108 quốc gia có nguy cơ ‘kẹt bẫy’ thu nhập trung bình
Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo, 108 nước trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ và cả Việt Nam có nguy cơ mắc kẹt ở mức thu nhập trung bình.
Theo WB, nhiều nước trong số này đang dựa vào các chiến lược tăng trưởng lỗi thời, phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư. Điều đó có thể cản trở họ tiến lên nền kinh tế tiên tiến.
Đối mặt nhiều thách thức khi tiến lên vị thế thu nhập cao
Trong báo cáo công bố tuần trước, WB cho biết, bài học trong 50 năm qua là khi các nước trở nên giàu có hơn, họ sẽ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”. Theo đó, thu nhập nhập bình quân đầu người kẹt ở mức khoảng 10% mức thu nhập của người dân Mỹ, tương đương 8.000 đô la Mỹ.
Người dân băng qua một giao lộ ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Theo WB, Trung Quốc sẽ phải mất thêm 10 năm và Ấn Độ mất 75 năm nữa để đạt thu nhập bình quân đầu người bằng 25% mức của Mỹ. Ảnh: AFP
|
Kể từ năm 1990, chỉ có 34 nền kinh tế thu nhập trung bình chuyển sang trạng thái thu nhập cao. Hơn một phần ba trong số đó được hưởng lợi từ việc gia nhập Liên minh châu Âu (EU) hoặc nhờ phát hiện các trữ lượng dầu mỏ lớn.
Theo Indermit Gill, nhà kinh tế trưởng của WB, với xu hướng hiện nay, Trung Quốc sẽ phải mất thêm 10 năm và Ấn Độ 75 năm để đạt thu nhập bình quân đầu người bằng 25% mức của Mỹ.
“Quá nhiều nước thu nhập trung bình dựa vào các chiến lược lỗi thời để trở thành nền kinh tế tiên tiến. Họ phụ thuộc vào đầu tư quá lâu, hoặc họ chuyển sang đổi mới quá sớm”, Indermit Gill nhận xét.
Theo WB, tính đến cuối năm 2023, 108 nước được phân loại có thu nhập trung bình, với thu bình quân đầu người hàng năm dao động từ 1.136 đến 13.845 đô la Mỹ. Dữ liệu của WB cho thấy, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2022 ước tính đạt 4.010 đô la, tiệm cận với ngưỡng thu nhập trung bình cao.
Các nước thu nhập trung bình là nơi sinh sống của 6 tỉ người, chiếm 75% dân số toàn cầu. Trung bình, cứ 3 người ở khu vực thu nhập trung bình, có 2 người sống trong tình trạng nghèo cùng cực (thu nhập dưới 2,15 đô la/ngày). Các nước này đóng góp 40% GDP toàn cầu và là nguồn phát thải hơn 60% lượng khí thải carbon hàng năm trên thế giới.
Khi cố gắng thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, họ đối mặt với những thách thức lớn hơn nhiều so với những nước đã nỗ lực như vậy trước đây. Đó là dân số già hóa nhanh chóng, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng ở các nền kinh tế tiên tiến và nhu cầu cấp bách về chuyển đổi năng lượng.
Gill cho rằng, họ sẽ rất khó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Các nước thu nhập trung bình cần phải tạo ra những kỳ tích, không chỉ để để tiến lên vị thế thu nhập cao mà còn để thoát khỏi con đường tăng trưởng sử dụng nhiều carbon, gây hủy hoại môi trường.
Người dân băng qua một giao lộ ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Theo WB, Trung Quốc sẽ phải mất thêm 10 năm và Ấn Độ mất 75 năm nữa để đạt thu nhập bình quân đầu người bằng 25% mức của Mỹ. Ảnh: AFP
|
Câu chuyện thành công của Hàn Quốc nhờ “chiến lược 3i”
Báo cáo của WB đề xuất “chiến lược 3i” để các nước đạt được vị thế thu nhập cao. Tùy thuộc vào giai đoạn phát triển, tất cả các nước thu nhập thấp và trung bình cần áp dụng một loạt các chính sách có trình tự và nâng cao dần lên. Các nước thu nhập thấp có thể chỉ tập trung vào các chính sách được thiết kế để tăng đầu tư (increase investment), tức giai đoạn 1i.
Nhưng một khi đạt được vị thế thu nhập trung bình thấp, họ cần chuyển hướng và mở rộng tổ hợp chính sách sang giai đoạn 2i: đầu tư và hấp thụ công nghệ mới (investment and infusion). Điều này bao gồm việc áp dụng các công nghệ từ nước ngoài và phổ biến chúng trên toàn nền kinh tế.
Khi đạt mức thu nhập trung bình cao, các nước nên chuyển hướng sang giai đoạn 3i cuối cùng: đầu tư, hấp thụ công nghệ mới và đổi mới (investment, infusion, and innovation). Trong giai đoạn đổi mới, các nước không còn đơn thuần vay mượn ý tưởng từ các công nghệ tiên phong trên toàn cầu nữa mà cần vượt các giới hạn đó.
Báo cáo của WB ghi nhận, Hàn Quốc là ví dụ nổi bật trong cả ba giai đoạn của chiến lược 3i. Năm 1960, thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc chỉ ở mức 1.200 đô la. Đến cuối năm 2023, con số đó đã tăng lên 33.000 đô la.
Hàn Quốc bắt đầu nỗ lực cải thiện thu nhập bằng sự kết hợp chính sách đơn giản nhằm tăng cường đầu tư công và khuyến khích đầu tư tư nhân. Vào thập niên 1970, Hàn Quốc chuyển sang tập trung vào chính sách công nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp trong nước áp dụng công nghệ nước ngoài và các phương pháp sản xuất phức tạp hơn. Doanh nghiệp Hàn Quốc đã hưởng ứng. Cụ thể như Samsung, từng là hãng sản xuất mì sợi bắt đầu sản xuất tivi cho thị trường trong nước và khu vực. Để làm được điều đó, Samsung mua giấy phép sử dụng công nghệ của các công ty Nhật Bản là Sanyo và NEC.
Thành công của Samsung đã thúc đẩy nhu cầu về kỹ sư, nhà quản lý và các chuyên gia lành nghề khác. Chính phủ đã nỗ lực đáp ứng nhu cầu này. Bộ Giáo dục Hàn Quốc đặt ra ra các mục tiêu và tăng ngân sách cho các trường đại học công lập nhằm giúp phát triển các bộ kỹ năng mới mà doanh nghiệp trong nước cần. Hiện nay, Samsung là một tập đoàn đa ngành và là nhà đổi mới toàn cầu, dẫn đầu về thị phần điện thoại thông minh và chip nhớ.
Các nước khác cũng đi theo con đường tương tự của Hàn Quốc, bao gồm Ba Lan và Chile. Ba Lan tập trung vào nỗ lực nâng cao năng suất bằng các công nghệ tiếp thu từ Tây Âu. Chile khuyến khích chuyển giao công nghệ từ nước ngoài xem đây như là giải pháp để thúc đẩy đổi mới trong nước. Một trong những thành công lớn nhất của Chile liên quan đến việc điều chỉnh công nghệ nuôi cá hồi của Na Uy cho phù hợp với điều kiện địa phương. Hiện nay, Chile là một trong những nước xuất khẩu cá hồi hàng đầu thế giới.
Chánh Tài (Theo Guardian, worldbank.org)
TBKTSG
|