Chuyên gia: Bất động sản công nghiệp vẫn là lá cờ đầu
Theo chuyên gia, bất động sản công nghiệp (BĐS CN) vẫn là lá cờ đầu trong sự phát triển BĐS ở Việt Nam. Nguồn cung ổn định, giá thuê tăng và tỷ lệ lấp đầy cao cho thấy sự phát triển bền vững của thị trường này.
Thông tin trên được ông Lưu Quang Tiến - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính – BĐS Dat Xanh Services (Dat Xanh Services-FERI) nhận định tại báo cáo thị trường BĐS quý 2 và 6 tháng đầu năm 2024.
Chuyên gia lý giải, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam liên tục tăng trong thời gian qua. Đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, sản xuất, sự dịch chuyển các tập đoàn lớn trong chiến lược “China plus one”. Bên cạnh loại hình công nghiệp truyền thống còn có sự xuất hiện loại hình mới sản phẩm ngách là nhà xưởng xây sẵn, nhà kho xây sẵn làm đa dạng hóa thêm thị trường BĐS công nghiệp tương lai.
Ông Tiến cho biết trong nửa đầu năm 2024, thị trường BĐS CN Việt Nam ghi nhận sự ổn định về nguồn cung, trong khi nhu cầu thuê tăng trưởng đều đặn và giá thuê có xu hướng tăng nhẹ.
Tổng nguồn cung BĐS CN tại miền Bắc và miền Nam duy trì ổn định so với quý trước, đạt lần lượt khoảng 14,500ha và 27,700ha. Dù không có nhiều biến động so với cuối năm 2023, thị trường vẫn chứng kiến sự phát triển của các dự án mới tại một số địa phương, thể hiện sự quan tâm và đầu tư ngày càng tăng vào lĩnh vực này.
Nhu cầu thuê BĐS CN tăng ổn định nhờ xu hướng dịch chuyển cơ cấu sản xuất sang ngành công nghiệp. Hoạt động sản xuất phục hồi trong quý 2/2024 cũng góp phần cải thiện tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp (KCN).
Giá thuê BĐS CN tăng nhẹ do nhu cầu cao trong khi nguồn cung chưa được cải thiện đáng kể. Cụ thể, giá thuê tại miền Bắc tăng 2%, đạt trung bình 130 USD/m2/kỳ hạn còn lại. Tại miền Nam, giá thuê tăng 7%, đạt trung bình 190 USD/m2/kỳ hạn còn lại.
Tỷ lệ lấp đầy bình quân tại miền Bắc và miền Nam đều duy trì ở mức cao. Trong đó, tỷ lệ lấp đầy tại miền Bắc đạt 83%, tăng 3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; còn tỷ lệ lấp đầy tại miền Nam đạt 92%, tăng 1 điểm phần trăm.
Xu hướng đầu tư cho thấy ngoài các KCN truyền thống, thị trường còn chứng kiến sự tham gia của nhiều chủ đầu tư mới vào các loại hình nhà xưởng xây sẵn (RBF) và nhà kho xây sẵn (RBW), đáp ứng nhu cầu đa dạng của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục quan tâm đến thị trường BĐS CN Việt Nam, điển hình như Taseco Land (TAL) đặt mục tiêu phát triển 5 khu công nghiệp mới với quy mô hơn 1,000 ha trong 5 năm tới. Nhà đầu tư ngoại cũng chiếm tới 75% thị phần nhà kho xây sẵn tại Việt Nam.
Chuyên gia FERI dự báo thị trường BĐS CN sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới, đặc biệt khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực và Việt Nam ngày càng thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất.
Những tháng cuối năm, ông Phạm Anh Khôi - Viện trưởng FERI cho rằng BĐS CN tiếp tục là điểm sáng của ngành BĐS khi kinh tế vĩ mô khởi sắc hơn, nhu cầu thuê và nguồn cung mới đều sẽ có sự tăng trưởng khi dòng vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất vẫn liên tục tăng trưởng.
Nguồn cung được dự báo sẽ tăng trưởng nhẹ trong ngắn hạn, và tăng đáng kể trong dài hạn khi nhiều diện tích đất công nghiệp mới được quy hoạch.
Nguồn vốn FDI vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang tăng liên tục, thúc đẩy nhu cầu sử dụng đất công nghiệp và khu công nghiệp gia tăng.
Do nguồn cung và cầu đều có xu hướng tích cực, giá thuê đất công nghiệp dự kiến ổn định hoặc tăng nhẹ trong nửa cuối năm 2024. Tỷ lệ lấp đầy được dự báo tăng nhẹ ở cả khu vực miền Nam và miền Bắc.
BĐS CN đang và sẽ được xem là điểm sáng của thị trường trong trung & dài hạn nhờ chính sách ngoại giao linh hoạt để thu hút đầu tư của Chính phủ và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ông Khôi nhận định.
Bên cạnh đó, các loại hình BĐS CN cũng đang dần được đa dạng hóa khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư trong nhiều ngành nghề khác nhau gia nhập thị trường, đặc biệt là các ngành có giá trị cao thay vì chỉ các ngành sản xuất truyền thống.
Các nhà đầu tư cũng bắt đầu mở rộng địa bàn đầu tư ra các tỉnh thành mới có tiềm năng phát triển BĐS CN nhờ lợi thế về vị trí – kết nối, chính sách hỗ trợ được đầu tư đồng bộ và Chính quyền địa phương có nhiều chính sách ưu đãi để kêu gọi đầu tư, đặc biệt là các tỉnh miền Trung.
|