Một góc nhìn về quản lý tài chính cá nhân
Tài chính cá nhân có vẻ quen thuộc với mọi người qua các sản phẩm như tiết kiệm, vay tiêu dùng, thẻ tín dụng, bảo hiểm và đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, nhiều người vẫn hiểu lầm rằng tài chính cá nhân chỉ là một sản phẩm hay giải pháp đơn lẻ. Thực tế, để sử dụng hiệu quả các công cụ quản lý tài chính cá nhân, chúng ta cần có cái nhìn toàn diện và đầy đủ về nó.
Quản lý tài chính cá nhân là gì?
Quản lý tài chính cá nhân không chỉ là việc sử dụng các sản phẩm tài chính như tiết kiệm, vay tiêu dùng, hay bảo hiểm, mà là việc cân đối và quản lý các nguồn lực của cá nhân để đạt được mục tiêu tài chính trong cuộc sống. Giống như quản lý tài chính doanh nghiệp, quản lý tài chính cá nhân yêu cầu (i) hiểu rõ nguồn lực hiện có của cá nhân; (ii) mục tiêu cần đạt và (iii) cách sử dụng các công cụ tài chính phù hợp để đạt được các mục tiêu đó.
Hiểu rõ nguồn lực hiện có của bản thân
Nguồn lực của một cá nhân thường được chia thành hai loại nguồn lực tài chính và phi tài chính. Nguồn lực tài chính bao gồm thu nhập, tiết kiệm, đầu tư và các tài sản như bất động sản, xe cộ, và các tài sản có giá trị khác có thể chuyển hóa thành tiền khi cần thiết. Nguồn lực phi tài chính hay vốn nhân lực (human capital) là nguồn lực vô hình nhưng có thể được chuyển hóa thành nguồn lực tài chính trong tương lai, bao gồm sức khỏe, kiến thức, kỹ năng, thời gian và mạng lưới quan hệ. Đây là những yếu tố có thể cải thiện và phát triển thông qua việc học hỏi và rèn luyện. Hiểu rõ nguồn lực của bản thân là việc am hiểu về các tính chất vận động của nguồn lực gồm mức độ ổn định, khả năng đột phá trong tương lai để từ đó có thể lựa chọn huy động nguồn lực vào những mục tiêu phù hợp.
Quản lý mục tiêu tài chính
Bởi vì mỗi người có rất nhiều mục tiêu tài chính, việc quản lý sắp xếp theo thứ tự ưu tiên các mục tiêu tài chính là rất quan trọng:
- Mục tiêu cơ bản: Đảm bảo mức sống tối thiểu, bao gồm chi phí sinh hoạt, giáo dục phổ thông cho con cái, và chăm sóc sức khỏe gia đình. Đây là những mục tiêu không thể bị rủi ro, và vì thế cần những công cụ tài chính có tính an toàn cao và huy động những nguồn lực tài chính ổn định, như tiền gửi tiết kiệm.
- Mục tiêu đạt được mức sống cao hơn: Bao gồm mua nhà, xe hơi, hoặc đầu tư vào giáo dục bậc cao cho con cái. Những mục tiêu này có độ rủi ro cao hơn nhưng vẫn khả thi nếu có kế hoạch tài chính hợp lý, và do đó có thể cần tới những công cụ tài chính có tính tăng trưởng và rủi ro ở mức trung bình cũng như huy động những nguồn lực tài chính có tính chất tăng trưởng, như trái phiếu doanh nghiệp.
- Mục tiêu đạt được mức sống cao nhất: Như đạt được tự do tài chính, nghỉ hưu sớm, hoặc sở hữu tài sản xa xỉ. Đây là những mục tiêu có rủi ro cao nhất và khó đạt được nhưng đáng để phấn đấu. Để đạt được các mục tiêu này cần có sự đột phá về tài sản thông qua các công cụ tài chính có tính rủi ro cao và huy động những nguồn lực có tính chất tăng trưởng cao, như nguồn thu nhập từ kinh doanh, đầu tư.
Bởi vì nguồn lực của cá nhân là hữu hạn, việc xác định, lượng hóa và sắp xếp thứ tự ưu tiên các mục tiêu là điều cần thiết để đảm bảo các mục tiêu là có thể thực hiện được trong giới hạn nguồn lực hiện có.
Quản lý công cụ tài chính
Thị trường tài chính ngày càng phát triển, cung cấp nhiều công cụ hữu ích giúp cá nhân quản lý và đạt được các mục tiêu tài chính dễ dàng hơn. Trước đây, người Việt Nam thường chỉ quen thuộc với một số công cụ tài chính như gửi tiết kiệm, vay ngân hàng hay thẻ ghi nợ. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế, thị trường tài chính cũng có những bước nhảy vọt với nhiều sản phẩm mới như bảo hiểm, trái phiếu, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và các dịch vụ ủy thác đầu tư. Tuy nhiên, việc thiếu hiểu biết về các công cụ này có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn như đã diễn ra trong thời gian vừa qua đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bảo hiểm. Vì vậy, nếu bạn không phải là người am hiểu hoặc không có thời gian để tìm hiểu lĩnh vực tài chính, đầu tư thì việc bạn tìm đến các chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân là một sự lựa chọn khôn ngoan.
Vai trò của chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân
Cùng với sự phát triển của công nghệ và internet, đặc biệt trong thời đại 4.0 với big data và trí tuệ nhân tạo (AI), các công cụ tư vấn tài chính cá nhân tự động (robo-advisor) và các ứng dụng hỗ trợ quản lý chi tiêu ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, vai trò của chuyên gia tư vấn tài chính vẫn rất quan trọng.
Như đã phân tích ở trên, việc quản lý tài chính cá nhân cần phải được thực hiện đầy đủ ở cả ba khâu: quản lý nguồn lực, quản lý mục tiêu và quản lý công cụ tài chính, đồng thời cần phải được giám sát và điều chỉnh thường xuyên. Công việc này chỉ có thể được thực hiện một cách trọn vẹn thông qua một chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân “bằng xương bằng thịt”, thông qua sự tương tác trực tiếp định kỳ, thường xuyên để thấu hiểu nhu cầu và điều chỉnh kịp thời, vì dù sao chăng nữa, những mục tiêu tài chính cũng luôn là những mục tiêu rất “con người”, và chỉ có con người mới có thể thấu hiểu nhau.
Tóm lại, quản lý tài chính cá nhân không chỉ là việc sử dụng các sản phẩm tài chính mà là nghệ thuật cân đối các nguồn lực để đạt được các mục tiêu trong cuộc sống. Việc có một kế hoạch tài chính rõ ràng và nhận được sự hỗ trợ từ các chuyên gia tư vấn tài chính sẽ giúp bạn xây dựng một cuộc sống bền vững và thịnh vượng.
LH
FILI
|