Thị trường trái phiếu Mỹ phát tín hiệu đáng ngại về nền kinh tế
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ rớt mạnh trong ngày 01/08, phản ánh sự lo lắng ngày càng tăng về sức khỏe tổng thể của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm rớt ngưỡng 4% xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 2, sau khi một loạt dữ liệu kinh tế đáng thất vọng được công bố. Hoạt động sản xuất trong tháng 7 yếu kém, trong khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần tăng vọt lên mức cao nhất trong gần 1 năm. Những con số này đã khiến các nhà đầu tư càng thêm lo lắng trước thềm báo cáo việc làm sắp công bố trong ngày thứ Sáu (02/08).
Tom Graff, Giám đốc đầu tư tại Facet, nhận định: "Sự sụt giảm lợi suất là phản ánh của sự lo lắng, không phải hoảng loạn”. Ông cho rằng thị trường trái phiếu đang chuyển từ câu chuyện "lạm phát đang giảm" sang một câu chuyện mới về "kinh tế đang suy yếu".
Thông thường, khi lạm phát thấp và ổn định, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ được xem như một chỉ báo về triển vọng kinh tế. Lợi suất suất cao hơn thường phản ánh sự lạc quan gia tăng. Tuy nhiên, xu hướng hiện tại lại đang đi ngược lại. Lợi suất đã giảm mạnh kể từ cuối tháng 4, phản ánh niềm tin ngày càng tăng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sớm phải cắt giảm lãi suất từ mức hiện tại 5.25% - 5.5%.
Các nhà kinh tế dự đoán báo cáo việc làm tháng 7 sẽ cho thấy 185,000 việc làm mới được tạo ra, giảm so với 206,000 trong tháng 6. Tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ giữ nguyên ở mức 4.1%. Tuy nhiên, Ian Lyngen, Chiến lược gia tại BMO Capital Markets, nhấn mạnh rằng liệu lợi suất trái phiếu 10 năm có tiếp tục duy trì dưới mức 4% hay không sẽ "phụ thuộc vào báo cáo việc làm tháng 7".
Đáng chú ý, lãi suất kỳ hạn 2 năm – vốn nhạy cảm với chính sách - đã giảm 17.4 điểm cơ bản, phiên giảm mạnh nhất trong năm. Điều này cho thấy thị trường đang đặt cược mạnh mẽ vào khả năng Fed sẽ phải cắt giảm lãi suất trong tương lai gần.
Chuyên gia Graff của Facet cảnh báo: "Dữ liệu thị trường lao động liên tục suy yếu trong vài tháng qua. Nếu đây là khởi đầu của một xu hướng, chúng ta có thể thấy thêm 5 hoặc 7 đợt cắt giảm lãi suất trong năm tới”. Đây sẽ là một sự thay đổi đáng kể so với kỳ vọng hiện tại của thị trường.
Tuy nhiên, bức tranh kinh tế vẫn còn nhiều mảng sáng tối. Eric Sterner, Giám đốc đầu tư tại Apollon Wealth Management, nhận xét rằng mặc dù nền kinh tế đang chậm lại, chi tiêu tiêu dùng và thị trường lao động vẫn "khỏe mạnh". Ông cũng lưu ý rằng lo ngại về thâm hụt ngân sách có thể hạn chế mức độ giảm thêm của lợi suất từ nay đến cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11.
Khi thị trường tài chính toàn cầu đang chờ đợi báo cáo việc làm quan trọng trong ngày 02/08, những diễn biến trên thị trường trái phiếu Mỹ đang gửi đi một thông điệp rõ ràng: Nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đang bước vào một giai đoạn nhiều thách thức hơn.
Vũ Hạo (Theo MarketWatch)
FILI
|