉ đạo với tinh thần "Thủ tướng đến đây để nhìn rõ hơn, nhận diện rõ hơn những nhu cầu, đòi hỏi của cuộc sống. Bộ Chính trị đã nhìn thấy điều này khi ban hành nghị quyết 31 và kết luận 14".

Không nhiều những phát biểu mang tính trực diện, đi thẳng vào vấn đề nhằm giải quyết những khúc mắc như vậy trong các cuộc làm việc giữa trung ương và địa phương, giữa những người chịu trách nhiệm cao nhất trong điều hành và lãnh đạo. Vì vậy, nó thể hiện trước hết là trách nhiệm “nhìn thẳng vào sự thật” để nói đúng, gợi mở những giải pháp trúng nhằm đạt được hiệu quả công việc cao nhất. Sau là bản lĩnh của người đứng đầu, vì cái chung mà nhận diện chỗ nào chưa tốt, vì đâu để tập trung bàn thảo cách thức khắc phục. Nó không góp ý theo “mẫu số chung”, cái gì cũng đụng đến nhưng thật sự lại chẳng “chạm” cụ thể nên sau khi họp thì… ban hành văn bản là xong.

Tất nhiên, bản thân ông Nên cũng đã nhiều lần phê bình trực diện đội ngũ cán bộ thành phố và đã áp dụng điều chuyển công tác đối với cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng, với thực tiễn vận hành Nghị quyết 98 một năm qua, nhiều trở ngại vẫn còn nằm ở ngay chính bộ ngành. Điều này, ngay Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhìn nhận tại cuộc làm việc nói trên: “Một số nhiệm vụ các bộ ngành còn phối hợp, triển khai chậm, các ý kiến tham gia chưa rõ, chưa kịp thời. Mặt khác có một số nhiệm vụ tại nghị quyết 98 lại được các bộ ngành nghiên cứu, áp dụng cho cả nước nên cần thêm thời gian”. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị Thủ tướng giao cho các bộ ngành tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn TP triển khai các nhiệm vụ đúng thời gian, bảo đảm chất lượng, đúng trình tự, thủ tục.

Còn nhớ cách nay hơn 1 năm, tại buổi làm việc ở TP.HCM và trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng có nhắc đến việc năm 2022 TP.HCM gửi, hỏi bộ 584 văn bản và bộ đã trả lời 604 văn bản. Vấn đề này sau đó được Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi giải thích lại như sau: thứ nhất, có những vấn đề thực tiễn của TP phát sinh mà quy định pháp luật chưa có nên phải hỏi; thứ hai, có những nhóm vấn đề đã có quy định, nhưng luật này khác, luật kia khác cần phải hỏi; nhóm thứ ba là đã có quy định rồi nhưng cách hiểu là khác nhau nên phải hỏi; nhóm thứ tư, có những vấn đề rõ rồi nhưng mà do nghiên cứu chưa chắc ăn nên hỏi. Theo người đứng đầu chính quyền thành phố, nếu quy nhóm này sợ không dám làm "là trúng", nhưng các nhóm còn lại phải hỏi. Sẽ có con số cụ thể tỉ lệ bao nhiêu trong các nhóm vấn đề trên. Ông thẳng thắn nêu: "Trong hơn 600 văn bản trả lời đó, có rất nhiều nội dung trả lời không rõ, căn cứ vào trả lời cũng không biết sao làm".

Để có được những bản nghị quyết dẫn đường quan trọng như Nghị quyết 24 về phát triển Đông Nam Bộ, Nghị quyết 31 về phát triển TPHCM, Nghị quyết 98 đặc thù cho thành phố… là thể hiện quyết tâm, sự đồng lòng, hỗ trợ lớn của trung ương, trong đó vai trò tham mưu, hướng dẫn của các bộ, ngành có tính quyết định. Nhưng, bởi một nghị quyết đặc thù ra đời khi nhiều luật, nghị định, thông tư vẫn chưa sửa kịp nên tính chồng lấn, chồng chéo là điều rất dễ xảy ra. Do đó, một nghị quyết mới vẫn cứ phải loay hoay, quanh quẩn “giữa muôn trùng vây” của luật, nghị định là vậy.

Để bứt phá được những giăng mắc ấy, không chỉ quyết tâm, nó còn là sự vượt trội về cả kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và… bản lĩnh để một mặt vừa tháo gỡ, dọn dẹp cái cũ bị lỗi thời, vô hiệu; vừa kết nối để tương thích với các điều luật phụ cận; vừa cập nhật thực tế và các điều khoản mới đã ra đời gần đây, thậm chí có tính dự báo để sát hơn với diễn biến thực tế.

Cũng trong chuyến công tác phía Nam của Thủ tướng Chính phủ nói trên, tại hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ lần 4, một con số tổng kết được đưa ra khiến ai nấy giật mình: 7 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ đạt 5,58%, thấp hơn mức bình quân chung cả nước, chỉ cao hơn vùng Tây Nguyên với 3,86%.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hệ quả trên, song vì sao một nghị quyết đã ra đời gần 2 năm, trải qua 3 phiên họp hội đồng vùng mà đến lần thứ 4 vẫn còn những yêu cầu của đại diện chủ trì là “kiến nghị với Thủ tướng ban hành chỉ thị về công tác phát triển vùng nhằm đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ”, “Đề nghị các bộ ngành, địa phương được giao chủ trì khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu dự án vùng và liên vùng” hay theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư “hiện còn nhiều nhiệm vụ chưa được các bộ, địa phương hoàn thành theo tiến độ nhưng không nêu lý do hay đề xuất trình cấp có thẩm quyền lùi thời gian thực hiện”. Vậy đến bao giờ thì nghị quyết mới đi vào cuộc sống để cho Đông Nam Bộ cất cánh?

Rõ ràng, không chỉ Nghị quyết 98 mà cả với Nghị quyết 24 và tất nhiên không chỉ Bộ, ngành mà có cả địa phương, sự kết nối thiếu liền lạc, chặt chẽ; vẫn có tâm lý và cách ứng phó “an toàn” cho ngành mình mặc cái khó đang tồn đọng kéo dài.

Do đó, cần một sự khơi thông thật sự mạnh mẽ mà khởi đầu chính là thái độ thẳng thắn chỉ rõ hạn chế và nguyên nhân dẫn đến hạn chế ấy như cách của Bí thư Thành ủy TPHCM và cả “giải trình” rõ ràng, cụ thể như Chủ tịch UBND TP HCM trong việc tiếp nhận, phản hồi văn bản. Thái độ và trách nhiệm công vụ ấy cần được nhìn nhận một cách phổ quát trước một bản nghị quyết đặc thù hay nhiều nghị quyết khác nữa!

Quốc Học

FILI

Các tin tức khác

>   Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa được giao điều hành Bộ Tài nguyên và Môi trường  (11/08/2024)

>   Thủ tướng: Cơ chế đặc thù phát triển TPHCM đã có, cờ đến tay phải hành động (10/08/2024)

>   TPHCM đóng góp gần 20% vào tốc độ tăng trưởng chung của cả nước (10/08/2024)

>   Miễn nhiệm Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh (09/08/2024)

>   Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì Phiên họp thường kỳ Bộ Chính trị (09/08/2024)

>   Thủ tướng phân công thêm nhiệm vụ cho các Phó Thủ tướng (09/08/2024)

>   UBKT Trung ương kỷ luật và đề nghị kỷ luật loạt cán bộ liên quan đến dự án Đại Ninh (08/08/2024)

>   Thủ tướng: Tăng tốc, bứt phá để hoàn thành thêm 1,200 km cao tốc vào năm 2025 (08/08/2024)

>   Thủ tướng: Sửa đổi 13 luật có nhiều vướng mắc, bất cập (08/08/2024)

>   Thủ tướng: Khẩn trương giải quyết các vướng mắc để thúc đẩy tiến độ các dự án giao thông trọng điểm (08/08/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật