Trước khi lên thành phố, 5 huyện ven TPHCM được định hướng phát triển ra sao?
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, việc đầu tư, xây dựng 5 huyện theo hướng chuyển huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TPHCM giai đoạn 2021-2030 là cơ sở để phát triển bền vững trong quá trình đô thị hóa.
Mới đây, Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TPHCM có báo cáo gửi Sở Nội vụ về tiến độ thực hiện đề án khoa học “Định hướng phát triển hạ tầng đô thị các huyện ngoại thành TPHCM” và đề án nhánh thuộc đề án “Đầu tư - xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TPHCM giai đoạn 2021-2030”.
Theo báo cáo này, các huyện Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn và Nhà Bè có vị trí cửa ngõ của thành phố, kết nối với các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Những địa bàn này đang có tốc độ đô thị hóa cao, làm thay đổi cấu trúc kinh tế - xã hội một cách sâu sắc. Do đó, việc xây dựng mô hình phát triển và đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị phù hợp với quá trình chuyển đổi 5 huyện vùng ven có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
"Nếu chuyển đổi thành công, các huyện vùng ven có thể sẽ hình thành một số đô thị mới, tạo thành chuỗi đô thị thông minh, là động lực kết nối giữa thành phố với vùng TPHCM, khu vực và thế giới" - Sở QH-KT nhận định.
Một phần huyện Bình Chánh nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Huế
|
Để thực hiện mục tiêu trên, Sở QH-KT cho rằng 5 huyện vùng ven cần đẩy mạnh cải tạo không gian mở, công viên cây xanh gắn với xây dựng văn hóa đô thị. Trong đó, các huyện cần tập trung nguồn vốn đầu tư chỉnh trang và phát triển đô thị, phấn đấu hoàn thành việc di dời toàn bộ nhà ở trên và ven kênh rạch, tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn.
Các huyện cũng cần đầu tư xây dựng mới, thay thế chung cư cũ hư hỏng, xuống cấp; nâng cấp các khu dân cư hiện hữu; xây dựng, phát triển các khu đô thị mới đồng bộ, văn minh, hiện đại.
Bên cạnh đó, Sở QH-KT đề xuất cả 5 huyện phát triển kiến trúc và cảnh quan đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc; bảo tồn, phát huy các đặc trưng văn hóa lịch sử, giá trị cảnh quan sông nước; tập trung phát triển quỹ nhà ở và hạ tầng xã hội, gắn với chiến lược và mô hình phát triển các trung tâm đô thị dịch vụ, đô thị công nghiệp.
Do vậy trước mắt, các huyện cần tập trung phát triển hạ tầng để đạt được các tiêu chí của đô thị loại 3. Đặc biệt, những địa phương này phải ưu tiên phát triển các cụm TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng sức chở lớn).
"Việc đầu tư vào các dự án kết nối nhanh, tuyến giao thông thủy, tuyến kết nối vùng liên huyện, vùng liên tỉnh… chính là những giải pháp bứt phá, hoàn thiện cơ sở hạ tầng của 5 huyện.
Điều này sẽ cho phép 5 huyện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, kết hợp với việc huy động vốn đầu tư vào các dự án hạ tầng kết nối nhanh cũng như công trình công cộng, phục vụ việc xây dựng những khu trung tâm đô thị mới với quy mô đầu tư lớn” - Sở QH-KT khẳng định.
Xây dựng Cần Giờ thành đô thị du lịch thông minh
Theo Sở QH-KT, đối với huyện Cần Giờ, thành phố cần áp dụng tiêu chuẩn riêng của đô thị đặc biệt để xây dựng địa phương này theo mô hình đô thị du lịch thông minh. Trong đó, khu vực phạm vi phía Bắc, trung tâm Cần Giờ cùng với thị trấn Cần Thạnh phát triển theo mô hình đô thị sinh thái.
Để đạt được mục tiêu trên, Sở QH-KT cho rằng huyện Cần Giờ cần mạnh dạn áp dụng chỉ tiêu linh hoạt như quỹ đất dành cho giao thông phù hợp với mật độ dân cư, việc đi lại bằng phương tiện xanh/tỉ trọng giao thông công cộng phải cao.
Một phần huyện Cần Giờ nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Huế
|
Huyện này cần điều chỉnh quy hoạch tổng thể theo định hướng phát triển bền vững, ổn định lâu dài. Trong đó, huyện phải xác định rõ quy mô, diện tích, ranh giới khu Dự trữ sinh quyển (vùng bảo tồn), vùng đệm, vùng chuyển tiếp để định hướng đầu tư phát triển hợp lý.
Đồng thời, địa phương cần lập quy hoạch chi tiết các khu vui chơi, giải trí, khu du lịch sinh thái biển và sinh thái nông nghiệp - nhà vườn dọc tuyến ven biển thị trấn Cần Thạnh và xã Long Hòa; hoàn chỉnh quy hoạch hạ tầng cơ sở, hạ tầng kỹ thuật đảm bảo phù hợp với quy hoạch bãi biển Cần Giờ; quy hoạch xây dựng hệ thống cầu cảng, bến tàu đủ chuẩn chung cho phát triển nghề cá và các phương tiện đường thủy neo đậu; khai thác được các tuyến du lịch trên sông và có tầm nhìn xa về phát triển du lịch sinh thái Cần Giờ trong tương lai.
Đặc biệt, Sở QH-KT cho rằng Cần Giờ là khu vực ưu tiên để tăng cường liên kết vùng.
Cụ thể, với định hướng tiến ra biển Đông, TPHCM sẽ triển khai đầu tư các tuyến đường lớn từ nội thành xuống Cảng công nghiệp Hiệp Phước theo quy hoạch, giúp tăng cường kết nối dọc xuống địa bàn huyện. Các phương án xây dựng cầu vượt Sông Soài Rạp và Sông Lòng Tàu, nối qua vùng đất của huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), cũng đã được tích hợp trong quy hoạch.
“Dự án xây dựng cầu Bình Khánh nối huyện Cần Giờ và Nhà Bè đã được thống nhất đưa vào kế hoạch đầu tư công, dự án đường hầm qua vịnh Gành Rái nối với thành phố Vũng Tàu đang được đề xuất nghiên cứu... Đây là cơ sở và cơ hội để có thể giúp hiện thực hóa vai trò của Cần Giờ trong tương lai” - Sở QH-KT cho biết.
Ngày 22/6, tại kỳ họp thứ 16 (kỳ họp chuyên đề), các đại biểu HĐND TPHCM đã thống nhất thông qua hồ sơ trình phê duyệt Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Báo cáo tại kỳ họp, đại diện UBND TP cho biết, trên cơ sở các hành lang quốc gia và vùng, UBND TP đề xuất 2 kịch bản phát triển không gian.
Cụ thể, với kịch bản 1, thành phố sẽ hình thành 1 khu vực đô thị trung tâm (gồm 16 quận), 1 TP Thủ Đức là đô thị song hành và 5 đô thị vệ tinh (gồm Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ). Với kịch bản 2, thành phố hình thành 1 khu vực đô thị trung tâm (gồm 15 quận), 1 TP Thủ Đức và 2 đô thị song hành gồm Củ Chi - Hóc Môn, Bình Chánh và Nhà Bè - Quận 7 - Cần Giờ.
UBND TPHCM đề xuất chọn kịch bản 1 vì tính khả thi cao, phù hợp với điều kiện của thời kỳ quy hoạch và phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, từ nay đến năm 2030, thành phố sẽ giữ các đơn vị hành chính như khu trung tâm hiện hữu, mô hình TP Thủ Đức và 16 quận. Trong đó, 5 huyện ngoại thành được đầu tư để đạt tiêu chí đô thị loại 3.
|
Hồ Văn
VietNamNet
|