Thứ Sáu, 21/06/2024 13:00

Dịch vụ

​Những câu chuyện ít người biết về VNG, doanh nghiệp sở hữu mã chứng khoán đắt nhất Việt Nam

Khi nói tới VNG, rất nhiều người chỉ nghĩ tới một công ty game. Trên thực tế, doanh nghiệp này sở hữu thị phần không hề nhỏ trong những mảng thị trường đang rất “hot” tại Việt Nam như fintech, điện toán đám mây, trung tâm dữ liệu hay trí tuệ nhân tạo.

Nhạy bén và may mắn

Nhìn lại thành công của VNG trong 20 năm qua, nhiều chuyên gia cho rằng chìa khóa của họ nằm ở hai yếu tố: May mắn và nhạy bén. Thời điểm mang đến cho họ cơ hội, nhưng cái giỏi của VNG là họ đã nhìn ra cơ hội đó và sẵn sàng “chộp” lấy chúng, dù trong mắt người khác, đó có thể là hành động đầy sự liều lĩnh, thậm chí là điên rồ.

Xuất phát điểm của VNG – game online - chính là minh chứng điển hình. Đầu những năm 2000, khi mạng LAN và các quán Internet bắt đầu xâm nhập Việt Nam, VNG đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội và phát hành Võ Lâm Truyền Kỳ vào năm 2005. Dù hoạt động cùng thời điểm với một “tượng đài làng game” khác là MU Online của FPT, nhưng Võ Lâm Truyền Kỳ vẫn nhanh chóng thu hút 1 triệu người dùng chỉ sau vài tháng ra mắt, ghi dấu ấn đầu tiên của VNG trong ngành công nghiệp game trực tuyến. Đến nay, cộng đồng game thủ vẫn nhắc đến Võ Lâm Truyền Kỳ như một huyền thoại, trong khi hầu hết các “con game” cùng thời đều đã trở thành quá khứ.

“Võ Lâm Truyền Kỳ là một phần của tuổi thơ mình. Nó vừa là nơi giải trí, cũng là nền tảng để giao lưu, học hỏi và phát triển kỹ năng tốt” – Mạnh, 9x đời đầu từng một thời “khuynh đảo võ lâm” chia sẻ.

Năm 2008, Apple ra mắt iPhone, thế giới chính thức bước vào một cuộc cách mạng công nghệ mới mang tên “Mobile”. Có điều, giá thành một chiếc iPhone khi đó lên tới cả ngàn USD, trở thành rào cản lớn nhất để smartphone được phổ biến tại Việt Nam.

Tại thời điểm đó, VNG đang ở “đỉnh cao” hoàng kim nhờ PC game. Nhưng trong một cuộc phỏng vấn trước đây, nhà sáng lập Lê Hồng Minh của doanh nghiệp này tiết lộ VNG đã nhận ra “Mobile” mới chính là tương lai chứ không phải PC. Vì thế, họ đã có một động thái khiến rất nhiều người trong giới khi ấy “hốt hoảng” là quyết định chuyển hướng hoàn toàn sang Mobile. Thậm chí tất cả mục tiêu kinh doanh đều được xác định theo Mobile, còn PC thì tiến dần tới chỗ bị loại bỏ.

Năm 2011, VNG đã hợp tác với Samsung để phát triển các ứng dụng cho điện thoại Android giá rẻ, với mục tiêu giúp người dùng Việt Nam tiếp cận smartphone dễ dàng hơn. Sau đó, lần lượt các ứng dụng Tổng hợp tin tức Báo Mới, Nghe nhạc trực tuyến ZingMP3 và nhất là Ứng dụng nhắn tin Zalo ra đời, nối gót nhau trở thành những ứng dụng “quốc dân” tại Việt Nam trong thập niên 2010. Cho đến thời điểm này, những ứng dụng này của VNG vẫn được sử dụng cực kỳ phổ biến.

Với gần 76 triệu người dùng hoạt động hàng tháng tính đến cuối năm 2023 (số liệu từ MMA Việt Nam và Decision Lab), Zalo đang dẫn đầu danh mục những nền tảng nhắn tin hàng đầu Việt Nam, chiếm tỷ lệ sử dụng 87%, vượt qua các ứng dụng phổ biến khác như Facebook (72%), Messenger (58%) hay Instagram (15%).Với đa dạng tiện ích, Zalo không còn là ứng dụng nhắn tin đơn thuần. Số liệu do VNG công bố cũng cho thấy Zalo hiện có 9.6 triệu người dùng hàng tháng sử dụng tính năng chuyển tiền ngân hàng trong cửa sổ Zalo.

Năm 2016, VNG bắt đầu nhận ra tiềm năng của xu hướng thanh toán điện tử. Họ phát triển ví điện tử ZaloPay để tận dụng hệ sinh thái Mobile rất mạnh mà mình đang sở hữu. Điểm dễ nhận thấy ở ví điện tử này là hướng đi khác biệt so với các đối thủ: Họ đồng thời mở rộng mạng lưới đối tác thanh toán và đi tiên phong trong việc cung cấp các giải pháp tài chính vi mô mới mẻ, phù hợp với người dùng trẻ như mua cổ phiếu, tiêu trước trả sau, gửi tiết kiệm qua ví…

Theo công ty chứng khoán DNSE, sau khi hợp tác với ZaloPay để triển khai sản phẩm Tài khoản Chứng khoán, doanh nghiệp này ghi nhận hơn 350 ngàn tài khoản mở mới đến từ ZaloPay, chiếm 26.5% thị phần tài khoản chứng khoán mở mới tính đến hết năm 2023.

“Mình không dám chơi cổ phiếu trên sàn vì rất sợ rủi ro khi số lượng cổ phiếu phải mua 1 lần khá lớn. Nhưng từ lúc ZaloPay giới thiệu tính năng này thì mình đã trải nghiệm thử vài lần và thấy khá hứng thú” - trích chia sẻ của Minh Khang, một nhân viên văn phòng đang làm việc tại Quận 1, TP.HCM.

ZaloPay cũng là đơn vị đầu tiên triển khai giải pháp QR đa năng kết hợp giữa mã QR ZaloPay và VietQR. Trước đây, các cửa hàng thường trưng quá nhiều mã QR riêng biệt của các ứng dụng ví điện tử và ngân hàng số khác nhau khiến người dùng “loạn”, nhưng với VietQR, dù bạn dùng ứng dụng nào cũng có thể quét được mã. Không chỉ người dùng được thuận tiện mà các nhà bán hàng cũng được “hưởng lợi” khi hệ thống ZaloPay QR cho phép các nhà bán lẻ đối soát chi phí, hoàn trả dễ dàng. Mới đây, giải pháp QR đa năng này cũng được Momo triển khai và nhận được rất nhiều tín hiệu tích cực từ người dùng. Sự đa dạng của thị trường ví điện tử cũng tạo nên những lựa chọn thuận tiện phù hợp với thị hiếu từng tệp khách hàng riêng.

Nhập cuộc cực nhanh với AI

Sau cơn bão smartphone, làn sóng AI tràn tới và trở nên nổi bật hơn kể từ khi ChatGPT ra đời. Không có gì bất ngờ khi đây cũng là lúc VNG để mắt đến AI.

Có vẻ như doanh nghiệp này đang áp dụng hướng tiếp cận theo chiều rộng với AI, khi đồng loạt ra mắt dịch vụ AI ở nhiều mảng khác nhau. Zalo từng nhiều lần chia sẻ Zalo AI của họ tập trung giải quyết những nhu cầu cụ thể, đặc thù của người dùng và thị trường Việt Nam, thay vì trở thành một chatbot tổng quát như ChatGPT. Chẳng hạn như dựa trên luật giao thông Việt Nam và các tình huống tham gia giao thông cụ thể, Kiki Giao thông hiện đang cho kết quả chính xác và chi tiết hơn so với các sản phẩm hiện có trên thị trường, bao gồm cả ChatGPT. Dịp 8/3 vừa qua, Zalo AI cũng đã tạo ra hàng triệu bài thơ phục vụ nhu cầu chúc tặng của người dùng. Ứng dụng tạo ảnh avatar AI trên Zalo đã có tới 6.8 triệu người dùng trong năm 2023.

Không dừng lại ở thế mạnh truyền thống là các sản phẩm nhắm đến nhóm end users (người dùng cuối), VNG bắt đầu mở rộng sang nhóm khách hàng doanh nghiệp. Họ tập trung vào 3 nhóm sản phẩm chính, được cho là các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu lớn nhất, là Bảo mật, Điện toán đám mây và AI.

Trong câu chuyện này, cần phải lần nữa nhắc đến sự nhạy bén của VNG với mong muốn tự chủ lưu trữ dữ liệu từ rất sớm. Theo ông Lê Hồng Minh, từ khi mới thành lập vào năm 2004, VNG đã nghĩ đến việc xây dựng 1 trung tâm dữ liệu để có thể đặt máy chủ tại Việt Nam, phục vụ các sản phẩm nội bộ.

“Sau 20 năm, VNG đã trải qua 4 lần chuyển Trung tâm dữ liệu, từ cái đầu tiên ở Điện Biên Phủ, sau 3 năm thì chuyển qua ở Cộng Hòa, rồi chuyển qua công viên phần mềm Quang Trung, và gần đây nhất là Trung tâm Dữ liệu tại KCX Tân Thuận. Năm 2021, ngay giữa mùa dịch, đội ngũ VNG đã xây dựng và hoàn thiện Trung tâm Dữ liệu VNG Data Center vào tháng 9/2022. Toàn bộ quá trình đó là để phục vụ cho người dùng VNG tại Việt Nam”, ông Minh cho hay.

Mới đây nhất, VNG đã hợp tác với ST Telemedia Global Data Centres, một nhà cung cấp trung tâm dữ liệu hàng đầu thế giới với sự hậu thuẫn của Quỹ đầu tư Temasek của chính phủ Singapore, để xây dựng và phát triển 2 Trung tâm dữ liệu tiêu chuẩn toàn cầu tại TP.HCM. Một trung tâm dữ liệu khác, chuyên về AI, cũng sẽ được VNG khai trương tại Thái Lan vào cuối tháng 6 này, hợp tác cùng Nvidia và STT GDC, để cung cấp hạ tầng AI Cloud tới khách hàng toàn cầu. VNG GreenNode, thành viên mới nhất trong mảng kinh doanh Giải pháp doanh nghiệp của VNG, trở thành đối tác đám mây của Nvidia - hãng công nghệ có giá trị lớn nhất thế giới hiện nay - từ tháng 5/2024, được ưu tiên tiếp cận các nhà máy mô hình cùng thế hệ chip AI mới để phát triển các mô hình dịch vụ liên quan của Nvidia.

Có thể thấy, khi nhìn ra cơ hội, VNG thường hành động rất nhanh. Ông Minh từng nói “Chúng tôi hiểu rõ những rủi ro, nhưng chúng tôi không dừng lại ở bàn bạc nữa, mà luôn bắt tay vào hành động”.  VNG từng đối mặt với nhiều rủi ro lớn, từ việc ký hợp đồng game với số tiền siêu ít ỏi, cho đến từ bỏ con đường bằng phẳng dễ đi mà mình đang ở đỉnh cao để theo đuổi một xu hướng công nghệ hoàn toàn mới. Tuy nhiên, bạn sẽ chẳng thể nào thành công nếu không dám hành động khi thời cơ đến, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ.

FILI

Các tin tức khác

>   PWS: Ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức bằng tiền mặt (21/06/2024)

>   TED: Ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức bằng tiền mặt (21/06/2024)

>   LBC: Ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức bằng tiền mặt (21/06/2024)

>   Kỷ niệm 28 năm thành lập PETROSETCO: Củng cố nội lực, vượt khó đường dài (21/06/2024)

>   HOSE: Số liệu quản lý sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài 21/06/2024 (21/06/2024)

>   PNJ lãi hơn 1 ngàn tỷ đồng sau 5 tháng (21/06/2024)

>   VNY: Ký hợp đồng kiểm toán báo cáo tài chính năm 2024 (20/06/2024)

>   VCI: Công bố Điều lệ Công ty được sửa đổi bổ sung (20/06/2024)

>   DRH: CBTT Nghị quyết HĐQT thực hiện bán cổ phiếu KSB (20/06/2024)

>   CLW: CBTT Nghị quyết HĐQT thông qua ký hợp đồng mua vật tư (20/06/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật