Thứ Sáu, 05/07/2024 08:57

Bất chấp rủi ro tỷ giá và thuế tối thiểu toàn cầu, vốn FDI vào Việt Nam vẫn tăng mạnh nhờ đâu?

Trước những rủi ro tỷ giá gia tăng, với tiền đồng đã có lúc mất giá so với USD gần 5% tính từ đầu năm đến nay, dòng vốn FDI vẫn duy trì đà tăng trưởng là một trong những điểm sáng của nền kinh tế trong 6 tháng qua. Đâu là yếu tố hỗ trợ?

Tăng trưởng tích cực

Trong 6 tháng đầu năm nay (tính đến ngày 20/6/2024), Việt Nam thu hút được 15.19 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 13.1% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là kết quả khá tích cực, nếu nhìn lại mức sụt giảm 4.3% của kỳ 6 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022. Dù vậy, nếu muốn đạt được mức tăng trưởng 32.1% của cả năm 2023, nửa năm còn lại sẽ là một thách thức không nhỏ.

Tăng trưởng mạnh nhất là lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới đạt 9.54 tỷ USD, tăng vọt 46.9% so với cùng kỳ. Các nhà đầu tư hàng đầu gồm Singapore với hơn 4 tỷ USD, chiếm đến 42.1% tổng vốn đăng ký cấp mới. Lượng vốn từ Trung Quốc (bao gồm Hồng Công) đạt gần 2.2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 23%. Như vậy, chỉ riêng 2 đối tác này đã chiếm hơn 65% lượng vốn FDI cấp mới vào Việt Nam trong 6 tháng qua.

Trong khi đó, lượng vốn đăng ký điều chỉnh cũng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trở lại, khi tăng thêm 3.95 tỷ USD cho 592 lượt dự án đã được cấp phép từ các năm trước, tương đương tăng 35% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy các nhà đầu tư quốc tế tiếp tục tin tưởng vào triển vọng phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tới, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị đang diễn ra nhiều nơi trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

Không chỉ vốn cam kết đầu tư tiếp tục đi lên, lượng vốn FDI thực hiện trong 6 tháng cũng chứng kiến kết quả nổi trội, khi đã có hơn 10.8 tỷ USD được giải ngân cho các dự án, tăng 8.2% so với cùng kỳ năm trước. Được biết đây cũng là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua. Trong đó, riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã đạt 8.6 tỷ USD, chiếm 79.3% tổng vốn FDI thực hiện.

Điểm xám duy nhất trong bức tranh thu hút vốn nước ngoài từ đầu năm đến nay là lượng vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài giảm mạnh 57.7% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 1.7 tỷ USD. Tuy nhiên, nguyên nhân sụt giảm mạnh là do cùng kỳ năm ngoái phát sinh khoản đầu tư của Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC - Nhật Bản) mua cổ phần của Ngân hàng VPBank lên đến 1.5 tỷ USD, còn năm nay chưa có thương vụ M&A nào đặc biệt lớn.

Trước những rủi ro tỷ giá gia tăng, với tiền đồng đã có lúc mất giá so với USD gần 5% tính từ đầu năm đến nay, dòng vốn FDI vẫn duy trì đà tăng trưởng là một trong những điểm sáng của nền kinh tế trong 6 tháng qua. Đặc biệt, bất chấp Việt Nam đã áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu kể từ đầu năm nay, nhưng dòng vốn vẫn rót vào mạnh mẽ càng cho thấy các nhà đầu tư tiếp tục lựa chọn Việt Nam như là điểm đến hấp dẫn và tiềm năng.

Cơ hội và thách thức

Có nhiều cơ sở để lý giải cho xu hướng tích cực này. Đầu tiên, đây có thể coi là kết quả từ chính sách chính trị ổn định, tích cực ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) và đa dạng hóa mối quan hệ với các nước trên thế giới, nhất là việc nâng cấp lên mối quan hệ chiến lược toàn diện với một loạt nền kinh tế lớn trong thời gian gần đây, từ Nhật, Hoa Kỳ cho đến Úc.

Về rủi ro tỷ giá, thực tế không chỉ riêng tiền đồng chịu áp lực giảm giá, mà nhiều nền kinh tế khác trong khu vực cũng không tránh khỏi xu thế tương tự trước xu hướng mạnh lên của đồng USD, khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang neo lãi suất cơ bản USD ở mức cao lâu hơn dự kiến. Thậm chí mức độ mất giá của tiền đồng vẫn đang thấp hơn nhiều so với một số đồng tiền khác.

Dù Fed vẫn chưa giảm lãi suất, nhưng một số quốc gia đã bắt đầu nới lỏng chính sách trở lại, từ Canada, ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Thụy Sĩ,…Với triển vọng lãi suất toàn cầu sẽ đi xuống trong thời gian tới, các tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư quốc tế sẽ lại tăng cường đầu tư ra bên ngoài. Việt Nam với vị trí địa lý thuận lợi và hưởng lợi từ chính sách tái cấu trúc chuỗi cung ứng, sẽ tiếp tục là cứ điểm sản xuất quan trọng.

Mới đây vào giữa tháng 5, Hoa Kỳ lại bất ngờ thông báo tăng mạnh thuế đối với nhiều hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, từ xe điện, pin, thiết bị y tế cho đến các sản phẩm nhôm và thép. Dòng thuế mới sẽ được Nhà Trắng áp dụng trong năm nay, số ít mặt hàng vào 2026. Là quốc gia đã đón nhận dòng vốn dịch chuyển từ Trung Quốc khi thương chiến Trung Quốc – Hoa Kỳ khởi đầu từ năm 2018, động thái mới đây của Mỹ có thể tiếp tục thúc đẩy dòng vốn dịch chuyển từ Trung Quốc sang các quốc gia lân cận.

Dù Fed vẫn chưa giảm lãi suất, nhưng một số quốc gia đã bắt đầu nới lỏng chính sách trở lại, từ Canada, ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Thụy Sĩ,…Với triển vọng lãi suất toàn cầu sẽ đi xuống trong thời gian tới, các tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư quốc tế sẽ lại tăng cường đầu tư ra bên ngoài. Việt Nam với vị trí địa lý thuận lợi và hưởng lợi từ chính sách tái cấu trúc chuỗi cung ứng, sẽ tiếp tục là cứ điểm sản xuất quan trọng.

Về ảnh hưởng của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam thời gian qua cũng đã nghiên cứu, xây dựng các chính sách ưu đãi đầu tư bổ sung ngoài thuế để bù đắp phần nào chi phí thuế tăng lên đối với các nhà đầu tư, nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng của chính sách này lên hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh những yếu tố hỗ trợ, chính sách thu hút FDI cũng đang đối mặt với một số thách thức, như chất lượng nguồn nhân lực với năng suất thấp, cơ sở hạ tầng còn nhiều điểm nghẽn, các thủ tục đầu tư, pháp lý dù đã được cải thiện gần đây nhưng vẫn còn nhiêu khê và phức tạp. Dù Chính phủ liên tục kêu gọi đẩy nhanh các dự án đầu tư công, nhưng tiến độ triển khai tại nhiều dự án cơ sở hạ tầng dường như vẫn đang chậm hơn nhiều so với kỳ vọng, thể hiện qua dòng vốn đầu tư từ ngân sách đạt tiến độ thấp so với kế hoạch.

Một vấn đề cần lưu ý nữa là dòng vốn đầu tư gián tiếp đang có dấu hiệu chậm lại. Nhìn vào động thái bán ròng không dứt của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán suốt thời gian qua, rõ ràng có lý do để lo ngại. Bên cạnh việc có quỹ ETF giải thể và rút khỏi thị trường Việt Nam, một số tập đoàn đa quốc gia cũng đang tái cấu trúc lại các khoản đầu tư của mình tại Việt Nam, để nguồn lực tập trung phát triển sang các lĩnh vực khác.

Phan Thụy

FILI

Các tin tức khác

>   EuroCham tin tưởng vào nền kinh tế phát triển ổn định của Việt Nam (04/07/2024)

>   Chính thức ban hành nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) cho điện tái tạo (03/07/2024)

>   Cục HKVN: Giám sát chặt chẽ các hãng đang tái cơ cấu như Bamboo Airways và Pacific Airlines (03/07/2024)

>   UOB: Triển vọng phía trước vẫn tích cực dù có thể tăng chậm hơn (02/07/2024)

>   Thủ tướng: Các nhà đầu tư Hàn Quốc có thể yên tâm đầu tư lâu dài, ổn định tại Việt Nam (01/07/2024)

>   Giải mã con số tăng trưởng kinh tế quý 2 (01/07/2024)

>   Kinh tế xã hội Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024: GDP tăng trưởng vượt nhiều dự báo (01/07/2024)

>   PMI tháng 6/2024: Số lượng đơn đặt hàng tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2011 (01/07/2024)

>   Lý do lương cơ sở tăng 30% nhưng lương hưu chỉ tăng 15% (01/07/2024)

>   Thủ tướng phân công các thành viên Chính phủ giải quyết việc cấp bách (01/07/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật