Thứ Hai, 24/06/2024 13:02

Thị trường trung tâm dữ liệu: Cơ hội nhiều, thách thức không thiếu

Châu Á - Thái Bình Dương đang chứng kiến sự mở rộng mạnh mẽ của các thị trường trung tâm dữ liệu (data center). Theo C&W, Việt Nam là thị trường trung tâm dữ liệu mới nổi, do chỉ có một số ít công ty đa quốc gia có nhu cầu dữ liệu cao. Tuy nhiên, do Việt Nam còn thiếu cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu nhất trong khu vực, cho thấy dư địa phát triển lớn.

Theo C&W, trong khi các nhà mạng quốc tế như NTT Global Data Centers, Telehouse đã có mặt trên thị trường, cách tiếp cận chung của những đơn vị mới tham gia là hợp tác với các công ty viễn thông trong nước như FPT Telecom, Viettel, VNPTCMC Telecom.

Các ông lớn như Apple, Intel, Canon, Samsung, LG, LEGO, Airbus và các tổ chức toàn cầu khác đã bắt đầu hợp tác với các đối tác có trụ sở tại Việt Nam để thiết lập chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số. Chính phủ Việt Nam cũng đã phê duyệt đề án trung tâm dữ liệu từ tháng 10/2023, nhằm lưu trữ dữ liệu của Chính phủ an toàn hơn khi hướng tới số hóa lớn hơn trong khu vực công.

Vào đầu tháng 5/2024, theo nguồn tin từ Nikkei, Alibaba đang lên kế hoạch xây dựng một TTDL tại Việt Nam để lưu trữ dữ liệu trong nước theo các quy định pháp luật. Chính sách được thông qua vào năm 2022 của Việt Nam yêu cầu các công ty nước ngoài, như Google, Amazon hay Alibaba… phải lưu trữ dữ liệu ở trong nước.

Theo JLL, nhiều doanh nghiệp quốc tế đã tham gia thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam. Một số dự án đáng chú ý như trung tâm công suất 20MW của Gaw Capital (Hồng Kông, Trung Quốc) tại Khu công nghệ cao TPHCM; NTT (Nhật Bản) và QD Tek (Việt Nam) cùng hợp tác mở một trung tâm dữ liệu quy mô 70 triệu USD.

JLL dự báo, nhiều nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây từ Mỹ sẽ theo chân hãng thương mại điện tử Trung Quốc, khiến thị trường ngày càng cạnh tranh và đa dạng hóa dịch vụ. "Việc Google, Amazon, Microsoft, Tencent đầu tư trung tâm dữ liệu riêng tại Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian" - JLL cho biết.

Theo dữ liệu của C&W, tính đến thời điểm kết thúc quý 1/2024, Việt Nam có 12 tổ chức vận hành 29 TTDL, sở hữu 47MW công suất đang hoạt động, 11MW đang xây dựng và kỳ vọng sẽ có thêm 36MW trong tương lai. Số lượng trung tâm và công suất tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TPHCM.

Về cơ cấu, trung tâm dữ liệu chia sẻ (colocation) chiếm 74%, trong khi trung tâm dữ liệu viễn thông (telecom) chiếm 26% còn lại.

Theo báo cáo “Chi phí xây dựng TTDL năm 2023, 2024” của C&W, Việt Nam có giá đất TTDL trung bình thấp nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, với 168 USD/m2 (Hà Nội là 120 USD/m2, TPHCM là 216 USD/m2), tạo khoảng cách rất lớn với thị trường dẫn đầu là Singapore, lên đến 11,573 USD/m2.

Các thị trường có giá đất trung bình cao nhất khu vực do sự khan hiếm quỹ đất cùng với nguồn điện sẵn có, kết hợp với lãi suất gia tăng đã góp phần làm tăng giá mua đất.

Dựa trên giá đất công nghiệp trung bình khu vực trung tâm và cận trung tâm của các thành phố trong cùng một thị trường - Nguồn: C&W

Xét theo chỉ số giá xây dựng trung bình TTDL, Việt Nam nằm trong nhóm thấp nhất khu vực, trung bình 6.7 triệu USD/MW, đứng thứ 12/14 trong khu vực, chỉ xếp trên Đài Loan (Trung Quốc) 6.15 USD/W, Philippines 4.59 USD/W.

Dựa trên thông số kỹ thuật trung bình, xây dựng TTDL 10-50MW - Nguồn: C&W

Chi phí xây dựng, giá nguyên liệu thô, chi phí năng lượng và vận chuyển vẫn chưa có dấu hiệu giảm và đang neo ở mức cao nhất mọi thời đại, khiến chi phí xây dựng đạt mức cao kỷ lục.

Theo Tổng Giám đốc C&W Việt Nam, với chi phí xây dựng và giá đất cạnh tranh, cùng với vị trí địa lý đắc địa, Việt Nam luôn nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư.

Song không gì là tồn tại mãi mãi và lợi thế về chi phí cũng không phải ngoại lệ. Việt Nam cần nhiều động thái hơn nhằm hướng đến phát triển bền vững, tận dụng tối đa các yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ như sự số hóa doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), sự xuất hiện của 5G và nội địa hóa dữ liệu.

Theo chuyên gia C&W, muốn thu hút thêm nhiều nhà đầu tư và phát triển bền vững, Việt Nam cần chuẩn bị kỹ lưỡng hạ tầng kỹ thuật trung tâm dữ liệu, đảm bảo khả năng mở rộng và ổn định; tạo ra môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư bằng các ưu đãi thuế và hỗ trợ cần thiết khác; đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng.

Hà Nội hiện có 14 TTDL, công suất 25MW đang hoạt động, 5MW đang xây dựng và dự kiến có thêm 21MW trong tương lai, tỷ lệ trống là 40%. Phần lớn công suất hiện nằm ở khu vực quận Cầu Giấy với sự góp mặt của FPT Telecom và CMC Telecom; khu công nghệ cao Hòa Lạc có Viettel IDC và HTC-ITC; các khu vực còn lại là do Viettel IDCVNPT phủ sóng.

Nguồn: C&W, cập nhật đến tháng 4/2024

Tại TPHCM, số lượng và công suất thấp hơn, với 13 TTDL, vận hành công suất 22MW, 6MW đang xây dựng và dự kiến có thêm 15MW trong tương lai. Tỷ lệ trống cao hơn, ở mức 48%. Công suất tập trung tại trung tâm thành phố và khu chế xuất Tân Thuận, với sự xuất hiện của VNG Cloud và CMC Telecom; khu công nghệ cao TPHCM có CMC Telecom và Edge Centres (Úc), khu vực còn lại có Viettel IDC và VNTT.

Nguồn: C&W, cập nhật đến tháng 4/2024

Theo thống kê của Mordor Intelligence và JLL Research, tính đến cuối quý 3/2023, VNPT chiếm lần lượt 61%, 67% và 26% tại miền Bắc, Trung và Nam. Các đơn vị khác nổi bật như Viettel IDC, HTC-ITC, QTSC Telecom, FPT Telecom, CMC Telecom, VNG Cloud và VNPT.

Nguồn: Mordor Intelligence, JLL Research, cập nhật đến quý 3/2023

TPHCM hiện sở hữu mô hình đa trung tâm, tạo ra 5 phân vùng phát triển chính, mỗi vùng có định hướng phát triển riêng dựa trên chiến lược phát triển không gian và cấu trúc đô thị hiện hữu. C&W nhận định, mô hình này có thể tạo điều kiện thuận lợi để phát triển trung tâm dữ liệu tại TPHCM.

Bên cạnh đó, việc các công ty lớn đầu tư vào Việt Nam cũng tạo ra động lực phát triển không nhỏ, điển hình như Công ty Hathor DC Vietnam Holdings Pte. Ltd, thuộc Tập đoàn Evolution Data Centres (Singapore), đã đăng ký làm nhà đầu tư chiến lược cho dự án TTDL tại TPHCM.

JLL cũng đưa ra dự báo rằng, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương sẽ chứng kiến ​​sự phát triển TTDL, do nguồn đất và nguồn điện sẵn có, thời hạn thuê và cải thiện cơ sở hạ tầng.

Theo báo cáo chi tiêu công nghệ thông tin toàn cầu của Gartner mới nhất (công bố ngày 17/01/2024), chi tiêu cho TTDL sẽ tăng trưởng 7.5% trong năm 2024, đạt quy mô 261 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng của TTDL chỉ đứng sau chi tiêu phần mềm (12.7%) và dịch vụ công nghệ thông tin (8.7%).

Chi tiêu cho TTDL vẫn còn rất nhỏ khi so với các mảng khác thuộc ngành công nghệ thông tin. Do đó, dư địa tăng trưởng còn rất lớn.

Nguồn: Gartner, công bố ngày 17/01/2024

Các doanh nghiệp Việt Nam thể hiện rõ quyết tâm phát triển lĩnh vực còn rất nhiều tiềm năng này. FPT cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng hệ thống hạ tầng TTDL, dự kiến cuối năm 2024 đưa vào hoạt động TTDL tại TP. Thủ Đức, kỳ vọng trở thành một trong những TTDL lớn nhất tại Việt Nam với quy mô hơn 3,000 tủ rack. Tính đến thời điểm cuối quý 1/2024, FPT ghi nhận chi phí xây dựng cơ bản dở dang gần 250 tỷ đồng cho dự án TTDL TP. Thủ Đức.

Trước đó, trong năm 2023, mảng kinh doanh TTDL của FPT ghi nhận mức tăng trưởng trên 20%, đem về 20 triệu USD doanh thu trong năm 2023.

CMC cũng hướng tới mục tiêu công ty số toàn cầu quy mô tỷ đô vào năm 2025, sẽ có sự chuyển dịch doanh thu số mạnh mẽ với tỷ trọng 30-40%. Doanh thu số sẽ từ các dịch vụ then chốt như TTDL, các giải pháp trên nền tảng điện toán đám mây.

Theo dự báo của C&W, thị trường TTDL Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh hơn trong tương lai, nhưng sẽ đối mặt không ít rủi ro.

Thứ nhất, an ninh thông tin và bảo mật dữ liệu là mối quan tâm hàng đầu. Các cuộc tấn công mạng, rò rỉ dữ liệu và vi phạm quyền riêng tư có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho doanh nghiệp và người dùng.

Thứ hai là thiếu hạ tầng và năng lực kỹ thuật để duy trì tốc độ phát triển.

Thứ ba là biến đổi khí hậu và năng lượng. TTDL tiêu thụ lượng điện lớn, do đó việc đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định và bền vững là một khó khăn. Việt Nam cần tìm kiếm các giải pháp tiết kiệm năng lượng và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo để giảm tác động đến môi trường.

Thứ tư, sự cạnh tranh và thay đổi công nghệ thị trường TTDL ngày càng khốc liệt. Việc duy trì thích nghi công nghệ là điều cần thiết.

Bên cạnh đó, đứng trên góc độ nhà đầu tư, có 5 yếu tố quan trọng cần xem xét khi đầu tư TTDL tại Việt Nam, bao gồm pháp luật và chính sách; cơ sở hạ tầng quốc gia; tay nghề lao động; tiêu chuẩn quốc tế và bảo mật dữ liệu; tích hợp công nghệ mới.

Về pháp luật và chính sách, tính đến hiện tại, vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào hướng dẫn chi tiết về điều kiện kinh doanh đối với ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ TTDL”. Tuy nhiên, Quốc hội đã xây dựng dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) và Chính phủ đang soạn thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng để mở rộng phạm vi điều chỉnh đến dịch vụ TTDL.

Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng quốc gia là rất quan trọng để đảm bảo ổn định và hiệu quả hoạt động của TTDL. Hạ tầng mạng, điện cần được đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Tay nghề lao động, cụ thể là đầu tư vào đào tạo và thu hút nguồn nhân lực có tay nghề cao trong lĩnh vực TTDL. Các chuyên gia về an ninh mạng, quản lý hệ thống và kỹ thuật viên giữ vai trò vô cùng quan trọng để đảm bảo hoạt động ổn định.

Đảm bảo TTDL đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an ninh, bảo mật và hiệu suất, bởi việc bảo vệ dữ liệu của khách hàng là ưu tiên hàng đầu

Cuối cùng, trong lĩnh vực TTDL, cần phải tích hợp công nghệ mới như như AI, điện toán đám mây và 5G để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Huy Khải

Thiết kế: Tuấn Trần

FILI

Các tin tức khác

>   Quy hoạch TP.HCM 2030-2050: Những mũi nhọn nào cần đột phá?  (21/06/2024)

>   Thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư không vì lợi nhuận (21/06/2024)

>   Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có thành phố Phú Mỹ (20/06/2024)

>   Khu đô thị mới Việt Hưng điều chỉnh dành một phần đất xây trường liên cấp (19/06/2024)

>   VGV tư vấn lập quy hoạch 1/2000 khu dịch vụ đô thị, sân golf Ao Châu gần 490ha (15/06/2024)

>   Ai đứng sau khu công nghiệp Thổ Hoàng hơn 3,000 tỷ tại Hưng Yên? (14/06/2024)

>   Hải Dương hứa hoàn thành đường dẫn cầu Đồng Việt đúng tiến độ (14/06/2024)

>   Bí thư TPHCM: Gần 20 năm chưa xong tuyến metro số 1 là 'không thể chấp nhận' (13/06/2024)

>   TP. Vinh mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại I, tổng diện tích hơn 166km2 (13/06/2024)

>   Thêm hai khu du lịch thuộc khu kinh tế Vân Phong được phê duyệt quy hoạch 1/2000 (12/06/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật