Thị trường trái phiếu bền vững Trung Quốc tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm 2023
Theo “Báo cáo Tình hình Thị trường Trái phiếu Bền vững Trung Quốc 2023” phát hành vào tháng 5/2024 của Sáng kiến Trái phiếu Khí hậu (Climate Bonds Initiative - CBI) và Công ty TNHH Tư vấn và Nghiên cứu Kinh tế CIB (CIB Research), với sự hỗ trợ của Ngân hàng Standard Chartered, đã cho thấy thị trường trái phiếu bền vững của Trung Quốc tiếp tục có những bước tiến đáng kể trong năm 2023, bất chấp những thách thức từ môi trường kinh tế vĩ mô.
Số lượng trái phiếu xanh được đưa vào cơ sở dữ liệu trái phiếu xanh của CBI năm 2023 của các nước
Đơn vị: tỷ USD. Nguồn: Báo cáo tình hình thị trường trái phiếu bền vững Trung Quốc 2023
|
Trong năm 2023, Trung Quốc đã phát hành tổng cộng 131.3 tỷ USD trái phiếu xanh có nhãn trên thị trường trong nước và quốc tế. Trong đó, 83.5 tỷ USD đáp ứng định nghĩa trái phiếu xanh của CBI. Mặc dù khối lượng phát hành có thu hẹp nhẹ so với năm 2022, do các yếu tố kinh tế vĩ mô chung như tăng trưởng kinh tế chậm lại và lãi suất tăng, Trung Quốc vẫn duy trì vị trí là thị trường phát hành trái phiếu xanh lớn nhất thế giới năm thứ hai liên tiếp.
Trong khi đó, Đức vươn lên vị trí thứ hai với 67.5 tỷ USD trái phiếu xanh được phát hành, và Anh vươn lên từ thứ bảy lên thứ tư với 32.6 tỷ USD trái phiếu xanh được phát hành.
Cơ cấu trái phiếu xanh được đưa vào cơ sở dữ liệu trái phiếu xanh của CBI giai đoạn năm 2017-2023
Đơn vị: tỷ USD. Nguồn: Báo cáo tình hình thị trường trái phiếu bền vững Trung Quốc 2023
|
Về chất lượng phát hành, tỷ lệ trái phiếu được đưa vào cơ sở dữ liệu trái phiếu xanh (Green bond database - GBDB) của CBI đã tăng từ 57.3% năm 2022 lên 63.6% trong năm 2023. Điều này cho thấy các tổ chức phát hành Trung Quốc đã nhanh chóng thích ứng với các hướng dẫn và quy định mới từ các cơ quan quản lý, đồng thời tích cực cập nhật thông lệ để tuân thủ các tiêu chuẩn liên quan mới nhất.
Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu xã hội và bền vững cũng có sự phục hồi, với tổng khối lượng phát hành đạt 13.7 tỷ USD, tăng 19.6% so với năm 2022. Số lượng giao dịch cũng tăng mạnh 126.5% so với năm trước.
Đối với trái phiếu liên kết bền vững (SLB), số lượng giao dịch tăng 8.2% nhưng khối lượng phát hành giảm 29.1% trong năm 2023. Trung Quốc vẫn duy trì vị trí dẫn đầu toàn cầu về số lượng phát hành SLB kể từ năm 2021.
Các xu hướng chính trong trái phiếu xanh của Trung Quốc
Năng lượng và giao thông vận tải chiếm tỷ trọng lớn nhất trong việc sử dụng vốn từ trái phiếu xanh
Trong năm 2023, các dự án năng lượng và giao thông vận tải tiếp tục giữ tỷ trọng lớn nhất trong việc sử dụng vốn từ trái phiếu xanh phát hành tại Trung Quốc, chiếm tới 84% tổng khối lượng. Riêng lĩnh vực năng lượng chiếm gần một nửa khối lượng được ghi nhận trong năm.
Điều này phù hợp với Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc, nhằm chuyển đổi nhanh chóng ngành năng lượng sang các giải pháp carbon thấp và thúc đẩy phát triển xe điện. Các ngân hàng lớn như Ngân hàng Phát triển Thượng Hải Pudong, Ngân hàng Trung Quốc và Ngân hàng Công thương Trung Quốc là những tổ chức phát hành trái phiếu xanh lớn nhất, với số tiền huy động lên tới hàng tỷ USD để tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo và giao thông công cộng carbon thấp.
Các tổ chức phát hành quen cũ chiếm ưu thế
Các tổ chức phát hành cũ chiếm tới 84% khối lượng trái phiếu xanh được đưa vào cơ sở dữ liệu của CBI trong năm 2023, tăng gần 40% so với năm trước. Điều này cho thấy những bất ổn kinh tế vĩ mô, tăng trưởng ngành chậm lại và chênh lệch lãi suất trong nước và quốc tế đang cản trở việc phát hành mới và phát hành ở nước ngoài.
Tăng cường sử dụng đánh giá độc lập
Tỷ lệ trái phiếu xanh có ý kiến đánh giá độc lập (SPO) tiếp tục tăng lên, đạt mức kỷ lục 66.4% về khối lượng phát hành trong năm 2023. Con số này thậm chí còn cao hơn (75.5%) đối với các trái phiếu được đưa vào cơ sở dữ liệu của CBI. Điều này cho thấy các tổ chức phát hành Trung Quốc ngày càng muốn chứng minh độ tin cậy của giao dịch với nhà đầu tư thông qua các phương pháp như SPO.
Trái phiếu xanh phát hành ở nước ngoài tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ quan trọng
Khối lượng trái phiếu xanh phát hành ở nước ngoài chiếm 10.9% tổng khối lượng ghi nhận trong năm 2023. Phần lớn được phát hành bằng USD và niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông. Tỷ lệ trái phiếu phát hành ở nước ngoài được đưa vào cơ sở dữ liệu của CBI cao hơn so với trái phiếu trong nước, đạt 55.3% trong năm 2023.
Thúc đẩy phát triển thành phố thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu
Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển các "thành phố bọt biển" nhằm tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của các đô thị. Đến cuối năm 2023, Trung Quốc đã triển khai các dự án thí điểm thành phố bọt biển tại 30 thành phố. Tính đến cuối năm 2023, CBI đã ghi nhận hơn 2.5 tỷ USD đầu tư cho các dự án này, trong đó 400 triệu USD được tài trợ trong năm 2023.
Các động lực chính sách
Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp để hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu bền vững trong năm 2023:
Ban hành hướng dẫn về công bố thông tin trái phiếu xanh, giúp nâng cao tính minh bạch và độ tin cậy của thị trường.
Các sàn giao dịch Thượng Hải và Thâm Quyến đã ban hành quy tắc công bố thông tin bền vững cho các công ty niêm yết dựa trên khung tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn Bền vững Quốc tế (ISSB).
Chính quyền địa phương bắt đầu đưa ra các hướng dẫn chính sách và danh mục tài chính chuyển đổi để hỗ trợ tài chính cho quá trình chuyển đổi carbon thấp của các ngành công nghiệp truyền thống.
Triển vọng và khuyến nghị
Báo cáo đánh giá thị trường trái phiếu bền vững của Trung Quốc đã thể hiện sự trưởng thành và khả năng phục hồi trong năm 2023. Thị trường này được kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trên thị trường toàn cầu trong tương lai. Các yếu tố như chính sách khuyến khích và phản ứng tích cực từ các bên tham gia thị trường sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển thị trường hơn nữa.
Để thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường, báo cáo đưa ra một số khuyến nghị chính:
Tăng cường minh bạch trong công bố thông tin: Cần có hướng dẫn rõ ràng hơn về yêu cầu công bố thông tin cho các trái phiếu xã hội và bền vững, tương tự như đối với trái phiếu xanh.
Cải thiện các công cụ tài chính cho quá trình chuyển đổi: Phát triển các sản phẩm tài chính mới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi carbon thấp của các ngành công nghiệp truyền thống.
Thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xã hội và bền vững: Áp dụng quy tắc sử dụng 100% số tiền thu được cho các dự án đủ điều kiện, tương tự như đối với trái phiếu xanh.
Tăng cường hợp tác quốc tế: Tiếp tục thúc đẩy việc áp dụng Phân loại Chung (CGT) giữa Trung Quốc và EU để tăng cường tính tương thích của thị trường Trung Quốc với các tiêu chuẩn quốc tế.
Đa dạng hóa nguồn phát hành: Khuyến khích nhiều tổ chức phát hành mới tham gia thị trường, đặc biệt là từ các lĩnh vực khó giảm phát thải.
Thị trường trái phiếu bền vững của Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong năm 2023, với sự tăng trưởng về cả khối lượng và chất lượng phát hành. Mặc dù vẫn còn một số thách thức, nhưng với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính sách và sự tham gia tích cực của các bên liên quan, thị trường này được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển và đóng vai trò quan trọng trong việc huy động vốn cho các mục tiêu phát triển bền vững của Trung Quốc trong những năm tới.
Quốc An
FILI
|