Doanh thu kỷ lục trong quý 2 của Cao su Bến Thành đến từ đâu?
Báo cáo tài chính quý 2/2024 cho thấy CTCP Cao su Bến Thành (HOSE: BRC) đạt doanh thu cao nhất từ trước đến nay, gần 104 tỷ đồng; qua đó lãi ròng 5.6 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ.
BRC công bố số liệu kinh doanh quý 2/2024 khá sớm với kết quả cực kỳ khả quan dù trước đó, Công ty dự báo năm nay sẽ còn nhiều khó khăn. Cụ thể, doanh nghiệp cao su ghi nhận doanh thu 104 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ; chủ yếu nhờ hoạt động kinh doanh bán sản phẩm băng tải và cao su kỹ thuật biến động mạnh.
Trong kỳ, nguồn thu từ băng tải - sản phẩm chiến lược cốt lõi - cải thiện 25% so với quý 1/2023, đạt 75 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 72%); còn cao su kỹ thuật tăng 63%, mang về hơn 23 tỷ đồng (chiếm 22%). Lợi thế cho BRC còn đến từ việc giá vốn tăng ít hơn doanh thu, 30% so với 32%.
Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp theo đó cũng đội lên, lần lượt 34% và 69%; đáng chú ý chi phí bán hàng lên 11.7 tỷ đồng do tăng chi vào nhân viên, vật liệu bao bì và dịch vụ mua ngoài.
Kết quả, BRC lãi ròng 5.6 tỷ đồng, tăng 75%. Mức lãi này dù không cao kỷ lục như doanh thu nhưng đã cải thiện so với sự sụt giảm liên tiếp của 2 quý liền trước.
Kết quả kinh doanh hàng quý của BRC từ năm 2019 đến nay |
|
Lũy kế 6 tháng, doanh nghiệp cao su đạt doanh thu 177 tỷ đồng, cải thiện 21% so với cùng kỳ. Lãi ròng gần 10 tỷ đồng, tăng 34%. Sau 6 tháng, BRC đi được lần lượt 54% và 51% chặng đường mục tiêu doanh thu và lãi sau thuế đề ra trước đó.
Tổng tài sản sau nửa năm của BRC tăng thêm 10 tỷ đồng, lên 300 tỷ đồng. Biến động chủ yếu đến từ phần tiền và tương đương tiền giảm hơn một nửa còn gần 12 tỷ đồng. Đồng thời, hàng tồn kho tăng thêm 11 tỷ đồng lên gần 89 tỷ đồng và phải thu khách hàng thêm 13 tỷ đồng, ghi nhận 106 tỷ đồng.
Năm 2024, Công ty dự báo khu vực công nghiệp và xây dựng sẽ gặp nhiều khó khăn, đối diện tình trạng đơn hàng giảm, chi phí đầu vào cao. Tỷ giá USD cao khiến chi phí nhập mua nguyên vật liệu tăng thêm rất nhiều.
Ngoài ra, giá xăng dầu tăng cao và không ổn định dẫn đến tàu thuyền hạn chế đánh bắt, làm giảm số lượng đặt hàng dây cu roa, chưa kể mùa mưa bão ở miền Trung khiến tàu thuyền hạn chế hoạt động. Việc xuất khẩu dây cu roa sang Ai Cập cũng có một số ảnh hưởng nhất định nên sẽ tiêu thụ chậm. Khách hàng chuyển sang sử dụng dây cu roa răng.
Thách thức với BRC còn đến từ việc chưa thể đáp ứng thiết bị sản xuất cao su kỹ thuật đòi hỏi độ chính xác cao; không có thiết bị đo lường chính xác bán thành phẩm; chưa có thiết bị ép tiêm cao su; chưa thể sản xuất compound giá rẻ như Trung Quốc cho băng tải, cu roa.
Không chỉ vậy, một số ngành tiếp tục khó khăn cũng ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ sản phẩm của BRC. Đơn cử, thị trường xi măng tiếp tục ảm đạm do xây dựng dân dụng phục hồi chậm; các công trình, dự án cũng sẽ chậm triển khai do khó khăn về nguồn vốn. Còn ngành khai thác than và khoáng sản - nơi sử dụng băng tải do Công ty sản xuất - cũng ngày càng khó khăn do phải khai thác xuống sâu.
Dù vậy, BRC mới bán được khoảng 60% nhu cầu thị trường cho ngành khai thác khoáng sản than (khoảng 42,000m2/năm) nên còn nhiều cơ hội tăng trưởng. Một số ngành khác như phân bón, gạo có khả năng phục hồi sẽ là động lực đối với doanh nghiệp cung cấp băng tải, dây cu roa như BRC.
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, lãnh đạo BRC cho biết đang có kế hoạch đầu tư dây chuyền sản phẩm 2m đáp ứng nhu cầu khách hàng, hướng đến sử dụng nguyên liệu bền vững nhằm tăng uy tín chất lượng sản phẩm. Nếu kế hoạch được duyệt, Công ty sẽ tiến hành tăng vốn bằng cách phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Băng tải là sản phẩm chủ lực của BRC. Nguồn: BRC
|
Tử Kính
FILI
|