Thứ Ba, 06/08/2024 09:59

Hợp tác là chìa khóa chống biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu là thách thức cấp thiết và phức tạp. Cuộc chiến này đòi hỏi nhiều hơn nữa sự hợp tác, tài chính và những hành động mang tính tập thể ngay bây giờ.

Tại sự kiện Hội nghị thượng đỉnh: 3P Green Impact, ông Tim Evans - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam đã có những chia sẻ về sự cấp bách của vấn đề chống biến đổi khí hậu.

Ông Tim Evans - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam

Sự cấp bách của vấn đề khí hậu

Liên hiệp quốc ước tính đến cuối thế kỷ này, nhiệt độ sẽ ấm lên 3°C do tốc độ giảm phát thải không theo kịp những điều kiện cần để đạt được cam kết cân bằng phát thải nhiều bên đã đưa ra trên thế giới.

Báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu IPCC năm nay ước tính gần một nửa dân số toàn cầu đang sống trong các khu vực rất dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Ước tính của Ngân hàng Thế giới thậm chí còn cao hơn. Theo báo cáo nghiên cứu chính sách tháng 11/2023 của tổ chức này, 4.5 tỷ người đang bị ảnh hưởng bởi các sự kiện thời tiết cực đoan như ngập lụt, hạn hán, bão nhiệt đới hoặc nắng nóng cực đoan.

Doanh nghiệp sẽ đóng vai trò then chốt trong các nỗ lực chung nhằm giải quyết khủng hoảng này.

Chiến đấu với biến đổi khí hậu như thế nào?

Trong 2 năm qua, nhiều cột mốc trên hành trình chống biến đổi khí hậu của Việt Nam, từ cam kết cân bằng phát thải đưa ra tại COP26 đến Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, trọng tâm của hành trình này vẫn không thay đổi.

Thứ nhất, hợp tác là chìa khóa. Biến đổi khí hậu là bài toán không của riêng ai và cũng không ai có thể giải bài toán này một mình. Thực tế, chưa khi nào cần hợp tác chặt chẽ với nhau như lúc này. Cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức và Chính phủ cần đồng lòng hợp sức đạt được các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng.

Thứ hai, chuyển đổi năng lượng là cốt lõi. 80% nguồn cung năng lượng chính của thế giới đến từ than đá, dầu mỏ và khí đốt và quá trình khai thác, vận chuyển và sử dụng chiếm tới 3/4 tổng phát thải carbon toàn cầu. Cũng giống như nhiều quốc gia khác, hành trình chuyển dịch của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào việc chuyển sang năng lượng sạch, trên quy mô lớn. Than đá cung cấp khoảng 3/4 tổng sản lượng điện. Tỷ trọng than đá gia tăng phản ánh nhu cầu điện tăng cao do kinh tế tiếp tục phục hồi và nắng nóng gay gắt khiến người dân dùng điều hòa nhiều hơn. Cân bằng phát thải đòi hỏi cần thận trọng cân nhắc dừng hoạt động sớm các nhà máy nhiệt điện than có trách nhiệm, đồng thời vẫn đảm bảo sản lượng điện đáp ứng nhu cầu gia tăng thông qua các nguồn tái tạo mới và sạch.

"Tại COP28 năm ngoái, tôi rất ấn tượng với tinh thần quyết tâm tăng gấp ba sản lượng năng lượng tái tạo vào năm 2030 và chuyển dịch dần khỏi nhiên liệu hóa thạch. Vai trò của năng lượng tái tạo cũng được nhấn mạnh trong Quy hoạch điện 8 của Việt Nam, trong đó năng lượng tái tạo được kỳ vọng chiếm trên 30% cơ cấu năng lượng", Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam chia sẻ.

Tin tốt là Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi và Chính phủ cam kết đạt cân bằng phát thải vào năm 2050. Tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam mang đến tiềm năng để thu hút thêm đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo đang phát triển nhưng cũng cần thúc đẩy sự tham gia từ khu vực tư nhân nhiều hơn nữa.

Vai trò trọng yếu của ngành tài chính

Các ngân hàng như HSBC có thể hỗ trợ Việt Nam duy trì tăng trưởng thông qua hành trình chuyển dịch tuần tự sang năng lượng sạch, củng cố sự vững vàng trong dài hạn, đồng thời hỗ trợ lao động và cộng đồng trên hành trình đó. Là một ngân hàng toàn cầu, HSBC có vai trò đặc biệt trong hành trình chuyển dịch hướng tới cân bằng phát thải. Đó là nhờ khả năng hỗ trợ tài chính, kết nối nhà đầu tư với các dự án trọng điểm trên toàn thế giới. Ngân hàng cung cấp một loạt sản phẩm tài chính bền vững và ESG giúp lồng ghép các mục tiêu bền vững với mục tiêu kinh doanh.

Quan trọng nhất là hỗ trợ khách hàng chuyển dịch - đây là tác động lớn nhất HSBC có thể tạo ra. Thứ hai, HSBC mong muốn đưa vốn đến nơi cần, nghĩa là đồng hành cùng các Chính phủ, tổ chức nhân đạo và xã hội tạo ra thay đổi mang tính hệ thống.

Đặc biệt, năm 2022, HSBC ký Biên bản ghi nhớ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, hỗ trợ Bộ trong việc xây dựng phương pháp tiếp cận thực tế trong việc hiện thực hóa các chiến lược cho phù hợp với các mục tiêu cân bằng phát thải của Việt Nam và mở ra các nguồn tài chính quốc tế nhằm hỗ trợ các mục tiêu này. Sáng kiến mới nhất trong khuôn khổ MOU này là chuỗi hội thảo "Tăng cường năng lực, phổ biến quy định pháp luật về biến đổi khí hậu và các giải pháp về chuyển dịch năng lượng" tổ chức tại Hà Nội, Cần Thơ và Nha Trang. 450 doanh nghiệp trong nước được cập nhật những thông tin chính sách quan trọng về môi trường, xu hướng và giải pháp chuyển dịch năng lượng vốn rất quan trọng cho việc chuyển dịch hướng đến cân bằng phát thải.

Năng lực tham gia của các ngân hàng còn có thể được nâng cao thông qua hợp tác - quy tụ các bên cần thiết lại để cùng vượt qua các thách thức. Thỏa thuận hợp tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) là một ví dụ tiêu biểu. JETP là những thỏa thuận tài chính đa phương, kết nối các quốc gia thuộc nhóm G7 cùng các định chế tài chính và Chính phủ các nước nhằm thúc đẩy việc giảm dần than đá, đồng thời giải quyết những hệ quả xã hội liên quan.

Năm 2022, Việt Nam ký thỏa thuận JETP với Nhóm đối tác Quốc tế (International Partners Group) bao gồm các quốc gia đã phát triển nhằm cung cấp 7.75 tỷ USD tương đương một nửa nguồn vốn cam kết để Việt Nam chuyển sang năng lượng xanh. Tài chính tư dẫn đầu là Liên minh tài chính Glasgow vì cân bằng phát thải (Glasgow Financial Alliance for Net Zero - GFANZ) mà HSBC là một thành viên, đã cam kết huy động lượng vốn ít nhất tương đương. Nguồn vốn này sẽ giúp thu hẹp khoảng cách về đầu tư và thu hút hàng tỷ USD vào quá trình chuyển dịch của Việt Nam.

Tuy nhiên, còn nhiều việc phải làm để mô hình này thực sự hiệu quả giữa các đối tác công và tư. Để mô hình này thành công ở bất kỳ nước nào, chính sách quốc gia phải hỗ trợ việc giảm dần than đá và mở rộng quy mô năng lượng tái tạo, bao gồm hạ tầng thuận lợi chẳng hạn như lưới điện và hệ thống quản lý điện thông minh. HSBC cam kết hỗ trợ mô hình này để có thể biến ý tưởng thành giao dịch thực tế nhằm đảm bảo vốn đầu tư được nhanh chóng dẫn đến các dự án bền vững.

Trở ngại

Thứ nhất, trở ngại trong việc tách bạch tăng trưởng kinh tế với phát thải. Tăng trưởng kinh tế thường gắn với gia tăng phát thải carbon và tiêu thụ năng lượng. Vì vậy, nếu duy trì các mô hình tăng trưởng kiểu cũ thì sẽ để lại tác động tiêu cực lên môi trường tự nhiên và khí hậu. Tuy nhiên, tin tốt là mối liên kết này không còn tồn tại ở các quốc gia đã phát triển: GDP của Mỹ tăng gấp đôi từ 1990 trong khi phát thải carbon giảm.

Mối liên kết này cũng đã suy yếu ở khắp mọi nơi: Trung Quốc tăng trưởng gấp 14 lần từ 1990 nhưng phát thải các-bon tăng gấp 5 lần. Ở Ấn Độ, tăng trưởng GDP cao hơn mức tăng phát thải carbon trên 50%. Tăng trưởng của Trung Quốc và Ấn Độ có hiệu quả về mặt năng lượng hơn châu Âu trước đây, hưởng lợi nhiều từ công nghệ mới. Vì vậy, Việt Nam cũng có thể duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong khi chuyển dịch hướng đến cân bằng phát thải. Từ 1990, GDP của Việt Nam tăng gấp 66 lần, trong khi phát thải carbon tăng 12 lần. Các ngân hàng như HSBC có thể hỗ trợ tài chính cho cả hai vế của phương trình này: Tăng trưởng kinh tế và giảm phát thải carbon.

Thứ hai, đầu tư vào hạ tầng bền vững thường gặp trở ngại do thiếu dự án đủ hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Thứ nhất là do số lượng hạn chế các dự án đủ điều kiện tiếp cận tín dụng ngân hàng, đáp ứng yêu cầu về rủi ro và lợi nhuận của nhà đầu tư. HSBC có thể huy động vốn từ khối tư ở quy mô lớn thông qua phát triển danh mục dự án đủ khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng và mô hình tài chính hỗn hợp có thể nhân rộng. Ngoài ra, nguyên nhân còn nằm ở sự thiếu sự hài hòa giữa các hệ thống phân loại khiến các quyết định tài chính trở nên khó khăn. Khả năng trao đổi qua lại và tính thống nhất trong tài chính bền vững và chuyển dịch có thể thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư. Ba là cần thêm kế hoạch chuyển dịch của doanh nghiệp và dữ liệu phát thải có thể so sánh giúp các ngân hàng đánh giá và tài trợ chuyển dịch cho khách hàng.

Các nền tảng tài chính hỗn hợp như Pentagreen, một liên doanh giữa HSBC và Temasek, có thể là giải pháp khả thi để vượt qua các trở ngại về khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng như vậy, kết hợp vốn công và tư cho hạ tầng bền vững. Nền tảng tài chính thông qua vốn nợ này hướng đến triển khai nguồn vốn hỗn hợp dưới dạng các khoản vay với quy mô lớn nhằm khai mở và huy động vốn thương mại cho các dự án ít có khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng nhằm thúc đẩy phát triển hạ tầng bền vững ở châu Á, với trọng tâm ban đầu là khu vực Đông Nam Á.

Trọng tâm chính là năng lượng tái tạo và lưu trữ năng lượng, vận tải sạch, cũng như các ngành xử lý nước và chất thải. Các giao dịch trong những lĩnh vực khác như thích nghi với biến đổi khí hậu, nông nghiệp và sử dụng đất cũng như các giải pháp ứng dụng công nghệ có khả năng được xem xét trong tương lai.

Mới đây, Pentagreen và Clifford Capital, một nền tảng tài chính hạ tầng, vừa công bố hợp tác cung cấp khoản vay xanh trị giá 30 triệu USD cho BE C&I Solutions nhằm xúc tiến xây dựng các dự án năng lượng sinh học bền vững phân tán ở khắp Đông Nam Á và Ấn Độ.

Có thể làm nhiều hơn nữa để giảm rủi ro cho các giao dịch với nguồn vốn ưu đãi. Chẳng hạn, các biện pháp chính sách cấp quốc gia có thể cho phép các ngân hàng tham gia bằng cách xác định danh mục các dự án đủ điều kiện tiếp cận tín dụng ngân hàng. Thêm nữa, thiết lập khung hợp đồng cấp quốc gia đối với điện gió, điện mặt trời và các năng lượng tái tạo khác có thể mang lại lợi ích cho các định chế tài chính tìm kiếm cơ hội tham gia, tạo ra sự thống nhất và mang lại khả năng so sánh giữa các dự án để giúp đánh giá rủi ro. Hầu hết tài chính hỗn hợp được triển khai ở cấp độ giao dịch theo hướng ít có khả năng nhân rộng.

Hàn Đông

FILI

Các tin tức khác

>   Chứng khoán tháng 8: Thận trọng đứng ngoài hay mạnh dạn tìm cơ hội? (06/08/2024)

>   Góc nhìn 06/08: VN-Index có thể điều chỉnh về vùng 1,150 - 1,170 điểm (05/08/2024)

>   Thị trường giảm sốc, vì đâu nên nỗi? (05/08/2024)

>   Liệu GEX, VHC và DGC có khả quan? (05/08/2024)

>   Góc nhìn tuần 05 - 09/08: Kiểm định vùng 1,240 - 1,245? (04/08/2024)

>   Góc nhìn 02/08: Tín hiệu rung lắc đã được dự báo trước? (01/08/2024)

>   Chuyên gia DNSE: Dòng vốn ngoại sẽ trở lại trong 12 - 18 tháng (01/08/2024)

>   Sự bền bỉ của thị trường chứng khoán (01/08/2024)

>   Góc nhìn 01/08: Động lượng trung hạn vẫn còn yếu? (31/07/2024)

>   Góc nhìn 31/07: Xu hướng giằng co chưa kết thúc, cần thận trọng (30/07/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật