Thứ Hai, 19/08/2024 12:05

Giá hợp lý của PC1, TCM và MSN là bao nhiêu?

Các công ty chứng khoán (CTCK) khuyến nghị mua PC1 do kỳ vọng lãi trước thuế 2024 tăng trưởng hơn 75%; mua TCM do tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ tại Hàn Quốc và Nhật Bản đã dần sôi động trở lại; kỳ vọng ở MSN do khoản lợi nhuận bất thường từ Masan Hi-Tech Materials.

Mua PC1 với giá mục tiêu 34,060 đồng/cp

CTCK VPBank (VPBankS) cho biết đối với mảng xây lắp và sản xuất công nghiệp, CTCP Tập Đoàn PC1 (HOSE: PC1) xây dựng kế hoạch năm 2024 với doanh thu đạt 5,000 tỷ đồng, giá trị ký mới là 7,500 tỷ đồng, trong đó riêng tại dự án đường dây 500KV Quảng Trạch - Phố Nối giá trị hợp đồng đạt 2,100 tỷ đồng bao gồm xây lập và cung cấp vật tư thiết bị.

Trong 6 tháng đầu năm, giá trị ký mới lần lượt đạt 2,682 tỷ đồng và 1,456 tỷ đồng, doanh thu lần lượt đạt 1,752 tỷ đồng và 1,068 tỷ đồng, mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Với backlog đến cuối tháng 6/2024 ở mức 4,392 tỷ đồng, thêm các dự án ký mới, VPBankS dự báo doanh thu lĩnh vực xây lắp và sản xuất công nghiệp có thể tăng trưởng 35%-40% đạt 3,520-4,000 tỷ đồng.

Những năm tiếp theo, VPBankS đánh giá triển vọng phát triển lạc quan cho lĩnh vực xây lắp điện và sản xuất công nghiệp của công ty khi Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được phê duyệt sẽ cụ thể hóa các dự án đầu tư trọng điểm trong giai đoạn 2021-2030, trong đó giá trị đầu tư lưới điện truyền tải và phân phối có giá trị 15 tỷ USD, điện năng lượng tái tạo (điện gió trên bờ, trên biến) với tổng công suất là 24,220 MW, giá trị đầu tư lên đến khoảng 70 tỷ USD. Công ty cũng thực hiện phát triển lĩnh vực xây lắp sang xây dựng các công trình hạ tầng, nhà xưởng khu công nghiệp, nơi mà Công ty đang chuyển hướng mạnh mẽ trong 3 năm qua.

Trong lĩnh vực sản xuất điện, sản lượng điện trong quý 2/2024 của PC1 đạt 227 triệu kWh (tăng 69% so với cùng kỳ) nhờ thủy điện hồi phục mạnh mẽ (tăng 149%) đạt sản lượng 147 triệu kWh, điện gió đạt 80 triệu kWh (tăng 7%). Lũy kế 6 tháng, sản lượng điện đạt 390 triệu kWh (tăng 23%).

Trong trung và dài hạn, đến năm 2026 PC1 vận hành ổn định 350MW điện năng lượng tái tạo, hợp tác và phát triển thành công 1,000 MW điện gió ngoài khơi. Đến năm 2035 vận hành thành công 1,000MW điện gió ngoài khơi.

Đối với lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp (KCN), trong năm 2024, Western Pacific (WP) sẽ thực hiện bàn giao và hạch toán doanh thu lợi nhuận từ dự án KCN Yên Phong 2A. Trong 6 tháng đầu năm 2024, WP đã bàn giao đất cho khách hàng và ghi nhận 545 tỷ đồng doanh thu và 191 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Với tỷ lệ sở hữu 30.08% tại WP, PC1 ghi nhận khoản lợi nhuận 42 tỷ đồng từ công ty liên kết theo phương pháp vốn chủ sở hữu (giảm khoảng 7 tỷ trong quý 2). Trong quý 2, WP cũng được phê duyệt đầu tư thêm 02 KCN trong nửa đầu năm 2024 (KCN Đồng Văn 5, Hà Nam -237ha; KCM Yên Lư, Bác Giang - 120ha)

Dự án mở rộng giai đoạn 2 đang được tập trung thực hiện công tác pháp lý và đã đạt chấp thuận quy hoạch 1/2000. Công ty dự kiến sớm đạt quyết định đầu tư vào cuối năm 2024, sẽ thực hiện đầu tư và đến 2026 sẽ có sản phẩm thương mại.

Tại lĩnh vực bất động sản nhà ở, doanh thu bất động sản thương mại trong kỳ của PC1 đạt thấp do các dự án đã cơ bản kinh doanh hết. Trong quý 3/2024 kế hoạch sẽ thực hiện khởi công dự án Tháp Vàng - Gia Lâm, trước đó Công ty trúng đấu giá dự án với giá trị đầu tư 570 tỷ đồng. Ngoài dự án Gia Lâm có quy mô nhỏ, VPBankS đánh giá các dự án bất động sản khác của PC1 sẽ tiếp tục dời giai đoạn đầu tư và kinh doanh sang 2025-2028.

Cuối cùng là lĩnh vực khai thác khoáng sản, doanh thu quý 2/2024 đạt 338 tỷ đồng (giảm 28% so với quý trước), lợi nhuận gộp đạt 37 tỷ đồng (giảm 72%), biên lợi nhuận gộp giảm xuống 11% so với mức 28.2% của quý 1, chủ yếu do giá Nickel trên thị trường giảm. Lũy kế 6 tháng, doanh thu đạt 816 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 171 tỷ đồng. Trong 6 tháng, công ty đã xuất bán gần 32 ngàn tấn quặng, trong 6 tháng cuối năm, tiếp tục kế hoạch xuất bán khoảng 32-34 ngàn tấn, vượt kế hoạch 50 ngàn tấn đã xây dựng.

Giá Nickel trên thị trường thế giới có biến động mạnh trong 7 tháng đầu năm, tăng mạnh trong quý 2 từ mức 17,00 USD/tấn lên 21,500 USD/tấn, tuy vậy giảm mạnh từ nửa cuối tháng 5 về dưới 16,000 USD/tấn vào cuối tháng 7/2024.

Cho năm 2024, VPBankS dự báo doanh thu và lợi nhuận trước thuế của PC1 lần lượt đạt 9,895 tỷ đồng và 683 tỷ đồng, tăng 28.3% và 75.4% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt 560 tỷ đồng, lợi nhuận thuộc cổ đông công ty mẹ đạt 379 tỷ đồng, thu nhập mỗi cổ phần đạt 1,218 đồng/cp, tăng 168% so với năm 2023.

Bằng cách xác định giá cổ phiếu theo phương pháp định giá từng phần - SOTP, VPBankS khuyến nghị mua cổ phiếu PC1 với giá mục tiêu 34,060 đồng/cp.

Xem thêm tại đây

Mua TCM với giá mục tiêu 58,500 đồng/cp

CTCK Phú Hưng (PHS) cho biết trong quý 2/2024, CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) ghi nhận kết quả kinh doanh phục hồi tích cực với doanh thu thuần tăng 18.5% so với cùng kỳ, đạt 847 tỷ đồng và lãi sau thuế tăng gấp 31 lần, đạt 72 tỷ đồng nhờ đơn hàng dệt may gia tăng trở lại, đặc biệt là đơn hàng từ thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản cùng với mức nền so sánh thấp.

Lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, PHS ước tính TCM ghi nhận doanh thu thuần và lãi sau thuế lần lượt là 2,214 tỷ đồng (tăng 17%) và 165 tỷ đồng (tăng 116% so với cùng kỳ), lần lượt hoàn thành 60% và 102% so với kế hoạch doanh thu-lợi nhuận 2024 TCM đề ra.

Mặt khác, biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận ròng trong quý 2/2024 lần lượt cải thiện đáng kể lên mức 18% (tăng 470 điểm cơ bản so với cùng kỳ) và 8.5% (tăng 820 điểm cơ bản) nhờ (1) giá bông nguyên liệu đầu vào giảm 20.4% tính đến cuối tháng 7/2024 nhờ nguồn cung bông dồi dào, (2) TCM ít chịu rủi ro liên quan đến cước vận tải tăng cao nhờ thị trường chính là Châu Á, (3) TCM sản xuất theo phương thức FOB cấp 2 có giá trị gia tăng cao nhờ lợi thế sở hữu chuỗi giá trị Dệt – Nhuộm – May hoàn chỉnh.

Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ vẫn là ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của TCM với tỷ trọng tính đến tháng 7/2024 đạt lần lượt là 28%, 20% và 20% trong cơ cấu doanh thu. Trong 7 tháng đầu năm 2024, doanh thu xuất khẩu đến Hàn Quốc và Nhật Bản đều chứng kiến sự tăng trưởng mạnh, lần lượt đạt 617 tỷ đồng (tăng 27.3%) và 448 tỷ đồng (tăng 9.6%). Trong khi đó, doanh thu xuất khẩu của TCM đến Mỹ thu hẹp lại còn 447 tỷ đồng (giảm 8.8%).

PHS nhận thấy rằng TCM có xu hướng đẩy mạnh đơn hàng đến Nhật Bản và Hàn Quốc nhờ vào đơn hàng ổn định dành cho công ty mẹ Eland Hàn Quốc và cả 2 thị trường này đều có tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ quần áo và phụ kiện phục hồi tốt hơn so với Mỹ. Tính đến cuối tháng 6/2024, tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ hàng thời trang, may mặc, phụ kiện tại Hàn Quốc và Nhật Bản đã dần sôi động trở lại, đạt lần lượt là 8% và 4.8% so với cùng kỳ. Trong khi đó, hoạt động bán lẻ quần áo tại Mỹ vẫn còn khá chậm khi chỉ số này tại đây chỉ đạt 0.6%.

Với tiềm năng trên, PHS khuyến nghị mua TCM với giá mục tiêu 58,500 đồng/cp.

Xem thêm tại đây

MSN: Giá hợp lý 96,400 đồng/cp

CTCK Bảo Việt (BVSC) dự báo năm 2024, doanh thu thuần của CTCP Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) đạt 86,840 tỷ đồng (tăng 11% so với cùng kỳ) và lợi nhuận ròng đạt 2,766 tỷ đồng (tăng 560.7%). Dự báo lần này có một số thay đổi chính: (i) điều chỉnh tăng đóng góp lợi nhuận từ Techcombank; và (ii) bổ sung thêm khoản lợi nhuận bất thường khoảng 1,000 tỷ của Masan Hi-Tech Materials trong việc bán 100% H.C Starck cho Mitsubishi, dự kiến sẽ ghi nhận trong nửa cuối năm nay. Điều này đồng nghĩa với việc kỳ vọng lợi nhuận 2 quý còn lại bình quân 650–700 tỷ đồng/quý, chưa tính các khoản bất thường, cao hơn từ 30-40% so với quý 2. BVSC tổng hợp các giả định chính trong dự báo trên như sau:

Tổng hợp các giả định kết quả kinh doanh của BVSC đối với MSN
Nguồn: BVSC

Nguồn: BVSC

Mặt khác, tại cuối quý 2/2024, nợ vay ròng của MSN ghi nhận ở mức 45,895 tỷ đồng, giảm 6,758 tỷ đồng so với cuối 2023 chủ yếu nhờ đã nhận được khoản đầu tư 250 triệu USD từ Bain Capital. BVSC cho rằng MSN đang có vị thế tài chính khá tốt để thực hiện các nghĩa vụ tài chính trong 12 tháng tới. Kỳ vọng hệ số nợ vay ròng/EBITDA sẽ giảm về 3.5x trong 2024 và 2.9x trong 2025.

BVSC cho rằng sự phục hồi mạnh mẽ của kết quả kinh doanh cốt lõi cộng với khoản lợi nhuận bất thường từ Masan Hi-Tech Materials sẽ mang lại nhiều động lực tích cực cho giá cổ phiếu MSN trong nửa cuối năm 2024. Do đó, bằng phương pháp SoTP, BVSC xác định giá hợp lý của MSN là 96,400 đồng/cp.

Xem thêm tại đây

Thượng Ngọc

FILI

Các tin tức khác

>   Góc nhìn tuần 19 - 23/08: Áp lực chốt lời có thể xảy ra? (18/08/2024)

>   Với 2 tỷ đồng, từ giờ tới cuối năm nên đầu tư bất động sản hay chứng khoán? (18/08/2024)

>   Doanh nghiệp xuất khẩu Việt hưởng lợi gì trước nhiều biến đổi của thế giới? (16/08/2024)

>   Góc nhìn 16/08: Tiếp tục giằng co? (15/08/2024)

>   Talkshow “Tài chính cho mọi người”: Nhận diện dòng tiền để tìm cơ hội đầu tư (15/08/2024)

>   Vietstock LIVE: Triển vọng nào cho nhóm cổ phiếu xuất khẩu? (15/08/2024)

>   Góc nhìn 15/08: Tiếp tục điều chỉnh rung lắc với biên độ nhỏ? (14/08/2024)

>   Góc nhìn 14/08: Ưu tiên hành động thận trọng (13/08/2024)

>   Đằng sau sự hoảng loạn (13/08/2024)

>   Góc nhìn 13/08: Khả năng sẽ tiếp tục rung lắc? (12/08/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật