TẬP SAN IR AWARDS 2024
PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
PAN Group: Từ tầm nhìn tỷ đô đến sứ mệnh nâng tầm nông nghiệp Việt
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, câu chuyện về sự phát triển của PAN Group - một trong những tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm - là minh chứng cho sức mạnh của tầm nhìn chiến lược và khả năng thích ứng.
Năm 2012, khi PAN Group quyết định đặt những bước chân đầu tiên vào lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, ít ai ngờ rằng đây sẽ là khởi đầu cho một hành trình đầy ấn tượng.
Từ một doanh nghiệp với vốn điều lệ khiêm tốn 250 tỷ đồng, PAN đã lớn mạnh thành một tập đoàn có giá trị vốn hóa hơn 5,000 tỷ đồng, ghi nhận lợi nhuận 400 tỷ đồng trong năm 2023.
Bí quyết của PAN Group nằm ở chiến lược M&A khôn ngoan. Thay vì tập trung vào một lĩnh vực đơn lẻ, Tập đoàn xây dựng một hệ sinh thái đa dạng và có thể tạo ra hiệu ứng cộng hưởng xoay quanh các lĩnh vực chính là nông nghiệp, thủy sản và thực phẩm đóng gói.
"Chúng tôi chỉ M&A các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, có cộng hưởng (synergy) với hệ sinh thái Tập đoàn và có tiềm năng tăng trưởng cũng như hệ thống quản trị minh bạch”, Bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng Giám đốc Tập đoàn chia sẻ.
Cũng theo bà Trà My, PAN Group không chỉ đơn thuần là mua lại các công ty mà áp dụng một quy trình nghiêm ngặt trong việc lựa chọn đối tác, bao gồm đánh giá kỹ lưỡng về tiềm năng cộng hưởng, văn hóa doanh nghiệp và khả năng tích hợp. Sau M&A, PAN Group tập trung vào việc kết hợp hài hòa giữa văn hóa chung và riêng, chia sẻ nguồn lực và tối ưu hóa chuỗi giá trị.
Trải qua hơn 10 năm xây dựng nền tảng chủ yếu thông qua M&A, PAN Group giờ đây đã sở hữu nhiều công ty hàng đầu như: CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed, HOSE: NSC) và CTCP Khử trùng Việt Nam (VFC, HOSE: VFG) trong lĩnh vực nông nghiệp; CTCP Thực phẩm Sao Ta (Fimex, HOSE: FMC), CTCP Thực phẩm Khang An (Khang An Foods) và CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (Aquatex Bến Tre, HOSE: ABT) trong lĩnh vực thủy sản; CTCP Bibica (HOSE: BBC), CTCP Chế biến hàng Xuất khẩu Long An (Lafooco, HOSE: LAF), nước mắm 584 Nha Trang, cà phê Golden Beans trong lĩnh vực thực phẩm đóng gói.
Dĩ nhiên, PAN Group sẽ không dừng lại ở đây. Bà Trà My cho biết Tập đoàn sẽ tiếp tục tìm kiếm các mục tiêu M&A để hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín ở cả 2 cấp độ.
“Đối với các công ty PAN đã đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp, Tập đoàn sẽ tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu tại các thời điểm thị trường thuận lợi để tối ưu hóa hiệu quả đầu tư. Đồng thời sẽ tìm kiếm những đối tác chiến lược cùng tham gia hỗ trợ hoạt động kinh doanh và chia sẻ lợi ích. Hoạt động M&A sẽ được thực hiện ở cả cấp độ Tập đoàn và các công ty thành viên, để bổ sung những mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị”, bà nói.
Song hành cùng M&A, công ty cũng đẩy mạnh hợp tác với các đối tác quốc tế, tiêu biểu là với Syngenta trong mảng nông dược và CP Group trong mảng tôm. Những hợp tác này không chỉ nâng cao năng lực sản xuất, nghiên cứu mà còn mở rộng cơ hội phân phối sản phẩm trên thị trường nội địa cũng như toàn cầu.
"Chúng tôi luôn hướng tới việc hiểu đối tác và nhu cầu của doanh nghiệp: Mình có gì, cần gì và đối tác có gì, cần gì. Từ đó mới có được hợp tác thực chất, mang lại lợi ích cho cả 2 bên một cách bền vững" – Bà Trà My nhấn mạnh.
Những chiến lược này đã giúp PAN Group nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần hàng đầu trong nhiều mảng: 21% thị phần đứng đầu mảng giống cây trồng, thứ 2 mảng thuốc bảo vệ thực vật với 12% thị phần, top 3 trong lĩnh vực xuất khẩu tôm…
Đến nay, những chiến lược trên mang lại kết quả rất tích cực cho ông lớn ngành nông nghiệp và thực phẩm này.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, PAN Group thu về 6,840 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 170 tỷ đồng lợi nhuận ròng, tăng lần lượt 29% và 65% so với cùng kỳ. Kết quả này cũng nối dài giai đoạn kinh doanh ấn tượng của PAN Group, khi họ cũng vừa ghi nhận lãi kỷ lục hơn 400 tỷ đồng trong năm 2023.
Trong 3 lĩnh vực kinh doanh chính, Bà Trà My cho biết, lĩnh vực nông nghiệp đang là động lực tăng trưởng chính của Tập đoàn. Điều này cũng thể hiện qua số liệu kinh doanh: trong 6 tháng đầu năm, lĩnh vực nông nghiệp đóng góp 41% vào tổng doanh thu, nhưng mang về 60% lợi nhuận cho cả Tập đoàn.
Kế đó là lĩnh vực thủy sản với tỷ lệ đóng góp 44% vào doanh thu và 30% vào lợi nhuận. Gần đây, lĩnh vực thủy sản cũng được ban lãnh đạo PAN Group chú trọng đầu tư, như công ty thành viên FMC vừa bổ sung thêm vùng nuôi tôm mới và ghi nhận tỷ lệ thành công vượt trội gần 90%.
"Vùng nuôi tôm mới với diện tích tăng gấp đôi đã mang lại kết quả khả quan, giúp giảm giá thành đầu vào và tăng giá bán cho các thị trường khó tính" – Bà Trà My chia sẻ.
Mảng thực phẩm đóng gói cũng có nhiều triển vọng hứa hẹn. Chẳng hạn như công ty bánh kẹo Bibica đã mở kênh xuất khẩu bánh crackers, kẹo, bánh cookies sang Hàn Quốc, Nhật Bản trong năm 2023 và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong 6 tháng đầu năm, mảng này ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng trưởng gần 260%, lên gần 21 tỷ đồng.
Ở khía cạnh vận hành, PAN Group dù là một tập đoàn lớn với nhiều công ty thành viên vẫn duy trì sự linh hoạt và nhanh nhạy trong quản trị doanh nghiệp. Tập đoàn áp dụng mô hình phân quyền, trao quyền tự chủ cho các công ty thành viên trong việc điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, miễn là phù hợp với các mục tiêu chiến lược đã đề ra.
"Chúng tôi cho rằng, các sáng kiến và quyết định đúng đắn thuộc về những người hiểu rõ công việc mình làm và chịu trách nhiệm về công việc đó” – vị Tổng Giám đốc lý giải.
PAN Group không chỉ tập trung vào tăng trưởng mà còn cam kết mạnh mẽ với việc phát triển bền vững. Đặc biệt, Công ty rất coi trọng việc thực hành ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) trong hoạt động kinh doanh.
“Tại PAN, chúng tôi xem phát triển bền vững là vấn đề cốt lõi luôn song hành cùng hiệu quả kinh doanh. Tập đoàn chủ trương lợi ích kinh tế phải được cân bằng với bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội” – Bà Trà My nói. “Các hoạt động kinh doanh, sản xuất của PAN Group luôn tích hợp các yêu cầu về phát triển bền vững”.
Đó không chỉ là lời nói suông. Đến cuối năm 2023, PAN Group đã công bố 9 báo cáo phát triển bền vững từ năm 2015 và nhận được 13 giải thưởng về quản trị doanh nghiệp và phát triển bền vững trong năm 2023. Công ty cũng ghi nhận đã trồng 555,163 cây ở 9 tỉnh thành trong giai đoạn 2020-2023, đồng thời tích cực hỗ trợ cộng đồng.
Những cam kết này đã mang lại lợi ích thiết thực cho PAN Group, như thu hút được các nguồn vốn quốc tế như IFC, Standard Chartered… thông qua các thỏa thuận xanh và giúp các sản phẩm của PAN Group đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.
Với chiến lược phát triển bền vững, tập trung vào chuỗi giá trị từ nông trại đến bàn ăn, PAN Group đặt mục tiêu đầy tham vọng cho 5 năm tới: Trở thành tập đoàn hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm đạt doanh số 1 tỷ USD và lợi nhuận 100 triệu USD.
Tuy nhiên, con đường phía trước không thiếu thách thức. Biến đổi khí hậu đang tạo ra những tác động ngày càng lớn đến nông nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục đổi mới và thích ứng. Cạnh tranh gay gắt trên thị trường quốc tế, đặc biệt là từ các nước có nền nông nghiệp phát triển, cũng là một rào cản cần vượt qua.
Để đạt được mục tiêu này, chiến lược của PAN Group trong 10 năm tới là tập trung vào việc phát triển nội tại từ nền tảng sẵn có, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và tạo kết nối trên chuỗi nông nghiệp tới thực phẩm. PAN Group cũng sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào R&D, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Về mặt sản phẩm, Công ty sẽ tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu để tạo lợi thế cạnh tranh.
Đề ra mục tiêu tỷ đô, PAN Group không chỉ đặt ra một thách thức lớn cho chính mình, mà còn muốn nâng cao vị thế cho cả ngành nông nghiệp và thực phẩm Việt Nam.
"Chúng tôi không chỉ muốn trở thành một tập đoàn lớn về quy mô mà còn muốn tạo ra những giá trị bền vững cho xã hội. Chúng tôi mong muốn góp phần nâng cao vị thế của nông nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời cải thiện đời sống của người nông dân và mang lại những sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng.
Chúng tôi tin rằng, với nền tảng vững chắc đã xây dựng được và chiến lược phát triển rõ ràng, PAN Group sẽ có thể sớm đạt được mục tiêu 1 tỷ USD doanh thu trong thời gian tới" – Bà Trà My khẳng định.
Hãy bình chọn Doanh nghiệp niêm yết có hoạt động IR tốt nhất năm 2024 cho PAN từ ngày 01/08/2024 đến 14/08/2024 tại website của Chương trình IR Awards 2024 (ir.viestock.vn).
|
Vũ Hạo
Thiết kế: Tuấn Trần
FILI
|