Thứ Ba, 09/07/2024 08:36

Gần 48.000 tỷ đồng làm 7 dự án giao thông kết nối cửa ngõ TPHCM với Long An

Có 7 dự án giao thông kết nối vùng giữa TPHCM và Long An được đề xuất kinh phí gần 48.000 tỷ đồng, nhằm kéo giảm ùn tắc và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giữa hai địa phương.

Đây là các dự án nằm trong danh mục 88 công trình quan trọng vừa được Sở Giao thông Vận tải (GTVT) trình UBND TPHCM ban hành kế hoạch đầu tư, ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2024-2030. 

Các dự án này bao gồm:

Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến giáp ranh Long An): Cửa ngõ phía tây, quốc lộ 1 - đoạn qua huyện Bình Chánh (TPHCM) dài gần 9,6km - hiện "ngạt thở" vì áp lực giao thông.

Trong đó, đoạn từ đường Kinh Dương Vương đến giáp ranh Long An có chiều rộng chỉ khoảng 20m, quy mô 4-6 làn xe nên thường xuyên ùn tắc, nhất là dịp lễ tết. Đồng thời, do không có dải phân cách giữa ô tô và xe máy nên tình hình trật tự an toàn giao thông ở đây rất phức tạp.

Đây là 1 trong 5 dự án được đầu tư nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu đã được UBND TPHCM ban hành kế hoạch triển khai.

Dự án được áp dụng hợp đồng BOT theo chính sách đặc thù tại Nghị quyết 98, sẽ mở rộng quốc lộ 1 lên 52-60m, quy mô 8 làn xe. Tổng mức đầu tư hơn 12.800 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 7.700 tỷ. Ngân sách TPHCM sẽ góp 9.700 tỷ (chiếm 70%), còn lại do nhà đầu tư huy động.

Điểm đầu của quốc lộ 1, đoạn tiếp giáp với nút giao đại lộ Võ Văn Kiệt, có mặt đường hẹp, tạo thành nút thắt cổ chai gây ùn tắc giao thông. Ảnh: Nguyễn Huế

Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TPHCM, đoạn qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn): Theo quy hoạch, Đườngvành đai 4 TPHCM có tổng chiều dài hơn 200km đi qua 5 tỉnh, thành phố là Bà Rịa - Vũng Tàu (18,7km), Đồng Nai (45,6km), Bình Dương (47,45km), TPHCM (17,3km) và Long An (78,3km). 

Giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 127.000 tỷ đồng, các địa phương thống nhất quy mô tối thiểu 4 làn xe, có làn dừng xe khẩn cấp bố trí liên tục và dải phân cách giữa 2 chiều xe chạy... Giai đoạn này cũng sẽ giải phóng mặt bằng 1 lần theo quy hoạch 8 làn xe để thuận lợi cho việc mở rộng trong tương lai. 

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TPHCM, đoạn qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn) có chiều dài 17,3km qua địa bàn huyện Củ Chi. Sở GTVT đề xuất giai đoạn 1 đầu tư quy mô 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh (có làn dừng khẩn cấp toàn tuyến). Thành phố sẽ giải phóng mặt bằng 1 lần theo quy hoạch 74,5m, mức đầu tư dự kiến trên 14.000 tỷ đồng gồm vốn ngân sách thành phố hơn 7.251 tỷ và nhà đầu tư huy động vốn hơn 6.800 tỷ.

Xây dựng đường song hành Phan Văn Hớn: Dự án này qua huyện Hóc Môn, có chiều dài 8,5km, quy mô rộng 30m với tổng mức đầu tư 3.720 tỷ đồng. Điểm đầu kết nối quốc lộ 1 và điểm cuối giao với đường Vành đai 3 TPHCM.

Theo Sở GTVT, việc xây dựng tuyến song hành Phan Văn Hớn thuận lợi do đi qua đất nông nghiệp, chưa có nhiều công trình, dễ giải phóng mặt bằng. Đường mới khi hoàn thành giúp chia sẻ lưu lượng xe với đường Phan Văn Hớn hiện hữu đang quá tải. Tuyến này còn được kỳ vọng tạo động lực giúp phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM và Long An.

Đầu tư xây dựng quốc lộ 50B: Đoạn 5,8km qua địa bàn huyện Bình Chánh (TPHCM) thuộc tổng thể dự án xây mới tuyến quốc lộ 50B tạo thành trục động lực liên kết vùng TPHCM - Long An - Tiền Giang.

Theo Quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, quốc lộ 50B sẽ kết nối TPHCM với các tỉnh Long An và Tiền Giang, dài gần 55km (đoạn qua Long An hơn 35km, Tiền Giang hơn 14km và TPHCM 5,8km).  Đây là dự án xây dựng mới, có tổng vốn đầu tư dự kiến gần 20.000 tỷ đồng. 

Trong đề xuất của Sở GTVT, đoạn tuyến qua huyện Bình Chánh sẽ có chiều dài 5,8km, rộng 40m, tổng mức đầu tư hơn 5.200 tỷ đồng. 

Đoạn này sẽ hợp phần toàn tuyến quốc lộ 50B tạo trục kết nối giao thông với các tuyến Vành đai 3 TPHCM, Vành đai 4 TPHCM, góp phần tăng cường kết nối tới các cửa ngõ quốc tế bằng đường biển (cảng Hiệp Phước, cảng nước sâu Thị Vải - Cái Mép, cảng Long An) và đường hàng không (sân bay quốc tế Long Thành).

Khu phía Tây và Tây Bắc TPHCM tiếp giáp với tỉnh Long An ngày càng quá tải do hệ thống hạ tầng giao thông đầu tư chưa tương xứng. Ảnh: Nguyễn Huế

Xây dựng đường trục Đông Tây (đại lộ Võ Văn Kiệt) nối dài từ quốc lộ 1 đến Long An: Đường Võ Văn Kiệt từ cầu Calmette (quận 1) đến nút giao quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh), nằm trong trục đại lộ Đông - Tây của TPHCM, có chiều dài gần 13km, rộng 60m (đáp ứng 6-10 làn xe). Đường thông xe năm 2009 và được xem là tuyến đường huyết mạch, liên kết TPHCM với các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo đề xuất của Sở GTVT, đường Võ Văn Kiệt được kéo dài đến khu vực Khu công nghiệp Hải Sơn - Tân Đô ở huyện Đức Hòa (Long An), có chiều dài 12,2km và bề mặt cắt ngang đồng bộ với hiện trạng đang được khai thác rộng 60m.

Giai đoạn 1, TPHCM sẽ giải phóng mặt bằng 1 lần theo quy hoạch rộng 60m; xây dựng đường hai bên, mỗi đường rộng 14,5m; phần đất dự trữ ở giữa rộng 31m. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 5.200 tỷ đồng theo hình thức đối tác công tư (PPP), bao gồm 50% vốn ngân sách thành phố và 50% vốn nhà đầu tư huy động.

Xây dựng đường mở mới phía Tây Bắc: Tuyến này được đề xuất mở mới qua huyện Bình Chánh để kết nối với tỉnh Long An. Quy mô đầu tư tuyến dài 10km, rộng 40m với điểm đầu ở đường Vành đai 2 và điểm cuối giáp Long An, kinh phí dự kiến 5.200 tỷ đồng. Dự án này được đề xuất theo hình thức PPP, trong đó 3.900 tỷ đồng vốn ngân sách thành phố và 1.300 tỷ vốn của nhà đầu tư cân đối.

Xây cầu Rạch Dơi: Dự án này qua địa phận huyện Nhà Bè với tổng mức đầu tư 781 tỷ đồng. Quy mô phần cầu dài 451,9m, rộng 15m. Điểm đầu dự án tại huyện Nhà Bè (TPHCM) và điểm cuối tại Cần Giuộc (Long An).

Tuấn Kiệt

VietNamNet

Các tin tức khác

>   Bộ Xây dựng nói gì về quy hoạch 1/2000 KCN Đại An mở rộng hơn 416ha? (08/07/2024)

>   Thanh Hóa phê duyệt quy hoạch 1/2000 khu công nghiệp phía Tây 645ha (08/07/2024)

>   Khởi công sân bay hơn 5,800 tỷ đồng ở Quảng Trị (07/07/2024)

>   Thủ tướng dự lễ khánh thành tuyến đường nối 2 cao tốc huyết mạch của miền Bắc (07/07/2024)

>   Thêm quỹ đất công nghiệp cho TP HCM, cách nào? (05/07/2024)

>   Chuyên gia: Bất động sản công nghiệp vẫn là lá cờ đầu (05/07/2024)

>   Đồng Nai phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2050 (04/07/2024)

>   Đồng Nai phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2050 (04/07/2024)

>   Dự án Vành đai 3: Các hộ dân bị giải toả sẽ được mua nhà tái định cư trả góp (03/07/2024)

>   Hà Nội đầu tư hơn 55 tỷ USD làm gần 600 km đường sắt đô thị (02/07/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật