Trung Quốc triển khai pin 'thế hệ mới' lớn nhất thế giới, sạc nhanh hơn
Hệ thống pin natri-ion lớn nhất thế giới đặt tại Qianjiang, Hồ Bắc (Trung Quốc) vừa kết nối với lưới điện vào cuối tháng 6.
Cui Yongle, Giám đốc dự án, cho biết pin natri-ion có hiệu suất hoạt động tốt hơn kể cả ở nhiệt độ thấp, có thể duy trì hiệu suất sạc-xả là 85% ngay cả ở nhiệt độ âm 20 độ C và đảm bảo chu kỳ sạc-xả 1.500 lần ở nhiệt độ cao 60°C. Chúng hoạt động tốt hơn nhiều so với pin thông thường trong các thử nghiệm và chống va đập.
Dự án lưu trữ năng lượng tại Qianjiang gồm 42 kho lưu trữ năng lượng, 21 máy tích hợp bộ tăng áp và bộ chuyển đổi năng lượng, sử dụng pin natri-ion dung lượng lớn 185 Ah, với một trạm tăng áp 110 kV. HiNa Battery Technology là nhà cung cấp pin natri-ion. Đây là dự án pin natri-ion lớn nhất thế giới.
Nhà máy điện sẽ lưu trữ tới 100 MWh điện trong một lần sạc sau khi hoàn toàn đi vào hoạt động. Sau đó, nhà máy sẽ phát điện trong giờ cao điểm lên điện lưới để phục vụ nhu cầu hàng ngày của 12.000 hộ gia đình, đồng thời giảm 13.000 tấn khí thải carbon mỗi năm.
Hệ thống pin natri-ion. Ảnh: Yicai
|
Việc triển khai dự án này là một phần trong nỗ lực cấp quốc gia nhằm xây dựng các giải pháp lưu trữ quy mô lớn bằng các công nghệ không phải lithium. Công suất của dự án có thể tăng gấp đôi, lên 200MWh, trong thời gian tới.
Theo BYD, Natri-ion có mật độ năng lượng thấp hơn và do quy mô nhỏ hơn nên thường có chi phí cao hơn lithium-ion, nhưng đến năm 2025, nó có thể rẻ hơn lithium-ion từ 15-30%.
Về mặt kỹ thuật, theo HiNa Battery, một số ưu điểm là hiệu suất khứ hồi (RTE) và tuổi thọ chu kỳ tốt hơn ở nhiệt độ khắc nghiệt. Chúng cũng hoạt động tốt hơn nhiều so với pin thông thường trong các thử nghiệm và chống va đập. Thêm vào đó, pin natri-ion có thể mở rộng quy mô, an toàn hơn, hoạt động tốt ở cả nhiệt độ cực thấp và cực cao.
Lưu trữ năng lượng điện hóa chủ yếu sử dụng pin lithium-ion, trong khi thương mại hóa pin natri-ion vẫn đang tiến triển chậm. Phát triển pin natri-ion có thể giải quyết hiệu quả tình trạng phụ thuộc quá mức của Trung Quốc vào nguyên liệu thô nhập khẩu để sản xuất pin lithium-ion, trong khi quốc gia này có trữ lượng natri dồi dào.
Ngoài ra, về nguyên tắc, pin natri-ion và pin lithium-ion tương tự nhau và 90% thiết bị có thể hoán đổi cho nhau, trong đó pin natri-ion an toàn hơn, chịu được nhiệt độ thấp hơn và sạc nhanh hơn.
Li Shujun, Tổng giám đốc của HiNa Battery, nhận định ngành công nghiệp pin natri-ion sẽ dần hình thành vào năm 2030.
Gần đây, Trung Quốc đầu tư mạnh vào công nghệ natri-ion do lo ngại rằng về lâu dài, nước này có thể bắt đầu bị cắt khỏi chuỗi cung ứng lithium. Trung Quốc hiện thống trị chuỗi cung ứng, cả về sản xuất pin và tinh chế lithium. Nhưng quốc gia này chỉ có khoảng 6% trữ lượng lithium của thế giới để khai thác, trong khi có trữ lượng khoáng sản dồi dào cho pin natri-ion.
Một hệ thống pin natri-ion tại Nam Ninh, công suất 10 MWh, đã đi vào hoạt động hồi tháng 5. Cơ sở này dự kiến tăng khả năng lưu trữ lên 100 MWh.
Duy Anh (Theo Yicai, Energy-Storage.news)
VietNamNet
|