'Siêu' dự án Đại Ninh khiến nhiều lãnh đạo bị kỷ luật: Sai phạm vẫn thoát 'án' thu hồi
Sau 13 năm được giao đất, “siêu” dự án Đại Ninh vẫn chưa được đầu tư hoàn chỉnh, “bất động” nhiều năm qua và khiến nhiều quan chức vướng vào lao lý.
* UBKT Trung ương kỷ luật và đề nghị kỷ luật loạt cán bộ liên quan đến dự án Đại Ninh
* Cục thuế Lâm Đồng nói về việc giảm tiền sử dụng đất, tiền chậm nộp tại siêu dự án Đại Ninh
* Ngoài ông Nguyễn Cao Trí, còn ai đứng đằng sau Sài Gòn Đại Ninh?
Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (dự án Đại Ninh) tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng do CTCP đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh làm chủ đầu tư.
Mục tiêu dự án là đầu tư xây dựng, kinh doanh khu đô thị thương mại du lịch nghỉ dưỡng sinh thái. Dự án có quy mô khoảng 3.595,5ha, gồm các khu biệt thự, công trình công cộng, cây xanh công viên... với vốn đầu tư 25.243 tỷ đồng. Thời gian hoạt động dự án là 50 năm, kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đầu tư. Tiến độ đầu tư từ năm 2010 đến 2018.
Tháng 12/2010, Công ty Sài Gòn Đại Ninh được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án.
Sau khi được giao đất, giao rừng để thực hiện dự án, chủ đầu tư đã để hơn 368ha rừng bị phá và lấn chiếm. Năm 2017, Sở Tài chính Lâm Đồng yêu cầu chủ đầu tư bồi thường giá trị thiệt hại về tài nguyên rừng với số tiền gần 6,7 tỷ đồng. Đến giữa năm 2020, công ty mới chỉ nộp gần 1,7 tỷ đồng.
Tại kết luận thanh tra số 929/KL/TTCP ngày 12/6/2020, Thanh tra Chính phủ đã đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi dự án Đại Ninh.
Một số hạng mục dở dang tại dự án Khu đô thị Đại Ninh. Ảnh: Hoàng Giám
|
Đến tháng 6/2021, Thanh tra Chính phủ có kết luận thanh tra số 1033/KL-TTCP về việc sửa đổi một số nội dung của kết luận thanh tra số 929, trong đó có nội dung rút lại yêu cầu chấm dứt hoạt động, thu hồi đất của dự án Đại Ninh; đồng thời, giao UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục điều chỉnh tiến độ và gia hạn cho dự án.
Đầu năm 2022, UBND tỉnh Lâm Đồng có quyết định gia hạn tiến độ thêm 24 tháng cho dự án Đại Ninh. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư tập trung nguồn lực để triển khai dự án.
Đến tháng 8/2022, Công ty Sài Gòn Đại Ninh đã ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án, nộp bản cam kết tiến độ. UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu về việc thẩm định giá đất để tính tiền sử dụng đất tại dự án.
Theo báo cáo vào tháng 3/2023, UBND huyện Đức Trọng phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục pháp lý của dự án. Tháng 10/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các sở, ngành và đơn vị liên quan cung cấp hồ sơ pháp lý của dự án Đại Ninh. Kế hoạch về công tác đầu tư, xây dựng tại dự án đều không được đề cập trong báo cáo tiến độ.
Tính đến cuối tháng 1/2024, Công ty Sài Gòn Đại Ninh đã hoàn thành một số thủ tục và xây dựng một số công trình kiến trúc, san gạt đường giao thông và rải cấp phối đá dăm một số tuyến đường. Tổng số vốn đã đầu tư là 2.296 tỷ đồng, chiếm 9% tổng mức đầu tư.
Tháng 6/2024, Sở Tài chính Lâm Đồng đánh giá, cơ sở, điều kiện để thực hiện dự án trong nhiệm kỳ 2020-2025 là không khả thi. Vì vậy, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, đề xuất UBND tỉnh trình Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xem xét đưa dự án Đại Ninh ra khỏi danh sách các công trình trọng điểm của tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.
Đại gia Nguyễn Cao Trí thâu tóm dự án
Thành lập vào năm 2010, Công ty Sài Gòn Đại Ninh có vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Năm 2017, công ty này nâng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng. Từ khi thành lập đến nay, doanh nghiệp này chỉ có dự án duy nhất là Khu đô thị Đại Ninh.
Năm 2020, Sài Gòn Đại Ninh ký hợp đồng chuyển nhượng vốn điều lệ cho CTCP Tập đoàn Bến Thành Holdings Group thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Capella của đại gia Nguyễn Cao Trí.
Sau khi ký hợp đồng nói trên, ông Trí dùng Công ty TNHH Capella Hospitality (công ty con khác của Tập đoàn Capella) mua lại 51% vốn điều lệ Sài Gòn Đại Ninh, với giá 1.530 tỷ đồng. Tháng 1/2021, ông Trí trở thành người đại diện pháp luật của Sài Gòn Đại Ninh.
Tiếp đó, tháng 9/2022, ông Trí nhờ em trai Nguyễn Cao Đức đứng tên hộ mua 7% vốn điều lệ của cá nhân bà Phan Thị Hoa tại Sài Gòn Đại Ninh với số tiền 700 tỷ đồng. Tổng cộng, ông Trí đã sở hữu 58% vốn điều lệ Sài Gòn Đại Ninh và đã thanh toán cho bà Hoa 2.230 tỷ đồng.
Dự án Khu đô thị Đại Ninh liên quan đến hai vụ án. Ảnh: Hoàng Giám
|
Sau đó, ông Trí đã thoả thuận bán 100% vốn Sài Gòn Đại Ninh cho bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát với giá 3.000 tỷ đồng. Bà Lan đã đặt cọc cho ông Trí hơn 463 tỷ đồng nhưng sau đó đổi ý không mua. Số tiền này được chuyển thành tiền thanh toán cho một giao dịch khác giữa bà Lan và ông Trí.
Thông tin về dự án Đại Ninh từng được đề cập đến tại kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các tổ chức, đơn vị liên quan.
Năm 2023, liên quan đến dự án này, C03 Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Tập đoàn Capella.
Ngoài ra, dự án này còn khiến hàng loạt quan chức của tỉnh Lâm Đồng và Trung ương bị khởi tố, bắt giam để phục vụ công tác điều tra.
Tiền sử dụng đất dự án Đại Ninh từ 262 tỷ còn 3,2 tỷ đồng
Ngày 2/7/2024, Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng đã có báo cáo sau khi rà soát hồ sơ về tiền sử dụng đất của dự án Đại Ninh.
Tháng 4/2014, UBND tỉnh Lâm Đồng có quyết định phê duyệt mức giá giao quyền sử dụng đất để Công ty Sài Gòn Đại Ninh nộp ngân sách nhà nước khi chuyển mục đích sử dụng đất tại dự án Đại Ninh. Giá giao quyền sử dụng đất đối với diện tích 166,5ha đất ở tại dự án này là 226 tỷ đồng.
Tháng 1/2018, UBND tỉnh giao Sở Tài chính đôn đốc các tổ chức nợ ngân sách tính đến tháng 10/2017. Trong đó, có 158 tỷ đồng tiền sử dụng đất của Công ty Sài Gòn Đại Ninh. Trường hợp doanh nghiệp không có khả năng thực hiện thì các sở, ngành xem xét, đề xuất để UBND tỉnh đánh giá cơ sở thực tế thực hiện dự án, chuyển sang phương thức cho thuê đất, thu tiền thuê đất hàng năm hoặc thu hồi dự án.
Tháng 4/2018, Công ty Sài Gòn Đại Ninh đề xuất chuyển từ hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất sang hình thức thuê đất 50 năm trả tiền hàng năm đối với dự án Đại Ninh.
Tại báo cáo vào tháng 5/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất chấp thuận chủ trương cho Công ty Sài Gòn Đại Ninh điều chỉnh hình thức sử dụng đất. Cụ thể, 166,5ha đất ở theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất, kiến nghị điều chỉnh sang đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp với hình thức thuê đất trả tiền hàng năm.
Tháng 10/2018, UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định điều chỉnh hình thức sử dụng đất cho Công ty Sài Gòn Đại Ninh; giao Cục Thuế chỉ đạo thu hồi các thông báo thu tiền sử dụng đất phải nộp, số tiền sử dụng đất được giảm.
Tháng 11/2018, thực hiện theo chỉ đạo của Cục Thuế, Chi cục Thuế huyện Đức Trọng (nay là Chi cục Thuế khu vực Đức Trọng - Đơn Dương) đã ra văn bản thu hồi các thông báo thu tiền sử dụng đất của Công ty Sài Gòn Đại Ninh, gồm 158 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 104 tỷ đồng tiền chậm nộp.
Đến tháng 5/2020, Chi cục thuế khu vực Đức Trọng - Đơn Dương ra thông báo cho Công ty Sài Gòn Đại Ninh số tiền thuê đất từ tháng 7/2012 đến hết tháng 12/2019 với diện tích đất 166,5ha là 3,2 tỷ đồng. Sau đó, Công ty Sài Gòn Đại Ninh đã nộp số tiền này vào ngân sách.
Theo Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng, việc chỉ đạo, xử lý giảm tiền sử dụng đất tại dự án Khu đô thị Đại Ninh của UBND tỉnh là căn cứ theo kết luận thanh tra của Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, qua rà soát hồ sơ để báo cáo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Cục Thuế nhận thấy việc điều chỉnh giảm tiền sử dụng đất, tiền chậm nộp theo chỉ đạo của UBND tỉnh là chưa phù hợp quy định của pháp luật.
Do vậy, Cục kiến nghị UBND tỉnh rà soát lại các quyết định liên quan và chỉ đạo Hội đồng thẩm định giá đất xác định nghĩa vụ tài chính về đất của dự án từ tháng 2/2012 đến tháng 10/2018.
|
Duy Anh
VietNamNet
|