Chủ sở hữu Temu dự báo kém vui về tương lai, cổ phiếu lao dốc 29%
Cổ phiếu của PDD Holdings, công ty mẹ của nền tảng thương mại điện tử Temu, sụt giảm 29% trong ngày 26/08, mức giảm mạnh nhất kể từ khi công ty này IPO vào năm 2018. Nguyên nhân đến từ lời cảnh báo từ chính ban lãnh đạo PDD về sự chậm lại không thể tránh khỏi của tăng trưởng doanh thu.
Trong cuộc họp báo sau công bố kết quả kinh doanh, Chen Lei, đồng sáng lập PDD, đã không ngừng nhấn mạnh rằng đà tăng trưởng hiện tại của PDD là không bền vững. "Cạnh tranh sẽ tiếp tục tồn tại và dự kiến sẽ trở nên gay gắt hơn trong ngành của chúng tôi”, ông Chen chia sẻ với các nhà phân tích. "Tăng trưởng doanh thu cao không bền vững, và xu hướng giảm lợi nhuận là không thể tránh khỏi”.
Lời cảnh báo này càng trở nên đáng lo ngại trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường thương mại điện tử Trung Quốc. Các đối thủ như TikTok của ByteDance và Alibaba đang tích cực săn đuổi phân khúc khách hàng nhạy cảm về giá - vốn là thế mạnh truyền thống của PDD.
Kết quả kinh doanh quý 2/2024 của PDD cũng không mấy khả quan. Doanh thu đạt hơn 97 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 13.6 tỷ USD), thấp hơn kỳ vọng của thị trường ở mức 100 tỷ Nhân dân tệ. Đây là lần đầu tiên trong 10 quý liên tiếp PDD không đạt được kỳ vọng về doanh thu. Tuy nhiên, lãi ròng của công ty vẫn vượt dự báo, đạt 32 tỷ Nhân dân tệ.
Chiến lược mở rộng toàn cầu thông qua Temu của PDD đang gặp phải nhiều thách thức. Mặc dù Temu đã nhanh chóng trở thành một trong những ứng dụng được tải xuống nhiều nhất ở Mỹ sau khi ra mắt năm 2022, nhưng nó cũng đang phải đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng từ các cơ quan quản lý. Liên minh Châu Âu (EU) đang xem xét đề xuất đóng lỗ hổng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa giá rẻ mua trực tuyến, một động thái có thể ảnh hưởng đáng kể đến Temu và các nhà bán lẻ Trung Quốc khác.
Trên thị trường nội địa, PDD cũng đang gặp khó khăn. Vào tháng 7, hàng trăm người bán hàng trên nền tảng Temu đã tổ chức biểu tình bên ngoài văn phòng của công ty ở miền nam Trung Quốc, phản đối những gì họ cho là các hình phạt không công bằng từ nền tảng. Điều này buộc PDD phải cân nhắc đầu tư nhiều hơn để hỗ trợ các đối tác kinh doanh của mình.
Wang Xiaoyan, Chuyên viên phân tích tại 86Research, nhận định: "Trong tương lai, PDD sẽ đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt ở Trung Quốc, với những người bán hàng trên nền tảng đang trải qua thời kỳ khó khăn. PDD có thể sẽ đầu tư nhiều hơn vào Trung Quốc, và điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ thấy sự suy giảm của tập đoàn trên thị trường Trung Quốc”.
Sự sụt giảm của cổ phiếu PDD cũng ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản của người sáng lập Colin Huang. Chỉ sau 18 ngày giữ vị trí người giàu nhất Trung Quốc với tài sản 49.3 tỷ USD, Huang đã mất ngôi vị này sau cú giảm mạnh của cổ phiếu.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|