Xuất hiện "vết nứt" trên thị trường việc làm Mỹ, chính sách của Fed có bị ảnh hưởng?
Bốn năm sau cơn địa chấn đại dịch COVID-19, thị trường việc làm Mỹ dường như đã tìm lại được nhịp điệu bình thường. Tuy nhiên, dưới bề mặt bình lặng đó, những vết nứt đang bắt đầu hình thành và báo hiệu cho những thách thức tiềm ẩn trong tương lai.
Tại cuộc họp báo trong ngày 31/07, Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đã tóm tắt tình hình một cách súc tích: "Thị trường lao động đã trở về trạng thái trước đại dịch: Mạnh mẽ, nhưng không quá nóng".
* Fed giữ nguyên lãi suất, nhấn mạnh tiến triển về lạm phát
* Chủ tịch Powell: Fed có thể giảm lãi suất ngay trong cuộc họp tháng 9
Các chuyên gia kinh tế đang kỳ vọng báo cáo việc làm tháng 7 - dự kiến công bố trong ngày 02/08 - sẽ cho thấy mức tăng 175,000 việc làm, thấp hơn một chút so với trung bình 3 tháng qua. Tỷ lệ thất nghiệp được dự đoán sẽ giữ nguyên ở mức 4.1%. Những con số này phản ánh một thị trường lao động đã “ôn hòa hơn”, theo nhận định của Nick Bunker, Giám đốc nghiên cứu kinh tế Bắc Mỹ tại Indeed.
Tuy nhiên, sự ôn hòa này cũng đi kèm với tính dễ bị tổn thương. Nancy Vanden Houten, Chuyên gia kinh tế cấp cao của Oxford Economics, cảnh báo rằng thị trường lao động hiện dễ bị suy yếu nhanh chóng hơn nếu có một cú sốc bất ngờ hoặc lãi suất duy trì ở mức cao trong thời gian dài.
Những dấu hiệu đáng lo ngại đã bắt đầu xuất hiện. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tiếp tục tăng cao, đạt 249,000 đơn trong tuần trước - mức cao nhất kể từ tháng 8 năm ngoái. Số người nhận trợ cấp thất nghiệp liên tục cũng tăng lên 1.877 triệu, mức cao nhất kể từ tháng 11 năm 2021.
Tuy nhiên, không phải mọi chỉ số đều tiêu cực. Số vụ cắt giảm việc làm được công bố trong tháng 7 đã giảm 47% so với tháng 6, xuống còn 25,885 - mức thấp nhất trong năm nay. Điều này cho thấy các công ty vẫn đang thận trọng trong việc sa thải nhân viên.
Một điểm sáng khác là tỷ lệ việc làm trên dân số ở độ tuổi lao động chính (25 đến 54 tuổi) vẫn giữ ở mức cao 80.8%, gần với mức cao nhất trong 23 năm. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở độ tuổi chính cũng đạt 83.7%, mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ.
Tuy nhiên, bức tranh tổng thể có thể che giấu những khó khăn trong các lĩnh vực cụ thể. Julia Pollak, Chuyên gia kinh tế trưởng tại ZipRecruiter, chỉ ra rằng sự tăng trưởng việc làm chủ yếu tập trung vào một vài ngành như y tế và Chính phủ, trong khi các lĩnh vực khác đang gặp khó khăn. "Đây là một tình trạng bất thường", bà nhận xét.
"Tôi nghĩ đó là lý do chính tại sao các con số tổng hợp trông rất mạnh mẽ, nhưng nhiều người lại cảm thấy rất tồi tệ", bà nói thêm. "Hầu hết mọi người trong đất nước này không làm việc trong lĩnh vực y tế hoặc sở cảnh sát và không thể dễ dàng chuyển sang những loại công việc đó. Những con số trung bình này có thể trông khá tốt đẹp nhưng che giấu những thách thức và khó khăn rất thực tế của các chủ doanh nghiệp và người tìm việc."
Một yếu tố quan trọng cần theo dõi là tăng trưởng tiền lương. Dữ liệu mới nhất cho thấy tốc độ tăng lương đang chậm lại, với tiền lương chỉ tăng 0.9% trong quý 2/2024 - tỷ lệ thấp nhất trong ba năm. Điều này có thể giúp giảm áp lực lạm phát, nhưng cũng có thể báo hiệu sự suy yếu của sức mua của người lao động.
Khi Fed không có kế hoạch cắt giảm lãi suất cho đến ít nhất là tháng 9, báo cáo việc làm tháng 7 sẽ cung cấp những thông tin quan trọng về khả năng chống chịu của thị trường lao động. Liệu thị trường lao động có đủ sức để duy trì sự ổn định trong bối cảnh lãi suất cao và nền kinh tế toàn cầu bất ổn?
Vũ Hạo (Theo CNN)
FILI
|