Thứ Năm, 15/08/2024 09:27

Dư nợ bán lẻ - Từ bệ đỡ trở thành mối lo

Tín dụng bán lẻ đã từng là bệ đỡ quan trọng cho sự tăng trưởng của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Tuy nhiên, với sự thay đổi của các yếu tố kinh tế vĩ mô và tình hình thị trường, nó đang dần trở thành một mối lo lớn rất cần sự lưu ý của những nhà quản lý và bản thân các ngân hàng.

Hơn một thập niên ngân hàng bán lẻ trở thành xu thế

Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã trải qua một giai đoạn khó khăn, buộc phải tìm kiếm những hướng đi mới để đảm bảo sự ổn định và phát triển. Trong bối cảnh đó, hoạt động ngân hàng bán lẻ đã nổi lên như một xu thế tất yếu và được cổ xúy mạnh mẽ như một chiến lược nhằm đa dạng hóa rủi ro.

Ngân hàng bán lẻ, bao gồm các khoản vay tiêu dùng, vay mua nhà, vay mua ô tô và các hình thức tín dụng cá nhân khác, được coi là nguồn vốn rẻ và an toàn hơn so với các khoản vay doanh nghiệp lớn, vốn dễ bị ảnh hưởng bởi các biến động kinh tế vĩ mô. Quan điểm phổ biến lúc bấy giờ là tín dụng bán lẻ sẽ giúp phân tán rủi ro, làm giảm nguy cơ tập trung tín dụng vào một số ít khách hàng lớn và tạo ra một dòng thu nhập ổn định cho các ngân hàng.

Với niềm tin rằng, cho vay bán lẻ là một chiến lược an toàn và hiệu quả, hầu hết các ngân hàng Việt Nam đã nhanh chóng chuyển hướng và chạy theo trào lưu bán lẻ. Nhiều ngân hàng không chỉ tập trung vào phát triển các sản phẩm và dịch vụ bán lẻ mà còn tuyên bố trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu trên thị trường. Trong hơn một thập niên qua, xu hướng này đã không chỉ định hình lại cấu trúc ngành ngân hàng mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, khi tiêu dùng cá nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.

Tín dụng bán lẻ đã phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trong giai đoạn 2015-2021. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng dư nợ bán lẻ tại các ngân hàng thương mại tăng trung bình 20% mỗi năm trong giai đoạn này, đạt mức hơn 3 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2021. Sự phát triển này đã giúp nhiều người dân tiếp cận với các dịch vụ tài chính, tăng cường khả năng chi tiêu và đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP của Việt Nam.

Tín dụng bán lẻ có thực sự “bán lẻ”?

Trong hơn một thập niên qua, dư nợ bán lẻ tại các ngân hàng thương mại Việt Nam đã tăng trưởng với tốc độ vượt trội so với dư nợ cho vay doanh nghiệp. Theo số liệu từ NHNN, tính đến cuối năm 2021, dư nợ bán lẻ đã vượt mốc 3 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20-30% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, tốc độ tăng trưởng của dư nợ bán lẻ đã chậm lại đáng kể. Trong năm 2023, tăng trưởng tín dụng bán lẻ chỉ đạt khoảng 5%, giảm mạnh so với mức 20%/năm trong giai đoạn 2015-2021, trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng dư nợ bán lẻ tiếp tục chững lại, chỉ đạt khoảng 3%, tiếp tục đà giảm mạnh từ năm 2023, thấp hơn so với mức tăng trưởng tín dụng nói chung toàn nền kinh tế (khoảng 6%). Sự chững lại này xảy ra đồng thời với những thay đổi lớn trong môi trường kinh tế, đặt ra câu hỏi: Dư nợ bán lẻ có thực sự "bán lẻ", và liệu rủi ro tiềm ẩn trong lĩnh vực này có lớn hơn chúng ta nghĩ?

Để hiểu rõ vấn đề, cần nhìn sâu hơn vào cấu trúc của dư nợ bán lẻ. Đối với cho vay khách hàng cá nhân, có ba lĩnh vực chính mà các ngân hàng tập trung cho vay: Vay bất động sản nhà ở, vay sản xuất kinh doanh, và vay tiêu dùng khác. Trong suốt một thập niên qua, mặc dù tín dụng bán lẻ tăng trưởng nhanh chóng, nhưng có một điểm đáng chú ý là khoảng 60% trong tổng số dư nợ bán lẻ là các khoản vay liên quan đến bất động sản nhà ở và các dự án bất động sản. Một số ngân hàng, dù không chủ trương tập trung vào bán lẻ, cũng có tỷ lệ này lên đến trên 40%. Động lực/nguồn cung cho sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ các doanh nghiệp bất động sản nằm trong hệ sinh thái của các ngân hàng.

Sự phụ thuộc quá mức vào tín dụng bất động sản đã trở thành một nguy cơ tiềm ẩn cho hệ thống ngân hàng. Nếu thị trường bất động sản tiếp tục gặp khó khăn và lãi suất thời gian tới tiếp tục nhích lên, rủi ro này sẽ ngày càng hiển hiện.

Cơn bão từ đằng xa

Theo dõi diễn biến tăng trưởng tín dụng toàn ngành 6 tháng đầu năm 2024, có thể nhận thấy một sự chuyển dịch rõ nét: Tăng trưởng tín dụng bán lẻ đã chậm lại đáng kể, một số ngân hàng thậm chí ghi nhận mức tăng trưởng âm trong lĩnh vực cho vay nhu cầu nhà ở. Các ngân hàng thương mại đã không còn nói về cho vay bán lẻ trong bối cảnh cầu tiêu dùng tiếp tục yếu, phần lớn chuyển dịch sang cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp lớn, một số tập trung phục vụ khách hàng FDI.

Nhưng việc tăng trưởng chậm lại chưa phải là vấn đề, điều đáng lo hơn cả là chất lượng dư nợ đang có chiều hướng xấu đi nhanh. Theo số liệu từ NHNN, tính tới cuối tháng 6/2024, nợ xấu tổng thể của hệ thống ngân hàng vào khoảng 6.9%, trong khi nợ xấu nội bảng khoảng 5%, dư nợ xấu tuyệt đối tăng 20% so với năm 2023, có tới 24 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng so với năm 2023, trong đó nhiều ngân hàng có nợ xấu tuyệt đối tăng 30-50%, tập trung ở các ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ.

Đối với dư nợ bán lẻ, dù không có con số cụ thể bóc tách nợ xấu của hoạt động bán lẻ để đánh giá mức độ ảnh hưởng của hoạt động này lên tổng thể hoạt động của hệ thống ngân hàng, tuy nhiên, dựa trên đặc tính của khoản vay nhu cầu nhà ở tại Việt Nam (giá trị khoản vay lớn, thời hạn vay thực tế ngắn) có thể rút ra một số nhận định đáng lưu ý:

(i) Dư nợ chủ yếu đáp ứng nhu cầu của phân khúc khách hàng cao cấp tại ngân hàng, không phải là đại bộ phận người dân.

(ii) Có một bộ phận không nhỏ khách hàng không có nhu cầu ở thực đang đầu cơ bất động sản thông qua các khoản vay tại ngân hàng.

Từ đó gợi ý về bức tranh khá u ám trong thời gian tới:

- Những khách hàng đầu cơ đang được hưởng lợi nhờ mặt bằng lãi suất thấp đã được duy trì hơn 1 năm rưỡi qua, nhưng mặt bằng lãi suất đang có chiều hướng nhích lên trong thời gian tới.

- Trên thực tế nguồn trả nợ đến từ việc chốt lời khoản đầu cơ, tuy nhiên, thị trường bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc, ngay cả khi hệ thống Luật mới đã bắt đầu có hiệu lực nhưng thực sự chưa đi vào cuộc sống.

Những điều này đang tạo một áp lực vô hình lên chất lượng của các khoản dư nợ bán lẻ của các ngân hàng thương mại khi nguồn trả nợ chủ yếu lại chính là việc bán tài sản bảo đảm và phụ thuộc phần lớn vào sự ấm lên của thị trường bất động sản – một điều rất không chắc chắn nếu xét trên bối cảnh hiện nay.

Tín dụng bán lẻ đã từng là bệ đỡ quan trọng cho sự tăng trưởng của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Tuy nhiên, với sự thay đổi của các yếu tố kinh tế vĩ mô và tình hình thị trường, nó đang dần trở thành một mối lo lớn rất cần sự lưu ý của những nhà quản lý và bản thân các ngân hàng.

LH

FILI

Các tin tức khác

>   Phó Tổng phụ trách Khối Bán lẻ OCB xin thôi nhiệm  (14/08/2024)

>   NAB là một trong hai cổ phiếu được đưa vào rổ MSCI Frontier Market Index (14/08/2024)

>   NAB là một trong hai cổ phiếu được đưa vào rổ MSCI Frontier Market Index (14/08/2024)

>   Eximbank tiên phong ứng dụng công nghệ xác thực giọng nói qua tổng đài (14/08/2024)

>   VPBank khai trương chi nhánh Flagship ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam (13/08/2024)

>   Ngân hàng duy nhất tại Việt Nam nhận "giải thưởng xanh" từ The Asian Banker (13/08/2024)

>   Sở hữu ngay thẻ visa NCB, thỏa sức du lịch sang chảnh dịp 2/9 này (13/08/2024)

>   Thị trường tài chính tiêu dùng bước vào chu kỳ tăng trưởng mới (13/08/2024)

>   Trở thành doanh nghiệp số - Điểm khác biệt trong chiến lược kinh doanh của MB (13/08/2024)

>   SHB được vinh danh là “Ngân hàng có sản phẩm dịch vụ sáng tạo tiêu biểu” (12/08/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật