Quy hoạch TP.HCM 2030-2050: Những mũi nhọn nào cần đột phá?
Ngày 12/06, với tỉ lệ 27/27 thành viên đồng ý, hồ sơ quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông qua. Một ngày sau đó, 13/06 tại Hội nghị lần thứ 31 (mở rộng) của Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI, Bí thư thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã yêu cầu các đại biểu có trách nhiệm để hoàn chỉnh quy hoạch, trình HĐND Thành phố tại kỳ họp chuyên đề sắp tới để trình Hội đồng Thẩm định quy hoạch Nhà nước.
Trải qua 5 thập kỷ hòa bình, phát triển với nhiều cột mốc đổi mới, đây có thể xem là mở đầu cho bước chuyển mình của nửa thế kỷ kế tiếp với mục tiêu “xác định đến năm 2030, TP.HCM phấn đấu thành đô thị toàn cầu, là thành phố phát triển, hiện đại, văn minh, vượt qua ngưỡng thu nhập cao. TP.HCM phải trở thành nơi đáng đến, đáng sống, đáng làm việc cho các nhà chuyên gia, khoa học, trí thức" - theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng.
Đề án Quy hoạch TP.HCM trong giai đoạn mới xác định rõ các nhiệm vụ đột phá, trong đó nổi bật lên một số nội dung trọng tâm, được xem là động lực chính và là chủ lực của quá trình phát triển. Trước hết đó là phải thật sự đột phá về hạ tầng, từ hạ tầng. Bởi, ngoài chiếc áo quá chật và cũ kỹ, lạc hậu của hạ tầng thành phố nói riêng, của cả vùng Đông Nam Bộ - khu vực phía Nam nói chung thì trong tình hình mới, khi liên kết vùng được đặt lên như một yêu cầu chiến lược thì phải bắt đầu từ sự đột phá về hạ tầng cho cả vùng thì mới có thể khơi thông sức mạnh địa phương - vùng.
Đơn cử như quy hoạch sân bay Long Thành, không đơn thuần chỉ xem đó là việc của Đồng Nai mà phải là trên toàn tuyến TP.HCM - Đông Nam Bộ. Tức phải đặt quy hoạch trong không gian mở, không chỉ trong vùng Đông Nam Bộ mà từ đây tạo ra những đường dẫn mới cho cả khu vực, quốc tế. Điều này không chỉ ở hạ tầng giao thông hàng không mà còn đường bộ, đường thủy… Cảng biển là một ví dụ, phải tính toán để sự kết nối giao thương phát huy tốt nhất giữa cảng quốc tế ở Bà Rịa - Vũng Tàu, cảng trung chuyển Cát Lái của TP.HCM và sắp tới là Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Là thành phố công nghiệp - dịch vụ, sau hơn 30 năm thành công với mô hình công nghiệp xuất khẩu thì nay, đã bộc lộ hạn chế của các ngành vốn thâm dụng lao động cao nhưng giá trị gia tăng thấp, do đó TP.HCM đang từng bước chuyển dàn sang công nghiệp kỹ thuật cao, cụ thể là tận dụng vị thế Đối tác chiến lược toàn diện với 6 cường quốc nhằm ưu tiên các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao như làm chip, bán dẫn…Về dịch vụ, lại quay về hạ tầng và nhất là thể chế phát triển đi cùng quản lý đô thị như tiền đề quan trọng để vận hành bộ máy dịch vụ chuyên nghiệp, hiệu quả.
Điều này là không dễ, cả trước mắt lẫn đường dài, nhất là đặt trong điều kiện của biến đổi khí hậu đang tác động ngày một nặng nề và “diễn ra ngay trước mắt”. Đề án đã dự báo đầy đủ và dự phóng tầm xa mức độ ngập, lún, mưa và hệ lụy của nó lên hạ tầng đô thị, đời sống của 25-20 triệu dân - theo dự báo dân số TP.HCM năm 2030. Rõ ràng ngay từ bây giờ, trong đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) phải làm rõ tính quy hoạch của các vùng bị ngập, lún thì sẽ phù hợp cho loại hình kiến trúc, xây dựng, công năng gì (là nhà ở, khu dân cư hay khu công nghiệp…) để hình dung được mức độ tác động và giải pháp ứng phó.
Nếu thế thì mức độ khai thác Cần Giờ hơn bao giờ hết phải đòi hỏi tầm nhìn xa và… sâu từ bây giờ. Bể trữ nước Cần Giờ, nhất là khu rừng ngập mặn không chỉ là bể trữ carbon mà là nơi điều tiết lượng nước để làm chậm tốc độ triều cường tràn vào thành phố.
Có những vấn nạn cũ - là hệ quả từ quy hoạch có thể đúng nhưng quá trình triển khai đã sai mà dẫn tới hiện trạng ngập, tắc nghiêm trọng. “Lòng chảo” nước chợ Thủ Đức trong những ngày mưa vừa qua là một điển hình của sự tắc trách trong tính toán lẫn thi công. Vậy, với quy hoạch lần này, chúng ta có rút kinh nghiệm để một mặt vừa “cuốn chiếu” khắc phục cái sai cũ vừa phải lập hàng rào kỹ thuật cho bản quy hoạch mới đảm bảo tính khoa học, quy củ, hợp lý.
Đã xác định TP.HCM là cửa ngõ giao thương khu vực - quốc tế; vậy trong đánh giá về hiện trạng, phải xác định cho rõ những ách tắc, hạn chế hiện nay để từ đó khắc phục, tạo ra một thế khơi thông mới. Chỉ khi cửa ngõ được thông thì nội đô, liên tỉnh, liên vùng mới có thể kết nối xuyên suốt được.
Vào tháng trước, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch Phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ, xác định khu vực này là một động lực cho phát triển đất nước. TP.HCM là hạt nhân của vùng Đông Nam bộ, kinh tế của thành phố chiếm gần 60% toàn vùng. Ở cả 2 bản quy hoạch, tốc độ tăng trưởng hàng năm của Đông Nam Bộ là 8-9%, trong đó TP.HCM là 8.5-9% - đây là “tham vọng” và cũng là áp lực rất lớn, do đó, tất cả những mũi nhọn đột phá vừa nêu nếu không chuẩn bị nội lực ngay từ bây giờ thì khó có thể hoàn thành. Nội lực ấy tích tụ từ đầu tư hệ thống hạ tầng, xác định lợi thế ngành chủ lực trong nền kinh tế công nghiệp - dịch vụ, nâng cao chất lượng cải cách thể chế và quản lý đô thị.
Từ quy hoạch đến thực tiễn là cả một khoảng cách, và hiệu quả được đo bằng chất lượng sống của người dân chính là cách làm ngắn lại, gần hơn cái khoảng cách ấy!
Quốc Học
FILI
|