Thứ Sáu, 02/08/2024 07:10

Mở rộng đối tượng mua gom đất trồng lúa, xuất hiện ‘tay to’ đi săn đất sào

Luật Đất đai 2024 quy định, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được phép nhận chuyển nhượng hoặc nhận tặng cho đất trồng lúa. Thực tế, đã xuất hiện các nhà đầu tư tìm mua đất sào nông nghiệp với kỳ vọng đón đầu nhu cầu gia tăng.

Mở rộng đối tượng, tăng giá trị đất nông nghiệp

Trao đổi tại tọa đàm "Vận hội mới của thị trường bất động sản" do báo Dân Việt tổ chức hôm nay (1/8), ông Lê Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết, trước đây, khi bàn đến bất động sản chủ yếu bàn về nhà ở, bất động sản công nghiệp, đất dịch vụ thương mại,...

Tuy nhiên, với Luật Đất đai 2024, quyền sử dụng đất nông nghiệp sẽ được quan tâm hơn. Trong đó, cho phép cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa. 

Theo ông Bình, trước đây, đất lúa chỉ cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp mới được nhận chuyển quyền sử dụng đất lúa. Hiện nay, với quy định mới, các cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nếu có điều kiện, có khả năng trồng lúa, cũng được nhận quyền chuyển nhượng để đầu tư sản xuất.

Điều kiện nhận hạn mức giao đất theo quy định của địa phương, nếu vượt quá hạn mức thì phải thành lập doanh nghiệp, có phương án sử dụng đất được cơ quan nhà nước chấp thuận.  

“Như vậy, đất nông nghiệp sẽ có giá trị hơn. Khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, phân khúc này sẽ phát triển sôi động. Quyền sử dụng đất nông nghiệp của người nông dân có giá trị, người dân sẽ chú ý đầu tư cải tạo đầu tư vào đất để làm tăng lợi nhuận. Những người đi nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp thấy giá trị cũng sẽ tôn trọng quyền sử dụng đất, tìm cách đầu tư vốn, vật tư, kỹ thuật gia tăng giá trị”, ông Bình đánh giá. 

Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, đất nông nghiệp sẽ được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Ảnh: Hồng Khanh

Trao đổi với VietNamNet, luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law firm, cho rằng, điểm mới này mang lại nhiều lợi ích cho người dân và nền nông nghiệp Việt Nam. 

“Giờ đây, các nhà đầu tư dù chưa từng làm nông vẫn có thể mua đất để đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, sử dụng máy móc và thiết bị hiện đại và thuê mướn nhân công phục vụ cho việc canh tác, trồng trọt. Điều này đồng nghĩa với việc bất kỳ ai có tài chính đều có thể tham gia vào lĩnh vực này. 

Theo đó, sẽ mở ra cơ hội kinh doanh mới, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế nông thôn, tạo thêm việc làm và cải thiện đời sống người lao động. Đồng thời cũng giúp tối ưu hóa việc sử dụng đất nông nghiệp, tránh tình trạng bỏ hoang hoặc sử dụng đất không hiệu quả”, ông Tú nhận định.

Thị trường sôi động nhưng khó “sốt” 

Thực tế, trong giai đoạn 2020-2022, tình hình giao dịch bất động sản nông nghiệp khá sôi động. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân đi mua gom đất nông nghiệp, bao gồm cả đất trồng lúa với mục đích chuyển đổi phân lô bán nền tạo nên “cơn sốt” thời điểm đó.

Thời gian gần đây, đã xuất hiện các nhà đầu tư tìm mua đất sào nông nghiệp với kỳ vọng đón đầu nhu cầu có thể bật tăng, nhất là khi các luật mới có hiệu lực từ 1/8.

Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản cho biết, tại khu vực Đồng bằng Bắc Bộ chưa có nhiều nhà đầu tư, nhưng với những nơi tập trung nhiều đất vườn, đồi núi quy mô lớn như Tây Nguyên, một số tỉnh lân cận TP.HCM... các nhà đầu tư đã tích cực thu gom. 

Theo vị này, thời gian tới, thị trường đất nông nghiệp sẽ sôi động hơn, song “rất khó có thể xảy ra sốt đất nông nghiệp”. Các quy định mới chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân và phù hợp với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Còn với hoạt động thu gom mua đất nông nghiệp rồi chờ chuyển đổi mục đích, phân lô bán nền là rất khó khả thi. 

“Với các điều kiện chặt chẽ về chuyển mục đích, cùng với quy định về việc thu hồi, khiến nhà đầu tư một khi đã mua đất nông nghiệp thì phải tính toán đưa vào sử dụng, việc bỏ hoang lâu ngày sẽ đứng trước nhiều rủi ro.

Thực tế, sau cơn sốt trước đó, giá đất nông nghiệp tại nhiều khu vực đã đội lên cao nên khó đạt kỳ vọng trong ngắn hạn, nhà đầu tư phải xác định tầm nhìn dài hạn 3-5 năm”, vị này khuyến cáo. 

Về việc chuyển mục đích đất nông nghiệp, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai Lê Văn Bình nhấn mạnh, phải thực hiện theo quy hoạch, tuân thủ theo chỉ tiêu đất trồng lúa hơn 3 triệu ha để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. 

“Quy hoạch quốc gia phân bổ cho các địa phương phải tôn trọng và giữ vững chỉ tiêu đó. Còn lại, có những loại đất nông nghiệp được chuyển đổi linh hoạt sang trồng cây hàng năm, nuôi trồng thuỷ sản, có những loại được chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng theo quy định của pháp luật”, ông Bình cho hay.

Hồng Khanh

VietNamNet

Các tin tức khác

>   Bà Rịa - Vũng Tàu bắt đầu siết kinh doanh homestay ở chung cư (02/08/2024)

>   Hạ tầng bứt phá mở đường cho thị trường BĐS khu Nam TPHCM (02/08/2024)

>   Nghị định mới quy định về hoạt động của sàn giao dịch bất động sản như thế nào? (01/08/2024)

>   Luật Đất đai 2024 tạo môi trường đầu tư bất động sản minh bạch và ổn định hơn (01/08/2024)

>   HoREA kiến nghị TPHCM chưa nên áp dụng bảng giá đất mới từ ngày 01/08 (31/07/2024)

>   Chi tiết 5 dự án bất động sản tại TPHCM được gỡ vướng pháp lý hoàn toàn (31/07/2024)

>   TPHCM điều chỉnh bảng giá đất: Đặt vấn đề sao cho phù hợp? (31/07/2024)

>   5 lợi thế cạnh tranh khi đầu tư khu công nghiệp tại Việt Nam (31/07/2024)

>   Có 3 tỷ đồng vẫn khó mua căn hộ chung cư mới ở Hà Nội (31/07/2024)

>   Đấu giá đất vùng ven Hà Nội gần 100 triệu đồng/m2, có lo đầu cơ thổi giá? (31/07/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật