Thứ Năm, 11/07/2024 13:42

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra ba yếu tố cốt lõi trong thu hút vốn FDI

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định dựa trên những yếu tố cốt lõi, thu hút đầu tư nước ngoài trong 6 tháng cuối năm sẽ duy trì đà tăng trưởng tích cực và đạt mức tương đương hoặc cao hơn so với năm 2023.

Vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng điện, điện tử ngày càng được củng cố. (Ảnh: Vietnam+)

Ngày 11/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin cho biết trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra quá trình tái cấu trúc, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến đầu tư quan trọng trong trung và dài hạn.

Chất lượng các dự án cải thiện

Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã đạt được kết quả thu hút gần 15,2 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới và tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023. Cùng với đó, vốn thực hiện ước đạt 10,8 tỷ USD, tăng 8,% so với cùng kỳ.

Tính lũy kế đến ngày 20/6, cả nước có 40.544 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 484,8 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 308 tỷ USD, bằng 63,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Theo đánh giá từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sự gia tăng cả dòng vốn FDI đăng ký và thực hiện sẽ thúc đẩy hơn nữa các hoạt động trong nước. Cụ thể, chất lượng các dự án đầu tư ghi nhận có sự cải thiện đáng kể. Trong đó, nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn.

Vốn FDI tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư), như Bắc Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai.…Và, dòng vốn tới chủ yếu vẫn từ các đối tác truyền thống của Việt Nam thuộc châu Á, như Singapore, Nhật Bản, Hongkong, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Giữ nhịp độ ổn định

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 được dự báo sẽ phục hồi yếu và sẽ đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức lớn. Bởi, những diễn biến phức tạp sau thời kỳ dịch COVID-19 cộng thêm những bất ổn địa chính trị và cạnh tranh giữa các nước lớn tiếp tục tạo ra những thay đổi, tác động đến nền kinh tế toàn cầu trong trung và dài hạn.

Trên nền tảng đó, các tiêu chuẩn mới và thậm chí là các biện pháp can thiệp của một số Chính phủ để định hướng hoạt động đầu tư, có thể ảnh hưởng đến xu hướng dịch chuyển FDI. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng chậm và ngày càng tập trung giữa các quốc gia có liên kết địa chính trị, đặc biệt là trong các lĩnh vực chiến lược.

Dù vậy, nhiều tổ chức tài chính trong và ngoài nước, triển vọng thu hút vốn FDI năm nay của Việt Nam sẽ giữ nhịp độ tích cực nhờ ba yếu tố cốt lõi, gồm vai trò quan trọng và ngày càng được củng cố trong chiến lược đa dạng hoá chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất đa quốc gia; Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phục hồi tích cực hơn trong năm nay; Kinh tế vĩ mô ổn định.

Cụ thể hơn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra Việt Nam có triển vọng đầu tư vào nhiều ngành công nghiệp tiên phong. Trong đó, ngành công nghệ đang trải qua rất nhiều đổi mới và số hóa. Tương tự, lĩnh vực năng lượng tái tạo đang thu hút sự quan tâm với sự tập trung ngày càng tăng vào các nguồn năng lượng sạch (như năng lượng mặt trời và năng lượng gió) để tăng cường bền vững nguồn cung cấp điện cho Việt Nam.

Điểm nhấn khác được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ra, đó là niềm tin của nhà đầu tư đối với Việt Nam tiếp tục được củng cố. Thời gian qua, các nhà đầu tư hiện hữu cho biết luôn tin tưởng vào những chính sách của Chính phủ và tương lai phát triển của kinh tế Việt Nam. Hơn thế nữa, nhiều nhà đầu tư đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, nhiều tiềm năng và dư địa trong trung và dài hạn.

Nhận định chung từ các tổ chức trong nước và quốc tế, vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng điện, điện tử ngày càng được củng cố, nên có xu hướng nhiều tập đoàn sản xuất các sản phẩm điện tử đang đến với Việt Nam.

Bên cạnh những thuận lợi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh Việt Nam phải tích cực khắc phục một số điểm nghẽn hiện nay. Cụ thể là khẩn trương chuẩn bị nguồn nhân lực có tay nghề, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử bán dẫn; Khắc phục tình trạng thiếu điện cục bộ tại một số địa phương tập trung nhiều dự án công nghiệp điện tử; Rà soát các thủ tục để đơn giản hóa hơn và rút ngắn thời gian xử lý, Nhất là các thủ tục sau cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như giấy phép xây dựng, giấy phép phòng cháy, chữa cháy…

Trên những đánh giá tổng quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo kịp thời để thời gian tới, các cấp, các ngành tập trung các giải pháp quyết liệt để giải quyết những điểm nghẽn này. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng sẽ có những tác động tích cực đến kết quả thu hút đầu tư nước ngoài trong 6 tháng cuối năm 2024, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực, đạt mức tương đương hoặc cao hơn so với năm 2023./.

Hạnh Nguyễn

Vietnamplus

Các tin tức khác

>   Điện mặt trời mái nhà "tự sản, tự tiêu" không được bán quá 10% công suất (11/07/2024)

>   Đơn hàng tích cực từ quý 3 và 4: Ngành dệt may kỳ vọng tăng trưởng từ 8-10% (11/07/2024)

>   Ông Lê Thanh Vân bị bắt do liên quan vụ ông Lưu Bình Nhưỡng (11/07/2024)

>   Điện mặt trời: vấn đề nằm ở thái độ (11/07/2024)

>   Miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh (10/07/2024)

>   Tập đoàn Thuận An xin dừng thi công dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (10/07/2024)

>   Kỷ luật nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc (10/07/2024)

>   Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam đại biểu Lê Thanh Vân (10/07/2024)

>   Một doanh nghiệp dệt may ở Quảng Trị bán cho nước ngoài (10/07/2024)

>   Lối ra cho 154 dự án điện mặt trời mắc sai phạm nhưng đã khắc phục xong (10/07/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật