Nhịp đập Thị trường 06/06: Bất ngờ bi quan về cuối phiên chiều
Nửa cuối phiên chiều, VN-Index có diễn biến bất ngờ khi quay đầu giảm, chạm mốc sâu nhất là 1,278.4 điểm (-5.95 điểm), từ đó nhích lên trở lại nhưng vẫn không đưa được chỉ số lên vùng tăng giá. Kết phiên, VN-Index dừng ở 1,283.56 điểm, giảm nhẹ 0.79 điểm; HNX-Index giảm nhẹ 0.31 điểm về 244.18 điểm; ngược lại, UPCoM-Index tăng 0.86 điểm lên 98.32 điểm.
Về độ rộng thị trường, số mã giảm điểm là 392 mã, lấn át số mã tăng giá là 351 mã, số mã đứng giá là 821 mã. Đồng thời, thanh khoản VN-Index vẫn không có sự cải thiện, ghi nhận tại cuối phiên là gần 19,800 tỷ, thấp hơn 21,400 tỷ trung bình phiên hôm qua.
Mức giảm điểm cũng lan tỏa ra nhiều ngành, theo VS-Sector, số ngành giảm điểm mở rộng ra 14 ngành, so với đầu phiên chỉ 3 ngành. Trong đó, giảm mạnh nhất là vận tải - kho bãi, kế đến là thực phẩm – hóa chất, bảo hiểm,…
Ở nhóm xây dựng và bất động sản, chỉ còn một vài mã tăng điểm đáng chú ý như HHV, VCG, HDG và VCG.
Ngược lại, ngành tăng điểm mạnh nhất là dịch vụ tư vấn – hỗ trợ; sản xuất thiết bị, máy móc; nông – lâm – ngư,…
Nhóm ngân hàng nhìn chung vẫn còn tích cực với chỉ số trung bình ngành tăng 0.54%, đồng thời đóng vai trò là lực đỡ chính, giúp chỉ số không giảm sâu hơn. Có 9/10 cổ phiếu tác động tích cực nhất lên VN-Index là cổ phiếu ngân hàng, với sự dẫn đầu của STB, TCB, BID, VCB…; TCB trước đó thuộc nhóm tác động tiêu cực nhất đến chỉ số; BCM là cổ phiếu không thuộc nhóm ngân hàng tác động tích cực lên chỉ số.
Trong khi đó, cổ phiếu thuộc nhóm thực phẩm là VNM có tác động tiêu cực nhất lên VN-Index; xếp sau là cổ phiếu HVN, VIC, GVR và VHM…
Lực bán của khối ngoại cũng mạnh hơn so với phiên sáng, giá trị bán ròng tăng lên gần 832 tỷ đồng trên cả 3 sàn. Khối ngoại bán mạnh nhất là cổ phiếu công nghiệp FPT – đây cũng là một trong những cổ phiếu tạo áp lực giảm lên chỉ số; xếp sau là TCB. Ngược lại, khối này mua mạnh cổ phiếu thực phẩm MSN và chứng chỉ quỹ FUEVFVND.
Top 10 cổ phiếu khối ngoại mua - bán ròng mạnh nhất phiên 06/06/2024 |
|
Phiên sáng: Nhóm ngân hàng dẫn dắt, VN-Index tăng hơn 4 điểm
Kết phiên sáng, VN-Index tạm dừng ở mức 1,288.8 điểm (+4.45 điểm, tương đương 0.34%), nhưng thanh khoản lại kém sôi động hơn, ghi nhận 7,600 tỷ đồng (-27% so với trung bình phiên hôm qua). Số mã giảm tăng giá là 359 mã và giảm giá là 259 mã.
Số ngành giảm điểm tăng lên 5 ngành so với 3 ngành ở đầu phiên, gồm sản phẩm cao su, tài chính khác, bán lẻ, dịch vụ lưu trú – ăn uống – giải trí và chế biến thủy sản.
Nhìn chung chưa có diễn biến mới quá nổi bật ở nhóm sản xuất, xây dựng và bất động sản. Theo thông tin từ Nikkei Asia, Philippines, nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, đang có kế hoạch giảm thuế nhập khẩu gạo từ 35% xuống 15% cho đến năm 2028. Mục tiêu của việc này là làm giảm lạm phát trong nước. Các chuyên gia cho rằng động thái này sẽ có lợi cho các nhà sản xuất gạo nước ngoài như Việt Nam - là nhà cung ứng gạo lớn nhất cho Philippines.
Nhóm công nghệ thông tin duy trì được phong độ, nổi bật với FPT và CMG tăng giá, trong kh VGI lại giảm gần 2.5%.
Tín hiệu tích cực hơn đang được phát ra từ nhóm ngân hàng và chứng khoán với nhiều mã tăng giá hơn. Cổ phiếu STB kết phiên sáng tăng hơn 3.7%, LPB tăng 2.5% và EIB cũng tăng giá hơn 1.5%... Ở nhóm chứng khoán, SSI đảo chiều tăng giá, trong khi đó VIX đi ngang.
Nhóm ngân hàng theo đó cũng đóng vai trò dẫn dắt VN-Index với 7/10 mã có đóng góp tích cực nhất lên chỉ số. Trong đó, dẫn đầu là nhóm VCB, STB, LPB và BID. Ngược lại cổ phiếu VNM, TCB và DGC là gánh nặng lớn nhất của VN-Index.
Khối ngoại tiếp diễn đà bán ròng, gần 262 tỷ đồng trên cả 3 sàn, bán nhiều nhất cổ phiếu FPT và MWG; nhưng đã chuyển qua mua ròng nhiều nhất PNJ hơn 42 tỷ đồng lớn hơn tổng của hai chứng khoán xếp sau là chứng chỉ quỹ FUEVFND (gần 26 tỷ đông) và LPB (hơn 10 tỷ đồng).
Các chỉ số thị trường châu Á khác cũng giao dịch trong sắc xanh như Nikkei 225 (Nhật Bản), Singapore Straits Times và Hang Seng. Ngược lại Shanghai Composite giảm 0.08%.
10h55: Sự phân hóa gia tăng ở nhóm tài chính và bất động sản
Từ lúc mở cửa cho tới 10h34, VN-Index vẫn giữ được sắc xanh, giao dịch quanh 1,288.4 điểm (+3.94 điểm), tương tự UPCoM-Index và HNX-Index cũng duy trì được sự tích cực.
Tuy nhiên, mức độ phân hóa so với đầu phiên có phần lớn hơn. Còn nhớ đầu phiên độ rộng thị trường nghiêng hẳn về hướng tăng giá, với 355 mã tăng giá và 97 mã giảm giá; thì đến thời điểm nói trên, số mã giảm giá đã tăng lên 230 mã và số mã tăng giá giảm xuống còn 343 mã.
So với phiên hôm qua, thị trường nhìn chung giao dịch kém sôi động hơn, thanh khoản VN-Index ghi nhận hơn 5,000 tỷ đồng ở thời điểm nói trên, thấp hơn mức 7,000 tỷ trung bình phiên trước và 6,800 tỷ trung bình 5 phiên trước.
Các nhóm ngành giảm điểm cũng duy trì ở mức 3 ngành, tuy nhiên, ngành bán lẻ đã gia nhập câu lạc bộ tăng điểm, qua đó hất ngành tài chính xuống nhóm giảm điểm.
Rõ ràng ở nhóm tài chính, điển hình là ngân hàng và chứng khoán, mức độ phân hóa khá lớn với các mảng xanh, đỏ, vàng đan xen nhau và không màu nào chiếm ưu thế hơn trên bảng đồ nhiệt. Các cổ phiếu chứng khoán tăng giá như SHS, FTS; giảm giá như VCI, VIX, SSI và đứng giá như HCM và VND. Ở nhóm ngân hàng, cổ phiếu VCB, CTG có sắc xanh; còn TCB giảm điểm; trong khi VPB, EIB lại đứng giá.
Tương tự, quan sát nhóm xây dựng và bất động sản sẽ thấy mức độ phân hóa cũng tăng hơn so mở cửa. Trong khi HHV, HDG và VCG có sắc xanh thì NLG, KDH, DIG… giảm điểm, còn cổ phiếu VHM đứng giá.
Nhóm sản xuất cũng bắt đầu xuất hiện nhiều cổ phiếu giảm điểm, nhưng mặt tích cực vẫn chiếm phần đã với ngôi sao sáng là VEA, VCS, MCH và BSR, nhóm thép như HPG, HSG, NKG và SAB cũng có mức tăng đáng chú ý. Cổ phiếu TCM đầu phiên giảm điểm nhưng đã tăng trở lại.
Cổ phiếu ngân hàng gồm VCB, BID và LPB đang có tác động tích cực nhất lên chỉ số. Ngược lại, VNM và TCB đang tác động theo hướng ngược lại, tạo áp lực lên VN-Index.
Khối ngoại duy trì đã bán ròng, ghi nhận gần 264 tỷ đồng trên cả 3 sàn. Tập trung bán ròng nhiều nhất là FPT (hơn 67 tỷ đồng), gấp đôi cổ phiếu xếp sau là KDH (33 tỷ đồng). Ngược lại, khối ngoại mua ròng cổ phiếu LPB nhiều nhất (hơn 10 tỷ đồng).
Mở cửa trong sắc xanh
Hòa chung không khí của thị trường chứng khoán Mỹ tối qua, sáng nay thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa trong sắc xanh. Tính đến 9h24, VN-Index giao dịch quanh 1,291.47 điểm, cộng 7.12 điểm; HNX-Index và UPCoM-Index cũng tăng nhẹ 0.78 điểm và 0.35 điểm.
Độ rộng thị trường nghiên hẳn về hướng tăng giá, với 355 mã tăng giá, giảm giá 97 mã và tăng trần lên đến 26 mã (như HNG, MFS, ONE, ABC).
Nhìn chung diễn biến tích cực diễn ra trên diện rộng ở nhóm ngành sản xuất, có 22/25 ngành theo VS-Sector mở cửa trong sắc xanh. Nhóm giảm điểm là sản phẩm cao su, dịch vụ lưu trú - ăn uống - giải trí và bán lẻ.
Các cổ phiếu nhóm thép có diễn biến tích cực, mở cửa HSG và NKG đã tăng hơn 2%, còn HPG tăng hơn 1%. Tương tự, cổ phiếu thuộc nhóm xây dựng và bất động sản như HHV tăng gần 4%; VRE, VCG, HDG mở cửa tăng hơn 1%.
Nhóm ngân hàng và chứng khoán nhìn chung tích cực, dù vậy vẫn có vài mã giảm điểm hoặc đi ngang.
Cổ phiếu SAB là lá cờ đầu đóng góp tích cực vào chỉ số VN-Index sáng nay, kế đến là hai cổ phiếu ngân hàng VCB và BID, xếp sau là cổ phiếu công nghiệp FPT. Ngược lại, TCB và MWG là các cổ phiếu bị bán mạnh nhất.
Nói về cổ phiếu SAB, phiên hôm qua ngày 05/06, giá của ông lớn ngành bia tăng kịch trần lên mức cao nhất trong hơn 7 tháng qua, tương đương vùng giá cuối tháng 10/2023. Khối lượng khớp lệnh trong phiên đạt gần 2.9 triệu cp với dư mua giá trần 1.18 triệu cp.
Liên quan MWG, mới đây, Chủ tịch HĐQT MWG là ông Nguyễn Đức Tài đã đăng ký bán 2 triệu cp MWG trong thời gian từ 07/06-05/07. Đây là lần đầu ông Tài quay lại bán cổ phiếu “con cưng”, kể từ lần gần nhất diễn ra vào tháng 12/2021.
Trên thị trường Mỹ, kết phiên ngày 05/06, chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đồng loạt lập kỷ lục mới, lần lượt tiến 1.18% lên 5,354.03 điểm và 1.96% lên 17,187.90 điểm. S&P 500 còn ghi nhận mức cao mọi thời đại mới trong phiên là 5,354.16 điểm. Chỉ số Dow Jones có thành quả thấp hơn một chút khi các cổ phiếu ngoài công nghệ hoạt động kém hiệu quả, nhích 96.04 điểm (tương đương 0.25%) lên 38,807.33 điểm.
Kha Nguyễn
FILI
|