Cá nhân mua bán hơn 10 bất động sản trong một năm có bị ‘tuýt còi’ vô hiệu hoá?
Theo chuyên gia pháp lý, quy định về tiêu chí, hạn mức kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ là đúng đắn, hợp pháp và phù hợp thực tiễn nhưng cần làm rõ nhiều vấn đề để kiểm soát và “tuýt còi” các cá nhân kinh doanh vượt hạn mức quy mô nhỏ.
Tiêu chí kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ
Tại Điều 7, Nghị định 96/2024/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 96, có hiệu lực từ 1/8) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản 2023, nêu các tiêu chí về kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ; không nhằm mục đích kinh doanh và dưới mức quy mô nhỏ.
Theo đó, cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ phải đáp ứng các yêu cầu là: Không thuộc trường hợp phải lập dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về xây dựng, nhà ở. Không thuộc trường hợp có giá trị quá 300 tỷ đồng trên một hợp đồng và có số lần giao dịch quá 10 lần trong một năm. Trường hợp giao dịch 1 lần trong một năm thì không tính giá trị.
Đại diện pháp chế một doanh nghiệp bất động sản cho biết, theo quy định trên, cá nhân kinh doanh bất động sản được gọi là kinh doanh quy mô nhỏ phải đáp ứng đồng thời 2 điều kiện là không thuộc trường hợp phải lập dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về xây dựng, nhà ở. Và không thuộc trường hợp có giá trị tính trên 1 hợp đồng bán, chuyển nhượng bất động sản quá 300 tỷ đồng, không thuộc trường hợp có số lần giao dịch bán, chuyển nhượng quá 10 lần trong một năm.
Trường hợp ngược lại thì cá nhân phải thành lập doanh nghiệp để đảm bảo điều kiện kinh doanh bất động sản.
“Như vậy, nếu cá nhân chỉ vượt 1 trong 2 tiêu chí thì vẫn được xác định là quy mô nhỏ. Cụ thể, trường hợp có giá trị giao dịch tính trên 1 hợp đồng bán, chuyển nhượng là quá 300 tỷ đồng nhưng tổng số lần bán, chuyển nhượng trong một năm không quá 10 lần. Hoặc trường hợp có giá trị giao dịch tính trên 1 hợp đồng bán, chuyển nhượng đều dưới 300 tỷ đồng và tổng số lần bán, chuyển nhượng trong một năm là quá 10 lần”, vị này phân tích.
“Siết” điều kiện của chủ thể kinh doanh bất động sản giúp tăng cường quản lý nhà nước, xây dựng thị trường hoạt động ổn định, lành mạnh. Ảnh minh hoạ: Hồng Khanh
|
Cũng theo đại diện pháp chế doanh nghiệp, theo Điều 38 của Nghị định 96 thì quy định trên chỉ áp dụng đối với các bất động sản mà cá nhân ký hợp đồng mua bán, nhận chuyển nhượng, bao gồm cả bất động sản hình thành trong tương lai tại các dự án từ ngày 1/8/2024 trở đi.
Đối với các bất động sản mà cá nhân đã ký hợp đồng mua bán, nhận chuyển nhượng bất động sản, bao gồm cả bất động sản hình thành trong tương lai tại các dự án trước ngày 1/8 thì không áp dụng quy định nêu trên.
“Siết” điều kiện của chủ thể kinh doanh bất động sản là cần thiết
Trao đổi với PV VietNamNet, chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh cho biết, trước hết, cần phải nhấn mạnh rằng kinh doanh bất động sản là một trong số hơn 200 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư.
Kinh doanh bất động sản là lĩnh vực đặc thù, có tính phức tạp cao, đòi hỏi những chủ thể tham gia kinh doanh phải có hiểu biết chuyên sâu trong nhiều lĩnh vực pháp lý, tài chính, thị trường, xây dựng… Lĩnh vực này cũng tạo ra nhiều rủi ro cho chính chủ thể kinh doanh cũng như các chủ thể có liên quan, gồm khách hàng, cơ quan quản lý nhà nước…
“Việc pháp luật “siết” điều kiện của chủ thể kinh doanh bất động sản là cần thiết. Chủ thể tham gia vào quan hệ kinh doanh bất động sản cũng cần chịu sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, gồm trách nhiệm báo cáo định kỳ về các giao dịch, công khai thông tin để Nhà nước xây dựng dữ liệu về thị trường bất động sản, giúp tăng cường quản lý nhà nước, xây dựng thị trường hoạt động ổn định, lành mạnh, hạn chế các hành vi lừa đảo, thổi giá…”, ông Đỉnh nói.
Dẫn chứng từ vụ án Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm (thường gọi là “vụ án Alibaba”), vị chuyên gia chỉ ra kẽ hở của hệ thống pháp luật, chưa minh định được trường hợp nào các chủ thể thực hiện hoạt động bán, chuyển nhượng bất động sản sẽ phải lập tổ chức kinh tế và thực hiện theo Luật Kinh doanh bất động sản, quy mô nào thì được kinh doanh bằng tư cách cá nhân.
Điều này khiến các bị can, bị cáo thực hiện thủ tục phân lô, tách thửa, chuyển nhượng bất động sản quy mô lớn với tư cách cá nhân.
“Do đó, pháp luật cần định lượng thế nào là kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ nếu vượt quá quy mô đó thì buộc chủ thể kinh doanh phải thành lập tổ chức kinh tế và thực hiện theo Luật Kinh doanh bất động sản nhằm bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích của các chủ thể trong hoạt động kinh doanh”, ông Đỉnh cho biết.
Vị chuyên gia cũng đặt vấn đề là cần trả lời thỏa đáng cơ chế bảo đảm thực hiện quy định của Nghị định 96.
Cụ thể, làm thế nào để kiểm soát được và “tuýt còi” các cá nhân kinh doanh bất động sản vượt hạn mức quy mô nhỏ? Chế tài áp dụng là gì? Và nếu một cá nhân cố tình mua, bán bất động sản vượt hạn mức quy mô nhỏ (ví dụ mua, bán nhiều hơn 10 căn nhà trong một năm) thì các giao dịch vượt hạn mức có vô hiệu không? Hậu quả pháp lý là gì?
Theo ông Đỉnh, cần làm rõ những vấn đề trên thì mới thuận tiện cho các chủ thể áp dụng và quy định của Nghị định 96 mới thực sự đi vào thực tiễn cuộc sống.
Hồng Khanh
VietNamNet
|