Thứ Tư, 31/07/2024 14:17

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh: Triển khai Luật Đất đai sớm mang lại nhiều quyền lợi cho người dân

Đây là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành một số luật, nghị quyết của Quốc hội Khóa XV do Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, ngày 30/7.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Khơi thông nguồn lực, tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị đất đai

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh: Việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật đất đai có ý nghĩa rất quan trọng, tạo động lực đối với việc hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT-XH 05 năm 2021 -2025 nhằm khơi thông các điểm nghẽn, quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, phục vụ trực tiếp cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Phát huy tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm chủ động triển khai "từ sớm, từ xa", ngay sau khi Luật Đất đai được Quốc hội thông qua; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương tập trung xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật. Tại Quyết định số 222/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Thủ tướng Chính phủ đã phân công các bộ, ngành, địa phương chủ trì soạn thảo các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và tinh thần khẩn trương, đã hoàn thành vượt thời gian quy định.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều văn bản đôn đốc các địa phương khẩn trương tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản thuộc thẩm quyền được giao. Các Bộ, ngành, địa phương tập trung nguồn lực để xây dựng các văn bản thuộc thẩm quyền đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Mục tiêu xuyên suốt của quá trình sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 là phải giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các giao dịch về quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản công khai, minh bạch, lành mạnh. Việc cho phép Luật Đất đai có hiệu lực sớm hơn sẽ khơi thông nguồn lực, khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW đã đề ra, sớm giải quyết, tháo gỡ những bất cập, hạn chế đã chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, đáp ứng mong mỏi và nguyện vọng của các địa phương, doanh nghiệp và người dân.

Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, để các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai có hiệu lực cùng với thời điểm có hiệu lực của Luật Đất đai, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thường xuyên các bộ, ngành, địa phương đã tập trung mọi nguồn lực để xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Kết quả cụ thể như:

Đối với các văn bản thuộc trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo, Chính phủ đã ban hành các Nghị định gồm: Nghị định số 42/2024/NĐ-CP quy định về hoạt động lấn biển; Nghị định số 71/2024/NĐ-CP quy định về giá đất; Nghị định số 88/2024/NĐ-CP quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và Nghị định số 101/2024/NĐ-CP quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai. Đối với Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký để phát hành văn bản.

Đối với các văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã ban hành các Thông tư gồm: Thông tư số 08/2024/TT-BTNMT quy định về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất; Thông tư số 09/2024/TT-BTNMT quy định về hồ sơ địa chính, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đất; Thông tư số 10/2024/TT-BTNMT quy định về nội dung, cấu trúc, kiểu thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai và yêu cầu kỹ thuật đối với phần mềm ứng dụng của hệ thống thông tin Quốc gia về đất đai đất và Thông tư số 11/2024/TT-BTNMT quy định về kỹ thuật điều tra, đánh giá đất đai; kỹ thuật bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký ban hành Thông tư 12/2024/TT-BTNMT ngày 29 tháng 7 năm 2024 quy định chi tiết về đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cá nhân hành nghề tư vấn định giá đất; khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về giá đất. Như vậy, các văn bản thuộc trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường về xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai cơ bản đã hoàn thành xong.

Triển khai Luật để mang lại quyền lợi cho người sử dụng đất

Luật Đất đai 2024 có nhiều nội dung mới mang tính đột phá, đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, sử dụng đất đai…

Trong tổng số 260 điều của Luật Đất đai, có 97 điều giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Hội đồng nhân dân, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật. Luật sẽ phát huy ngay hiệu quả khi thực hiện, đặc biệt là các nội dung quyền của người sử dụng đất như: chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách đất đai đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam; chính sách tài chính đất đai, giá đất; cho phép người sử dụng đất được sử dụng kết hợp đa mục đích; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm khâu trung gian trong quản lý, sử dụng đất, giảm bớt chi phí tuân thủ trong tiếp cận đất đai…

Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt một số nội dung:

Về tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Đất đai, thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn những nội dung của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, sâu rộng đến từng các cơ quan, đơn vị, hiệp hội, tổ chức chính trị xã hội, đối tượng chịu sự tác động để các chính sách ưu việt sớm đi vào cuộc sống và tạo sự thống nhất, đồng thuận trong nhận thức và trong tổ chức triển khai thực hiện.

Về giá đất: Luật Đất đai năm 2024 đã quy định bảng giá đất được xây dựng hằng năm và bảng giá đất lần đầu được HĐND tỉnh thông qua và áp dụng từ ngày 01/01/2026, được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất từ ngày 01/01 của năm tiếp theo. Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương cần chuẩn bị từ sớm, dành nguồn lực tổ chức xây dựng bảng giá đất tiệm cận giá đất thị trường theo quy định mới của Luật.

Đối với Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo quy định của Luật Đất đai số 45/2013/QH13 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025; trường hợp cần thiết Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương.

Về giá đất cụ thể, Luật Đất đai năm 2024 đã phân cấp thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Do đó, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tập huấn về giá đất cho cán bộ cấp huyện; đồng thời, bố trí cán bộ, nguồn lực để Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện tốt nhiệm vụ quyết định giá đất cụ thể theo thẩm quyền được giao.

Về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, Luật Đất đai năm 2024 đã phân cấp toàn bộ thẩm quyền chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhằm tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương trong việc bố trí quỹ đất thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý đất đai trên địa bàn.

Về đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, Luật Đất đai năm 2024 đã giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định các loại giấy tờ khác về quyền sử dụng đất có trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 cho phù hợp với thực tiễn của địa phương để khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp Giấy chứng nhận thời gian qua.

Rà soát Luật Đất đai với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến đất đai, các Bộ, ngành, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tổ chức việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến đất đai để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới, đảm bảo phù hợp, thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Đất đai.

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất  (27/07/2024)

>   Từ 1/8, tiền đặt cọc không quá 5% giá nhà ở hình thành trong tương lai (25/07/2024)

>   Luật Đất đai 2024: Bước chuyển mới trong công tác quản lý đất đai (24/07/2024)

>   Kiểm kê đất đai năm 2024 trên phạm vi cả nước từ ngày 1/8/2024 (24/07/2024)

>   Từ 1/8, giá đền bù đất nông nghiệp sẽ tăng (24/07/2024)

>   Hà Nội tăng hệ số điều chỉnh giá đất, cao nhất tại 4 quận nội thành (23/07/2024)

>   Kiến nghị tăng mức hỗ trợ cho nhà dân sống trên kênh, rạch ở TPHCM (23/07/2024)

>   Loạt vi phạm kinh doanh bất động sản bị đề nghị phạt kịch khung tiền tỷ (19/07/2024)

>   Cấp sổ hồng: Đang có những tín hiệu mới (19/07/2024)

>   Chủ đầu tư không công khai dự án ‘cắm’ ngân hàng có thể bị phạt 1 tỷ đồng (18/07/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật