Thứ Năm, 08/08/2024 09:02

TẬP SAN IR AWARDS 2024
PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Thành viên HĐQT Phạm Thị Thanh Hoài: VietinBank sẽ có dịch vụ “may đo” phù hợp với từng dự án xanh

Phạm Thị Thanh Hoài – Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, HOSE: CTG) đã có những chia sẻ với chúng tôi về hành trình chuyển đổi số, thúc đẩy khung tài chính bền vững nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững của Ngân hàng.

Bà có thể cho biết hoạt động công bố thông tin (CBTT) ở VietinBank có gì khác biệt với các doanh nghiệp khác không, đặc biệt trong việc CBTT bằng tiếng Anh?

Thành viên HĐQT Phạm Thị Thanh Hoài: Là một doanh nghiệp niêm yết (DNNY) lâu năm trên thị trường chứng khoán (TTCK), hoạt động IR của VietinBank luôn hướng tới đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các cổ đông, nhà đầu tư (NĐT) và tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan, trong đó có các quy định về CBTT.

Với cơ cấu cổ đông đa dạng (tổ chức, cá nhân trong và nước ngoài), VietinBank tự hào là ngân hàng đầu tiên thực hiện CBTT đầy đủ và minh bạch bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh từ năm 2014. VietinBank xây dựng bộ phận IR kinh nghiệm và chuyên nghiệp, luôn tìm cách để đa dạng hóa cách thức trao đổi thông tin với cổ đông và NĐT nên cũng không gặp khó khăn gì trong việc này.

Những năm qua, VietinBank chủ động xây dựng các kênh thông tin đa chiều, minh bạch với cộng đồng tài chính, đồng thời tiếp nhận các phản hồi từ các cổ đông, NĐT nhằm giải đáp nhanh nhất các thắc mắc, truyền tải kịp thời về hoạt động thực tại và định hướng chiến lược của Ngân hàng. Với những nỗ lực trên, VietinBank là ngân hàng duy nhất 8 năm liền được vinh danh là Doanh nghiệp Đạt Chuẩn công bố thông tin trong chương trình IR Awards.

Bà có thể chia sẻ thêm về mô hình hoạt động của ban IR tại VietinBank?

Về mô hình tổ chức, Bộ phận Quan hệ Nhà đầu tư (IR) của VietinBank hiện thuộc Ban Thư ký HĐQT và Quan hệ Cổ đông - Văn phòng HĐQT. Với mô hình hiện nay, bộ phận IR có cơ hội được làm việc trực tiếp, thường xuyên với HĐQT và Ban Lãnh đạo, qua đó thực hiện tham mưu, hỗ trợ Ban Lãnh đạo trong công tác quan hệ cổ đông, thực thi các chính sách liên quan đến cổ đông; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các cổ đông về cổ phiếu CTG.

Ban IR còn thiết lập, duy trì mối quan hệ với các NĐT, đối tác chiến lược, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán...; tiếp nhận và giải đáp nhanh nhất các thắc mắc của cổ đông, NĐT… đảm bảo thông tin hai chiều được truyền tải minh bạch, đồng nhất, đầy đủ và kịp thời.

VietinBank có xây dựng quy trình riêng cho hoạt động IR đối với nhà đầu tư nước ngoài? Cách thức Ngân hàng tiếp cận vốn ngoại như thế nào?

Ngay từ khi cổ phần hóa, VietinBank đã chú trọng phát triển hoạt động IR để thu hút các NĐT tiềm năng trong và ngoài nước. Thông qua các hoạt động trao đổi thông tin, bộ phận IR có thể tìm hiểu nhu cầu và phân loại các nhóm NĐT đa dạng (theo vị trí địa lý, khẩu vị đầu tư …) với các kỳ vọng khác nhau, từ đó tham mưu cho Ban Lãnh đạo các hình thức trao đổi hiệu quả để tiếp cận nguồn vốn ngoại. Mục tiêu hàng đầu trong công tác truyền thông đối với NĐT nước ngoài là cung cấp những thông tin trọng yếu về tầm nhìn, chiến lược và kế hoạch của VietinBank một cách nhất quán và nhanh chóng.

Với những nỗ lực trên, vào tháng 03/2011, VietinBank đã hoàn tất giao dịch phát hành cổ phần cho IFC và Quỹ đầu tư cấp vốn IFC, với tỷ lệ 10% vốn điều lệ; trở thành ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước đầu tiên của Việt Nam lựa chọn được đối tác chiến lược ngoại. Không chỉ vậy, tháng 5/2013, VietinBank tiếp tục thành công trong việc bán 19.73% vốn, trị giá 750 triệu USD cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là The Bank of Tokyo – Mitsubishi UFJ, Ltd (BTMU), nay là MUFG Bank - ngân hàng lớn nhất của Nhật Bản và lớn thứ ba trên thế giới, đưa VietinBank trở thành Ngân hàng sở hữu cơ cấu cổ đông nước ngoài mạnh nhất; là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam có 2 cổ đông chiến lược nước ngoài với năng lực tài chính mạnh mẽ và uy tín cùng tham gia quản trị, điều hành hoạt động của Ngân hàng.

VietinBank xây dựng và triển khai chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2024-2028 với kỳ vọng tạo năng lực cạnh tranh vượt trội và mang lại trải nghiệm tối ưu cho khách hàng. Đến nay, Ngân hàng đã triển khai những chương trình hành động nào cho chiến lược chuyển đổi toàn diện này?

VietinBank xác định chuyển đổi số (CĐS) là 1 trong 4 trụ cột phát triển (bên cạnh kinh doanh truyền thống, hệ sinh thái và tích hợp ESG), là chìa khóa bứt phá nội lực giúp VietinBank vươn tầm cao mới. Chương trình chuyển đổi số được khởi động từ tháng 5/2023. Trong năm 2023, VietinBank đã hoàn thành xây dựng chương trình chuyển đổi tổng thể và lập kế hoạch chi tiết giai đoạn 2024-2028, gồm 108 sáng kiến theo 29 nhóm chủ điểm gắn liền với chiến lược kinh doanh trung và dài hạn của VietinBank.

Năm 2024, để đảm bảo sử dụng nguồn lực tập trung và tối ưu hóa, 45 sáng kiến được ưu tiên triển khai, bao gồm 18 sáng kiến đến từ các khối kinh doanh, 27 các sáng kiến nền tảng, hỗ trợ từ các Khối CNTT, Pháp chế, Quản lý Rủi ro, Nhân sự…

Kết quả nổi bật trong quá trình triển khai ngân hàng số hóa tại VietinBank?

Lấy triết lý hoạt động “Khách hàng là trung tâm”, VietinBank tiếp tục chuyển dịch số hóa mạnh mẽ, cho ra mắt những sản phẩm, dịch vụ mới, hiện đại, dẫn đầu thị trường với hàm lượng công nghệ cao, qua đó mang đến những trải nghiệm tốt hơn và hoàn thiện hơn cho khách hàng.

Với khách hàng cá nhân, ứng dụng iPay Mobile với hơn 150 tính năng, tiện ích đã thu hút gần 8.4 triệu khách hàng sử dụng, giúp khách hàng tận hưởng cuộc sống trọn vẹn, tối ưu nhất theo tiêu chí “All-in-one”. Đặc biệt, iPay kết nối với hơn 2,400 nhà cung cấp, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng “Vạn tính năng, trăm tiện ích”. Tính trong 6 tháng đầu năm 2024, số lượng giao dịch qua kênh iPay đã đạt 868 triệu giao dịch, tăng 73% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với phân khúc khách hàng tổ chức, VietinBank phát triển nền tảng ngân hàng số eFAST với hơn 130 tính năng được xem như là “trợ lý tài chính số”. VietinBank eFAST cung cấp toàn bộ các dịch vụ ngân hàng đang được phục vụ tại quầy giao dịch (chỉ trừ các dịch vụ liên quan đến tiền mặt), từ các dịch vụ ngân hàng thường xuyên và thiết yếu đến các dịch vụ chuyên biệt được "may đo" theo nhu cầu của từng doanh nghiệp. Tính đến 30/06/2024, đã có gần 250 ngàn doanh nghiệp tin tưởng và sử dụng ứng dụng này.

Để có được kết quả tích cực tại 2 kênh giao dịch chủ lực trên, bên cạnh việc triển khai hàng loạt các chính sách thu hút và ưu đãi với khách hàng, VietinBank cũng chú trọng tới việc đột phá về dịch vụ và thiết kế, cải tiến liên tục tốc độ và an toàn bảo mật, mang đến cho người dùng những trải nghiệm trọn vẹn khi sử dụng dịch vụ.

Kế hoạch chuyển đổi số mà VietinBank triển khai để có thể cạnh tranh trong thời đại công nghệ số?

Thấu hiểu được dòng chảy của công nghệ số là tất yếu, VietinBank tăng cường đầu tư số hóa nền tảng vận hành và kinh doanh nhằm tối ưu hóa hoạt động cũng như gia tăng trải nghiệm cho khách hàng về một hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ tiện ích, hiện đại.

Xác định dữ liệu là tài nguyên của Ngân hàng, trong thời gian qua, VietinBank đã chú trọng đầu tư về công nghệ và dữ liệu, ứng dụng phân tích dữ liệu lớn và học máy để có thể để dự đoán chính xác nhu cầu của từng khách hành và thiết kế trải nghiệm riêng biệt phù hợp với từng cá nhân, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và tự động hoá để nâng cao năng suất lao động, tự động hoá quy trình của ngân hàng. 99% giao dịch của khách hàng đã được thực hiện qua kênh số và VietinBank ưu tiên ứng dụng công nghệ để các kênh số ngày càng thông minh, thích ứng, tư vấn được khách hàng, và thoả mãn được tất cả nhu cầu của khách hàng.

Trong thời gian tới, VietinBank sẽ tiếp tục đầu tư vào Data lake để tạo đà triển khai mở rộng các bài toán phân tích dữ liệu, cung cấp dữ liệu như là dịch vụ cho khách hàng nội bộ, tạo ra giá trị đột phá trong kinh doanh.

Việc áp dụng công nghệ sinh trắc học từ sớm (năm 2020) đã giúp Ngân hàng có lợi thế gì?

VietinBank đã đầu tư giải pháp công nghệ sinh trắc học ngay từ năm 2020, đến nay gần 6 triệu khách hàng của ngân hàng đã đăng ký sinh trắc học và thực hiện xác thực giao dịch qua công nghệ sinh trắc học một cách thành thục. Không chỉ thực hiện nhận diện tại ứng dụng ngân hàng số trên thiết bị di động giúp khách hàng mở tài khoản, giao dịch bằng chính khuôn mặt của mình, mà ngay tại quầy giao dịch, khách hàng cũng được nhận diện sinh trắc học tự động, phân luồng giao dịch, giúp giao dịch viên ngân hàng tiết giảm 35% thời gian giao dịch.

Do vậy, khi Quyết định 2345 ban hành, VietinBank là đơn vị đầu tiên trong các ngân hàng hoàn thành bộ giải pháp kết nối với Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực sinh trắc học khách hàng. VietinBank đã chủ động về mặt hạ tầng công nghệ, cũng như giải pháp xác thực sinh trắc học giúp cho khách hàng của ngân hàng không gặp khó khăn trong quá trình xác thực giao dịch.

Trong khuôn khổ COP28, MUFG nỗ lực hỗ trợ VietinBank thu xếp lên tới 1 tỷ USD nhằm phục vụ các dự án phát triển bền vững, mang lại lợi ích môi trường, xã hội và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Tiến trình triển khai các dự án này đến đâu?

Sau COP28, MUFG và VietinBank đã lập tức bắt tay vào việc triển khai thỏa thuận đã ký kết tại COP28. Các công việc được triển khai đồng bộ, tập trung vào các nhóm hoạt động chính: (i) Bộ phận thu xếp vốn của hai ngân hàng trao đổi trực tiếp về phương thức triển khai các hạn mức tín dụng; (ii) Đàm phán với các định chế tài chính quốc tế có định hướng và kế hoạch tài trợ các dự án/phương án bền vững tại Việt Nam; (iii) Đào tạo lực lượng nhân sự nòng cốt triển khai ESG tại VietinBank để sẵn sàng kiến thức, năng lực tiếp nhận các nguồn vốn quốc tế, giải ngân cho khách hàng đầu tư các dự án phát triển bền vững tại Việt Nam.

Trong bối cảnh hoạt động huy động vốn quốc tế còn nhiều thách thức như lãi suất USD tăng cao, tỷ giá có nhiều biến động, tới nay, các cấu trúc tài chính theo chuẩn quốc tế đã được thảo luận tích cực giữa các bên, các danh mục tài trợ đã được thống nhất, các hợp đồng/thỏa thuận vay vốn đã được đàm phán, qua đó dần nâng cao năng lực tài trợ xanh của Ngân hàng. Dự kiến trong năm 2024, gói tài trợ giai đoạn 1 sẽ được triển khai trong hệ thống VietinBank.

VietinBank đã xây dựng khung tài chính bền vững, đưa ra các hướng dẫn cụ thể cho tài trợ và quản lý các khoản tài trợ cho xanh mục xanh và xã hội. Bà có thể chia sẻ cụ thể khung tài chính bền vững này như thế nào?

Năm 2023, VietinBank đã xây dựng khung tài chính bền vững (Sustainable Finance Framework - SFF) để đưa ra các hướng dẫn cụ thể cho việc tài trợ và quản lý các khoản tài trợ phát triển bền vững.

Cụ thể, khung tài chính bền vững đã đưa ra các định hướng và quản lý các khoản tài trợ theo 4 trụ cột chính: (i) Mục đích sử dụng vốn, (ii) quy trình đánh giá và lựa chọn hạng mục tài trợ, (iii) quản lý sử dụng vốn và (iv) báo cáo. Trong đó, các nhóm mục đích sử dụng vốn xanh bao gồm: Năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả, kinh tế tuần hoàn, giao thông vận tải xanh, công trình xanh, nông - lâm - ngư nghiệp bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học; các nhóm mục đích sử dụng vốn xã hội bao gồm: Tiếp cận cơ sở hạ tầng cơ bản, nhà ở xã hội và tiếp cận các dịch vụ cơ bản (Y tế và giáo dục).

Khung tài chính bền vững sẽ là cơ sở để VietinBank chuẩn hóa hoạt động cấp tín dụng, phát hành trái phiếu phục vụ các mục tiêu xanh và xã hội, nhằm hiện thực hóa cam kết của Ngân hàng với các mục tiêu phát triển bền vững.

Là ngân hàng luôn trong top đầu tăng trưởng tín dụng, tín dụng xanh đang được triển khai như thế nào tại VietinBank?

Nhận thức rõ hệ thống ngân hàng đóng vai trò như một mắt xích quan trọng có tác động đến môi trường thông qua hoạt động của khách hàng, VietinBank luôn đề cao trách nhiệm phát triển tín dụng xanh, xây dựng chính sách cấp tín dụng ưu đãi đối với khách hàng có phương án, dự án sản xuất - kinh doanh đáp ứng mục tiêu tăng trưởng xanh trong bối cảnh nhu cầu đối với những sản phẩm xanh, sản phẩm đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường ngày càng tăng mạnh.

Bên cạnh việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, VietinBank cũng chú trọng kiểm soát hoạt động an toàn, bền vững của các dự án được giải ngân. Công tác quản lý rủi ro về môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng được Ngân hàng thực hiện chặt chẽ, xuyên suốt. Đặc biệt, Ngân hàng thường xuyên thực hiện theo dõi, kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư sau cấp tín dụng, trong đó lưu ý đánh giá việc thực hiện các cam kết của khách hàng liên quan đến việc quản lý rủi ro về môi trường xã hội.

Trong thời gian tới, VietinBank sẽ tiếp tục xây dựng các sản phẩm, dịch vụ “may đo” phù hợp với từng lĩnh vực xanh, dự án xanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đi đôi với mục tiêu giảm thiểu các tác động tới môi trường.

Xác định ESG là 1 trong 4 trụ cột phát triển chính, VietinBank đã đưa hoạt động Phát triển bền vũng (PTBV) là một trong các hoạt động trọng tâm của kế hoạch trung dài hạn của ngân hàng, đồng thời xác định các mục tiêu chung và cụ thể trong PTBV bao gồm cả hai cấu phần ngân hàng xanh và tín dụng xanh. VietinBank đã và đang coi thực hành ESG, thúc đẩy tài chính bền vững, tài chính khí hậu là một trọng tâm trong hoạt động của mình và sẽ tiếp tục có các sáng kiến trong thời gian tới, hướng đến tạo sự lan tỏa với các bên liên quan để cùng xây dựng và kiến tạo cộng đồng bền vững.

Xin cảm ơn bà.

Hãy bình chọn Doanh nghiệp niêm yết có hoạt động IR tốt nhất năm 2024 cho CTG từ ngày 01/08/2024 đến 14/08/2024 tại website của Chương trình IR Awards 2024 (ir.viestock.vn).

Cát Lam

Thiết kế: Tuấn Trần

FILI

Các tin tức khác

>   Danh sách cổ đông nắm trên 1% Eximbank không còn Công ty Thắng Phương (07/08/2024)

>   SHB tung loạt ưu đãi đặc quyền cho chủ thẻ quốc tế tại hơn 200 thương hiệu (06/08/2024)

>   Tổng Giám đốc Từ Tiến Phát (ACB): Chiến lược kinh doanh linh hoạt, kịp thời nắm bắt cơ hội để bứt phá (07/08/2024)

>   Phó Chủ tịch BVBank là cổ đông nắm nhiều vốn nhất (06/08/2024)

>   Ưu đãi "kép" khi đăng ký dịch vụ ủy thác thanh toán của Sacombank (06/08/2024)

>   PVcomBank ra mắt tính năng giao dịch phi tài chính qua Video call trên PVConnect (06/08/2024)

>   Nhất quán mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15% cho cả năm 2024 (06/08/2024)

>   Chủ tịch Lưu Trung Thái (MB): "Năm 2024 đạt được mục tiêu lợi nhuận 28,800 tỷ đồng đã là một thắng lợi" (05/08/2024)

>   Nhóm Đồng Tâm của bầu Thắng còn nắm giữ bao nhiêu cổ phần KLB? (05/08/2024)

>   SHB là ngân hàng có sáng kiến tốt nhất dành cho SMEs (05/08/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật