Thứ Năm, 11/07/2024 15:22

Tháo gỡ khó khăn, bảo vệ doanh nghiệp sản xuất thép

Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành vật liệu xây dựng, ngành sản xuất thép cũng đứng trước nhiều thách thức. Các chuyên gia cho rằng cần có giải pháp tổng thể, toàn diện và căn cơ hơn để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ ngành thép phục hồi và phát triển.

Doanh nghiệp sản xuất thép nội địa đang phải đối mặt nhiều khó khăn - Ảnh: VGP/ Toàn Thắng

Doanh nghiệp thép loay hoay trong thế khó

Giữa tháng 6/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay, dự báo sản xuất thép thành phẩm năm 2024 của nước ta có thể đạt 30 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023. Tiêu thụ thép tại thị trường trong nước năm nay dự kiến sẽ tăng 6.4% so với năm 2023, đạt 21.6 triệu tấn. Ước tính tồn kho khoảng 8.4 triệu tấn.

Thép Việt Nam còn đối mặt với áp lực nhập siêu. Năm 2023, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 13.33 triệu tấn với trị giá hơn 10.4 tỷ USD, tăng 14.07% so với năm 2022. Trung Quốc là nước xuất khẩu vào Việt Nam nhiều nhất với hơn 62% tổng lượng và hơn 54% về tổng giá trị.

Lãnh đạo VSA nhận định, khó khăn lớn nhất là việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng xuất khẩu thép, các nhà sản xuất thép Việt Nam đối diện với nguy cơ mất thị trường nội địa. Bên cạnh đó, sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ sản xuất trên toàn thế giới khi các nước đều tăng cường các "hàng rào" kỹ thuật, phòng vệ thương mại ngăn cản thép nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước cũng là lực cản không nhỏ đối với việc xuất khẩu thép cuả Việt Nam hiện nay.

Cùng với đó, tình trạng "cung vượt cầu" của nhiều sản phẩm thép trong nước cùng sự gia tăng thép nhập khẩu sẽ làm cho sự cạnh tranh về giá cả mặt hàng thép thành phẩm nội địa trở nên khốc liệt hơn. Thị trường thế giới nhiều bất ổn, giá cước vận tải quốc tế tăng…cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp ngành thép.

Còn theo nhận định của Bộ Công thương, ngành thép Việt Nam hiện nay gặp nhiều khó khăn do cầu thế giới và tăng, đặc biệt là sự sụt giảm của ngành bất động sản trong nước dẫn đến nhu cầu thép đầu vào cho sản xuất các ngành công nghiệp xây dựng và xuất khẩu giảm; giá nguyên liệu tăng khiến chi phí sản xuất cao; tồn kho thép lưu thông ngoài thị trường còn ở mức cao,…

Theo Bộ Công thương, thép là một trong những mặt hàng bị điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất trên thế giới. Tính đến hết tháng 5/2024, trong tổng số 252 vụ việc nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam có khoảng 30% vụ việc liên quan các sản phẩm thép.

Các sản phẩm thép bị điều tra khá đa dạng, gồm thép mạ, thép không gỉ cán nguội, thép phủ màu, ống thép, mắc áo bằng thép, đinh thép,… Những vụ kiện này hầu hết xảy ra ở các thị trường xuất khẩu thép chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Úc, Malaysia, Indonesia…

Điển hình cho câu chuyện này là phân khúc thép không gỉ. Mỗi năm Việt Nam sản xuất hơn 800,000 tấn thép không rỉ, nhưng thị trường tiêu thụ chỉ khoảng 250,000 tấn, trong đó các doanh nghiệp nội địa bán khoảng hơn 115,000 tấn (khoảng 45%) và nhập khẩu thì lên đến 135,000 tấn (khoảng 55%).

Thép không gỉ xuất khẩu hàng năm xấp xỉ 250,000 tấn/năm nhưng gần đây gặp khó do kinh tế thế giới khó khăn, nhu cầu ở nước ngoài suy giảm. Mặt khác, thép không gỉ Việt Nam cũng đang phải chịu thuế phòng vệ thương mại cao ở thị trường một số nước như: Thái Lan (thuế 310.74%), Malaysia (thuế từ 7.81%-23,845), Thổ Nhỹ Kỳ (19.64%-25%), Hoa Kỳ (16.24%)… Hiện nay, một số mặt hàng thép không gỉ xuất khẩu tiếp tục đang bị điều tra tại Ấn Độ và Liên minh Châu Âu.

Như vậy, các doanh nghiệp thép không gỉ Việt Nam đang đứng ở "thế khó" khi vừa phải đối mặt với sức cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu với lợi thế về giá ở thị trường nội địa, vừa gặp khó khăn trong việc đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường nước ngoài.

Doanh nghiệp mong muốn gì?

Trước những khó khăn hiện nay, Hiệp hội Thép Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quản lý kỹ thuật, quản lý chất lượng, hàng rào kỹ thuật nhằm ngăn ngừa các sản phẩm thép không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn và môi trường tràn vào thị trường Việt Nam.

Bộ Công Thương kịp thời áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (biện pháp tự vệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp, lẩn tránh thương mại) nhằm ngăn ngừa hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ sản xuất trong nước.

Ông Phạm Công Thảo, Phó chủ tịch VSA cho rằng, ngành thép là ngành đầu tiên áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Việc phòng vệ này xuất phát từ áp lực quá lớn trong việc nhập khẩu. Thời gian qua, Việt Nam cũng đã có một số biện pháp phòng vệ thương mại như phôi thép, thép xây dựng, thép không gỉ, tôn mạ màu…gần đây, các doanh nghiệp cũng đặt vấn đề cần áp dụng phòng vệ thương mại với một số sản phẩm mới và tiếp tục duy trì phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm như thép không gỉ.

"Để bảo vệ sản xuất trong nước, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại là tốt trong những trường hợp cụ thể. VSA khuyến khích áp dụng phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm thép trong nước sản xuất đã áp ứng được hoàn toàn nhu cầu nội địa", ông Thảo kiến nghị

Vị chuyên gia này cho rằng, WTO có công cụ để hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh như bán phá giá trên thị trường hay thép nhập khẩu làm ảnh hưởng và tổn hại đến ngành công nghiệp thép trong nước. Công nghiệp sản xuất thép của Việt Nam còn khá trẻ, do vậy năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Khi mà thép nhập khẩu tràn vào bán phá giá trên thị trường thì sẽ làm tổn hại đến ngành công nghiệp sản xuất thép Việt Nam, kìm hãm sự phát triển của ngành thép.

Theo TS.Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI),  các biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là chống bán phá giá là công cụ hợp pháp để ngành sản xuất nội địa, cụ thể là sản xuất thép, có thể sử dụng để bảo vệ những quyền lợi hợp pháp của mình trước hành vi cạnh tranh không lành mạnh ví dụ như bán phá giá hay bán những sản phẩm được trợ cấp bởi Chính phủ của nước xuất khẩu vào Việt Nam.

Theo bà Trang, về lâu dài, việc nhà nước có thể làm để hỗ trợ là thiết kế một khung khổ pháp lý và tổ chức một bộ máy thực thi công cụ phòng vệ thương mại một cách hợp lý, chặt chẽ, minh bạch, phù hợp với WTO để làm sao các doanh nghiệp sản xuất nội địa có thể sử dụng một cách thuận lợi, hiệu quả, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định.

Các chuyên gia cho rằng, trong công nghiệp sản xuất thép, Việt Nam đi sau, luôn thua thiệt so với các cường quốc sản xuất thép. Vì vậy, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ có sự ứng phó tích cực, kịp thời và hài hòa lợi ích để bảo vệ nền sản xuất thép vốn được coi là ngành công nghiệp cơ bản để Việt Nam có một thị trường sản xuất và tiêu thụ thép phát triển bền vững, lành mạnh.

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra ba yếu tố cốt lõi trong thu hút vốn FDI (11/07/2024)

>   Điện mặt trời mái nhà "tự sản, tự tiêu" không được bán quá 10% công suất (11/07/2024)

>   Đơn hàng tích cực từ quý 3 và 4: Ngành dệt may kỳ vọng tăng trưởng từ 8-10% (11/07/2024)

>   Ông Lê Thanh Vân bị bắt do liên quan vụ ông Lưu Bình Nhưỡng (11/07/2024)

>   Điện mặt trời: vấn đề nằm ở thái độ (11/07/2024)

>   Miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh (10/07/2024)

>   Tập đoàn Thuận An xin dừng thi công dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (10/07/2024)

>   Kỷ luật nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc (10/07/2024)

>   Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam đại biểu Lê Thanh Vân (10/07/2024)

>   Một doanh nghiệp dệt may ở Quảng Trị bán cho nước ngoài (10/07/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật